Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng

Ngày đăng: 08-04-2024

Phát triển chuẩn đo lường quốc gia, nâng cao hiệu quả hoạt động đo lường

Ngày 5/4, Viện Đo lường Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức hội thảo “Phát triển chuẩn đo lường quốc gia và phối hợp nâng cao hiệu quả hoạt động đo lường”.

Tham dự hội thảo có ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường; bà Ngô Thị Ngọc Hà – Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam cùng đại diện các tổ chức, doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng cho biết, Tổng cục luôn coi đo lường là hoạt động chuẩn mực và cố gắng làm tốt nhất trong khả năng, nguồn lực, con người, điều kiện có thể. Hai năm vừa qua, hoạt động đo lường đã có những khởi sắc, có thể kể đến như: Biên tập bộ tài liệu 25 cuốn về các phép đo, phối hợp với Cục TCĐLCL Bộ Quốc phòng và các đơn vị tổ chức chương trình so sánh liên phòng, phát triển chuẩn đo lường quốc gia…

“Trước đây chúng ta tiếp cận đo lường ở phương diện khoa học và chính xác, tuy nhiên với sự phát triển của thế giới và xu thế mới, đo lường không chỉ dừng ở khoa học và chính xác mà cần tiếp cận những thứ mới. Bởi nếu không tiếp cận những thứ mới sẽ rất khó đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội và xu thế hội nhập hiện nay”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Tại Hội thảo, ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường đã có bài tham luận liên quan đến kế hoạch triển khai thực hiện “Kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030” theo Quyết định số 1488/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Giầu, mục tiêu chung của kế hoạch thứ nhất là theo hướng hiện đại, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; thứ hai là đáp ứng các yêu cầu QLNN về đo lường trong giai đoạn mới; thứ ba là đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng SPHH phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; thứ tư là góp phần thúc đẩy, phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước.

Về mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2024-2025: Duy trì, bảo quản và sử dụng 48 chuẩn ĐLQG đã được phê duyệt theo QĐ 1361/QĐ-TTg - Đầu tư phát triển mới, bổ sung 08 chuẩn ĐLQG, gồm: 02 chuẩn đo lường thuộc 02 đại lượng cơ bản; 06 chuẩn đo lường thuộc 05 đại lượng dẫn xuất.

Giai đoạn 2026-2030: Đầu tư nâng cấp mở rộng phạm vi đo, nâng cao trình độ 09 chuẩn ĐLQG của 08 đại lượng đã được phê duyệt, gồm: 01 chuẩn đo lường thuộc 01 đại lượng cơ bản, 08 chuẩn đo lường thuộc 07 đại lượng dẫn xuất; Đầu tư phát triển mới, bổ sung 36 chuẩn ĐLQG của 23 đại lượng, gồm: 09 chuẩn đo lường thuộc 03 đại lượng cơ bản và 27 chuẩn đo lường thuộc 20 đại lượng dẫn xuất.

Về nhiệm vụ và giải pháp của kế hoạch, theo ông Giầu, thứ nhất, cần tập trung, ưu tiên nguồn lực triển khai, phát triển các chuẩn ĐLQG được phê duyệt tại Quyết định 1488/QĐ-TTg. Thứ hai, phát triển chuẩn ĐLQG đáp ứng các yêu cầu: về sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam; bảo đảm chuẩn ĐLQG được dẫn xuất đến chuẩn chính đang sử dụng trong các ngành kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng; Thứ ba, đào tạo cán bộ: Tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trong nước và quốc tế;

Thứ tư, duy trì, bảo quản và sử dụng chuẩn ĐLQG: Bảo đảm độ chính xác và tính liên kết của chuẩn tới Hệ đơn vị đo quốc tế SI; Thứ năm, hợp tác quốc tế: tham gia chương trình so sánh liên phòng ở cấp quốc tế; tham gia các ban kỹ thuật, tiểu ban kỹ thuật về đo lường của OIML, BIPM, APLMF, APMP..., tham gia Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường (CIPM-MRA).

Ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường.

