Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Ngày đăng: 03-09-2020

Đổi mới mạnh mẽ hoạt động khoa học và công nghệ, góp phần đưa nhanh nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Trên tinh thần mạnh dạn tháo gỡ những “nút thắt” quan trọng trong công tác quản lý KH&CN thời gian qua, Sở KH&CN đã tham mưu ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách mới về KH&CN của Đảng và Nhà nước, qua đó đã tạo được hành lang pháp lý vừa thông thoáng vừa chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, tiêu biểu như: Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND ngày 31/03/2016 ban hành Quy chế quản lý các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh và cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND ngày 14/12/2017 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ ứng dụng và nhân rộng các kết quả KH&CN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2025;... Có thể xem đây là bước đột phá về chính sách trong lĩnh vực KH&CN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Lần đầu tiên, công tác ứng dụng và nhân rộng các kết quả KH&CN trên địa bàn tỉnh đã có một chính sách hỗ trợ khá toàn diện, bài bản trên các lĩnh vực với nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách của địa phương.

Với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ trong cơ chế quản lý các nhệm vụ KH&CN, cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai Quy chế quản lý các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh và cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND ngày 31/03/2016). Tiến hành cơ cấu lại các nhiệm vụ KH&CN gắn với việc phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực nhằm nâng cao giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của các sản phẩm, với yêu cầu phát triển sản xuất của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Đặc biệt là các đề tài, dự án từ năm 2016 đến nay đảm bảo nguyên tắc thực hiện theo hướng tập trung, chất lượng và có tính ứng dụng cao, không chạy theo số lượng; giải quyết đồng bộ các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm, đầu tư xuyên suốt từ khâu nghiên cứu, hoàn thiện quy trình, đưa vào áp dụng trong sản xuất để thương mại hoá các sản phẩm KH&CN.

Công tác xác định và phê duyệt nhiệm vụ KH&CN được tiến hành thường xuyên, liên tục trong năm. Việc cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước đã được cấp thông qua Quỹ phát triển KH&CN của tỉnh. Như vậy, thay vì phải giới hạn, phụ thuộc vào kế hoạch năm, các đề tài có giá trị đều được xem xét tiến hành bất cứ lúc nào; hoạt động nghiên cứu khoa học thời gian qua trên địa bàn tỉnh, vì vậy cũng không còn mang tính “thời vụ” như trước đây mà theo nhu cầu sáng tạo của nhà khoa học và nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp.

Cơ chế đặt hàng, phương thức tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đối với một số nhiệm vụ KH&CN và đổi mới cơ chế quản lý kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước thông qua thực hiện cơ chế khoán kinh phí (khoán chi từng phần hoặc khoán chi đến sản phẩm KH&CN cuối cùng); giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ KH&CN. Các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở KH&CN cũng đã được đổi mới phương thức cấp kinh phí hoạt động thường xuyên từ cấp theo đầu biên chế sang cấp theo nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, đã giúp cho các đơn vị vừa tháo gỡ vướng mắc về tài chính, vừa phát huy năng lực nội sinh, tạo nhiều sản phẩm cho xã hội và thị trường. Đồng thời, giúp cơ quan quản lý sàng lọc, đánh giá được năng lực thực sự của các tổ chức KH&CN công lập để có giải pháp đầu tư đúng, hiệu quả; sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước được đúng mục đích, hiệu quả.

