Áp dụng ISO 45001:2018 - tăng năng suất “nội tại” doanh nghiệp
Hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp - ISO 45001:2018 giúp doanh nghiệp đảm bảo môi trường lao động an toàn, thân thiện, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đầu ra.
ISO 45001:2018 là tiêu chuẩn phổ biến nhất trên thế giới về an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp, được áp dụng hầu hết trong tổ chức/doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực. Tiêu chuẩn này thay thế cho tiêu chuẩn OHSAS 18001; ISO 45001:2018, đồng thời đang trở thành chuẩn mực của bất kỳ tổ chức/doanh nghiệp nào có mục tiêu hướng đến phát triển lâu dài, bền vững.
ISO 45001:2018 được xây dựng nhằm triển khai chính sách về an toàn sức khỏe nghề nghiệp; phát hiện mối nguy hiểm và rủi ro có thể phát sinh; xây dựng biện pháp để kiểm soát mối nguy trong an toàn lao động; nâng cao nhận thức về rủi ro đối với người lao động trong doanh nghiệp.
ISO 45001:2018 nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động trong quá trình làm việc. (Ảnh: Internet)
ISO 45001:2018 được thiết kế để tích hợp với hệ thống quản lý khác, đảm bảo mức độ tương thích cao với phiên bản mới của ISO 9001 (hệ thống quản lý chất lượng) và ISO 14001 (hệ thống quản lý môi trường). Ngoài ra, ISO 45001:2018 sử dụng mô hình PDCA đơn giản, bao gồm lập kế hoạch – thực hiện – kiểm tra – hành động. ISO 45001:2018 cũng cung cấp khuôn khổ cho các tổ chức để lên kế hoạch những gì họ cần phải đưa vào nhằm giảm thiểu nguy cơ gây hại. Các biện pháp cần giải quyết được mối lo ngại về vấn đề sức khoẻ, tai nạn, nghỉ làm...
Nhận thức rõ tầm quan trọng của an toàn sức khỏe nghề nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp Việt đã “bắt tay” vào việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn ISO 45001:2018. Trong lĩnh vực khai thác cảng thương mại tổng hợp và cung cấp dịch vụ dầu khí, Công ty Cổ phần Cảng dịch vụ dầu khí Đình Vũ đã rất quyết tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho bộ phận chuyên môn trong quá trình chuyển đổi hệ thống an toàn sức khỏe nghề nghiệp.
PVCFC đang dần khẳng định vị thế, uy tín trên thị trường. Ảnh: PVCFC
Công ty đã rà soát các quy trình, tài liệu của hệ thống, xây dựng, điều chỉnh cho phù hợp thực tế cũng như yêu cầu, đồng thời từng bước hoàn thiện bộ phận an toàn vệ sinh lao động; sắp xếp cán bộ chuyên trách chịu trách nhiệm về an toàn vệ sinh lao động, cung cấp trang thiết bị cần thiết phục vụ về an toàn vệ sinh lao động… Bằng sự cố gắng nỗ lực và quyết tâm, Công ty đã hoàn tất việc chuyển đổi hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp theo ISO 45001.
Việc chuyển đổi, áp dụng ISO 45001 bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định. Theo đó, Công ty đã chứng tỏ được khả năng quản lý rủi ro, cải tiến kết quả thực hiện về an toàn sức khỏe nghề nghiệp, ngăn ngừa thương tật và đau ốm liên quan tới công việc, cung cấp nơi làm việc an toàn. Quan trọng hơn, qua đó đã loại bỏ mối nguy và giảm thiểu rủi ro bằng việc thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa có hiệu lực, người lao động yên tâm sản xuất kinh doanh.
Một doanh nghiệp khác là Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC). Qua việc sử dụng mô hình PDCA (Plan – Do – Check – Act) cùng tiêu chuẩn ISO 45001:2018 đã cung cấp cho doanh nghiệp kế hoạch phòng ngừa các rủi ro cũng như biện pháp phòng tránh những vấn đề lâu dài liên quan đến sức khỏe, an toàn của người lao động trong quá trình làm việc.
Sau thời gian vận hành trong hệ thống doanh nghiệp, sức khỏe, an toàn của người lao động được cải thiện. Qua đó, các sản phẩm cung cấp đạt tiêu chuẩn ra thị trường, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và các bên liên quan. PVCFC cũng dần khẳng định vị thế, uy tín trên thị trường, góp phần nâng cao uy tín thương hiệu Đạm Cà Mau trong nước và quốc tế.
https://khcncongthuong.vn/