Ông Giầu cũng chỉ ra một số điểm mới như có tính khả thi cao, bảo đảm hiệu quả, tất cả kế hoạch đề ra trong quyết định này phải được thực hiện một cách chặt chẽ; Đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững; Viện ĐLVN xây dựng một bộ 25 tài liệu (23 tài liệu chuyên môn sâu về kỹ thuật đo lường); Định kỳ 3 năm tổ chức hội nghị khoa học kỹ thuật về chuẩn đo lường;

Xây dựng văn bản hướng dẫn duy trì bảo quản sử dụng chuẩn chính ở ĐP, giúp các địa phương khai thác và sử dụng chuẩn có hiệu quả; Công tác kiểm tra, hướng dẫn chuẩn chính của địa phương sẽ được tăng cường, đảm bảo các chuẩn đo lường được thực hiện một cách chính xác và đồng bộ trên toàn quốc; Bổ sung một số chuẩn đo lường quốc gia Thuỷ âm của Bộ Quốc phòng vào Kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030…

Trong khuôn khổ hội thảo, bà Ngô Thị Ngọc Hà – Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam đã có bài giới thiệu Bộ tài liệu kỹ thuật đo lường. Theo đó, với mục tiêu chuẩn hóa và phát triển các bộ tài liệu kỹ thuật đo bao gồm kiến thức cơ bản và chuyên sâu của các lĩnh vực đo lường để làm tài liệu, phục vụ cho các hoạt động đo lường. Cụ thể, xây dựng, chuẩn hóa 25 tài liệu kỹ thuật đo cho các lĩnh vực đo lường để phục vụ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường cho các cán bộ tham gia hoạt động đo lường.

Thời gian qua, Viện Đo lường Việt Nam đã thu thập và dịch tài liệu có liên quan đến bộ tài liệu kỹ thuật đo lường; Xây dựng đề cương chi tiết; Tổ chức họp góp ý kiến cho đề cương chi tiết; Hoàn thiện đề cương chi tiết; Xây dựng dự thảo tài liệu về kỹ thuật đo/đánh giá; Tổ chức hội thảo góp ý cho các dự thảo; Hoàn thiện dự thảo tài liệu sau hội thảo; Xin ý kiến góp ý của các chuyên gia; Hoàn thiện dự thảo các tài liệu sau góp ý; Họp phê duyệt các dự thảo tài liệu; Hoàn thiện dự thảo tài liệu sau họp phê duyệt.

Bà Ngô Thị Ngọc Hà – Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam.

Theo bà Hà, hiện nay sản phẩm tài liệu kỹ thuật đo bao gồm: Năm 2021 có 4 tài liệu là cơ sở đo lường học; Đánh giá năng lực đo lường; Kỹ thuật đo và hiệu chuẩn phương tiện đo nhiệt độ tiếp xúc; Kỹ thuật đo Rung động. Năm 2022 có 14 tài liệu bao gồm: Kỹ thuật đo độ dài - đo kích thước; Kỹ thuật đo góc; Kỹ thuật đo độ dài – đo khoảng cách trong trắc địa; Kỹ thuật đo khối lượng - cân không tự động; Kỹ thuật đo công suất điện; Kỹ thuật đo công suất cao tần; Kỹ thuật đo thời gian - tần số; Kỹ thuật đo quang thông; Kỹ thuật đo cường độ sáng; Kỹ thuật đo áp suất; Kỹ thuật đo mô men lực; Kỹ thuật đo thể tích chất lỏng tĩnh; Kỹ thuật đo lưu lượng chất lỏng trong đường ống dẫn kín; Kỹ thuật đo pH.

Năm 2023 có 7 tài liệu bao gồm: Kỹ thuật đo sai lệch hình dạng và vị trí tương quan; Kỹ thuật đo nhiệt độ không tiếp xúc; Kỹ thuật đo độ cứng; Kỹ thuật đo lưu lượng chất lỏng trong kênh hở tiêu chuẩn; Kỹ thuật đo lưu lượng khí; Kỹ thuật đo độ nhớt; Kỹ thuật đo Âm thanh.

Cũng theo bà Hà, nhiệm vụ đã hoàn thành theo đúng thuyết minh nhiệm vụ được phê duyệt, đảm bảo tuân thủ đúng quy định về tiến độ và các sản phẩm đúng theo yêu cầu. Đây cũng là lần đầu tiên các tài liệu về kỹ thuật đo cho lĩnh vực đo lường được xây dựng có hệ thống.

Hội thảo thu hút đông đảo tổ chức, doanh nghiệp tham gia.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Sơn – Phó Viện trưởng Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam có bài tham luận giới thiệu chương trình so sánh liên phòng. Hội thảo cũng diễn ra phần trao đổi, thảo luận giải đáp về những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động đo lường ở địa phương và đơn vị.

https://vietq.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 11
Hôm nay: 1759
Tổng lượt truy cập: 3.951.778
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!