Công tác triển khai các đề tài, dự án đã chú trọng xác định các nội dung gắn liền với sản phẩm cụ thể, gắn với việc phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực, giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội cấp bách của tỉnh; có địa chỉ ứng dụng cụ thể. Đặc biệt, cùng với các nhiệm vụ KH&CN cấp Trung ương, cấp tỉnh, từ năm 2016 đến nay, Sở KH&CN đã triển khai hơn 30 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở nhằm hỗ trợ tích cực cho các đơn vị/địa phương hoàn thiện, chuyển giao các công nghệ, các mô hình mới trong nông nghiệp gắn với thực tiễn sản xuất của các đơn vị/địa phương; Đã tranh thủ được nguồn lực của Trung ương triển khai 05 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các dự án triển khai trên địa bàn tỉnh thực sự tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực trên các địa bàn thực hiện dự án, góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất, dân trí và cải thiện đời sống nhân dân. Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND ngày 14/12/2017 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả KH&CN trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2025 ra đời đã đẩy mạnh việc ứng dụng và nhân rộng các tiến bộ KH&CN, ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển KT –XH và bảo vệ môi trường. Công tác cơ cấu lại các nhiệm vụ KH&CN gắn với việc phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh gắn với việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành KH&CN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, góp phần phát triển kinh tế đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Với phương châm “KH&CN phải xuất phát từ cơ sở và hướng về phục vụ cơ sở”, KH&CN phải lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ chính với mục tiêu đưa công nghệ đến với người dân và doanh nghiệp một cách nhanh và hiệu quả, nội dung và phương thức quản lý nhà nước về KH&CN thường xuyên được đổi mới và nâng cao chất lượng. Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 “về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về “tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, Sở KH&CN đã chỉ đạo đã tiến hành sắp xếp lại các phòng, đơn vị thuộc Sở theo chỉ đạo của UBND tỉnh theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Đã hợp nhất Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN và Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN thành Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KH&CN và đưa Trung tâm đi vào hoạt động có hiệu quả. Đầu tư tiềm lực KH&CN được tăng cường, đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển KH&CN địa phương, góp phần nâng cao năng lực quản lý, nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong tất cả các lĩnh vực.

Nhiều nhiệm vụ KH&CN đạt được kết quả cao nhờ ứng dụng có hiệu quả các công nghệ chủ chốt của cuộc CMCN 4.0. Trạm Nghiên cứu, Ứng dụng KH&CN Bắc Hướng Hóa được xem là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của tỉnh Quảng Trị vào sản xuất các loại cây, hoa cao cấp có giá trị kinh tế cao như: Lan Hồ Điệp, Tulip, Hoa Lily, cây Dâu Tây, Cà chua Cherry siêu ngọt,...

Công tác quản lý công nghệ và phát triển thị trường công nghệ, Công tác rà soát các dữ liệu điều tra cơ bản về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, Công tác biên soạn, hoàn thành công bố, xuất bản công trình Địa chí tỉnh Quảng Trị; Công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu,... trên địa bàn có nhiều đổi mới và đạt những kết quả quan trọng. Hợp tác quốc tế về KH&CN có nhiều bước tiến, chỉ riêng với đối tác Nhật bản, thông qua dự án Ứng dụng đèn LED cho các tàu đánh bắt xa bờ tỉnh Quảng Trị, ngành đã tranh thủ được nguồn vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài không hoàn lại 3.238.611 USD hỗ trợ cho 40 tàu cá của ngư dân 03 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Triệu Phong giúp tiết kiệm khoảng 70% nhiên liệu, giảm chi phí đánh bắt, tăng lợi nhuận Có thể nói, hoạt động KH&CN giai đoạn 2015-2019 đã có những đổi mới, bước chuyển biến vượt bậc, từng bước khẳng định vai trò và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình hành động số 26-CTHĐ/TU ngày 15/6/2016 của Tỉnh ủy Quảng Trị về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đặt ra.

Bên cạnh những cơ hội có được, những khó khăn, thách thức hình thành từ sự chuyển dịch chính sách để KH&CN đồng hành cùng doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của chuỗi sản xuất, đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước dành cho KH&CN từ đó đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao trong công tác tham mưu, quản lý của ngành. Bối cảnh đó tạo ra cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen cho Đảng bộ Sở trong việc triển khai các nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu lớn, đòi hỏi BCH Đảng bộ và toàn thể cán bộ, đảng viên phải tiếp tục phấn đấu, nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường đoàn kết, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh. Bám sát nghị quyết của Đại hội các cấp, tổ chức cơ sở đảng phải thực hiện tốt công tác lãnh đạo, nhằm kịp thời cụ thể hóa thành các chương trình hành động, kế hoạch công tác của ngành, cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện, hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại tỉnh Quảng Trị, tập trung ở các nội dung cụ thể:

Đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động KH&CN. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN. Đổi mới hệ thống tổ chức, cơ chế hoạt động của các tổ chức KH&CN. Đổi mới quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, cơ chế, chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KH&CN. Kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về KH&CN.

Rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển các lĩnh vực KH&CN theo hướng gắn kết chặt chẽ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch phát triển ngành, địa phương. Xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Điều chỉnh tổ chức các nhiệm vụ KH&CN theo hướng giải quyết đồng bộ các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm.

Cơ cấu lại các chương trình, nhiệm vụ KH&CN theo chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng. Đi sâu nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KH&CN để phát triển “6 cây, 2 con” chủ lực của tỉnh theo hướng bền vững thông qua xây dựng thương hiệu, ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất, nhằm tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm và có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là các sản phẩm có khả năng phát triển thành sản phẩm chủ lực trong Chương trình OCOP của tỉnh.

Thông qua các Chương trình KH&CN cấp quốc gia, cấp Bộ và các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, cấp cơ sở, tập trung chỉ đạo triển khai nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, ứng dụng các tiến bộ KH&CN để nâng cao hàm lượng KH&CN, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, có năng suất và giá trị gia tăng cao; đảm bảo nguyên tắc các đề tài/dự án KH&CN hàng năm thực hiện theo hướng tập trung, chất lượng và có tính ứng dụng cao, không chạy theo số lượng.

Triển khai thực hiện có hiệu quả những chính sách mang tính đột phá để khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, dịch vụ công; nhất là hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ trong sản xuất kinh doanh và dịch vụ công; tập trung nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp. Đẩy mạnh truyền thông, phổ biến thông tin, kiến thức về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần hình thành tinh thần khởi nghiệp, văn hóa khởi nghiệp trong cộng đồng. Đào tạo kiến thức, năng lực chuyên môn và kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ đầu tư về cơ sở hạ tầng dành cho khởi nghiệp của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp (cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, tổ chức thúc đẩy kinh doanh). Hình thành vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại tỉnh Quảng Trị để tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN. Phát triển thị trường công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao công nghệ. Thúc đẩy sự liên thông của thị trường KH&CN với thị trường hàng hóa, dịch vụ, thị trường lao động, thị trường vốn. Đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ (xác lập, quản lý, khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản, thế mạnh của tỉnh), tiêu chuẩn đo lường chất lượng phục vụ có hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Tăng cường quan hệ hợp tác về KH&CN với các cơ quan KH&CN trung ương, các trường đại học, các viện nghiên cứu nhằm tranh thủ nguồn lực KH&CN phục vụ phát triển KH&CN, kinh tế - xã hội của tỉnh. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về KH&CN với các nước Lào, Thái Lan, Nhật Bản...

Kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về KH&CN. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN ở địa phương và tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức quản lý nhà nước về KH&CN phù hợp với đặc thù của tỉnh. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về KH&CN trên địa bàn. Đẩy mạnh phân cấp nhiệm vụ KH&CN giữa cấp tỉnh với cấp huyện nhằm chuyển một phần các nhiệm vụ chuyên ngành hẹp về cơ sở, hướng mạnh về hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các nhiệm vụ đổi mới công nghệ, xây dựng và phát triển thương hiệu.

Tăng cường tiềm lực KH&CN đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng các khu công nghệ, kỹ thuật cao theo mô hình thích hợp với Quảng Trị để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa. Tập trung huy động nguồn lực, thu hút đầu tư để xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả Trạm Nghiên cứu, Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Bắc Hướng Hóa. Thu hút nguồn cán bộ khoa học từ sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; đặc biệt là cán bộ KH&CN có trình độ chuyên môn cao, nhà khoa học đầu ngành.

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để phát triển KH&CN.

Tranh thủ vốn đầu tư của các chương trình, dự án KH&CN cấp quốc gia thông qua việc xây dựng các chương, trình, dự án KH&CN trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Lồng ghép các chương trình, dự án KH&CN với các chương trình phát triển kinh tế của tỉnh. Thúc đẩy, khuyến khích khu vực tư nhân và doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tăng số lượng và quy mô các Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác công - tư nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào các hoạt động đổi mới sáng tạo. Hợp tác khoa học, kêu gọi đầu tư các dự án KH&CN của các Bộ, ngành trung ương triển khai trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh ứng dụng, nhân rộng các kết quả KH&CN là nhiệm vụ quan trọng của hoạt động KH&CN của tỉnh trong thời gian tới, trọng tâm là triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND ngày 14/12/2017 về chính sách hỗ trợ ứng dụng và nhân rộng các kết quả KH&CN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2025.

Đảng bộ Sở KH&CN tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, trí tuệ, đổi mới, hoàn thành nhiệm vụ đặt ra, góp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

TRẦN NGỌC LÂN
TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị

Đặc san KH&CN Quảng Trị

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 10
Hôm nay: 786
Tổng lượt truy cập: 4.057.007
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!