Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin tức nổi bật

Ngày đăng: 14-06-2023

Việt Nam - Hàn Quốc chia sẻ dữ liệu y tế và AI

Theo đó, cơ quan quản lý khoa học và công nghệ của hai nước sẽ cùng nhau xây dựng các khung hợp tác song phương liên quan đến dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy. Ảnh: Ngô Hà

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy tại Diễn đàn Hợp tác và Đối tác trí tuệ nhân tạo (AI) và chuyển đổi số (DX) trong lĩnh vực y tế Việt Nam - Hàn Quốc 2023, Hà Nội, ngày 9/6. Ảnh: BTC

Từ năm 2020, Bộ KH&CN đã triển khai Chương trình trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025 “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”, trong đó AI là một trong những công nghệ chủ chốt được ưu tiên. Đến nay, các nhiệm vụ phát triển và ứng dụng AI trong y tế chiếm gần 1/4 số lượng nhiệm vụ về AI của Chương trình.

Năm 2021, Chính phủ cũng ban hành Chiến lược AI với mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam.

Với bối cảnh quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam – Hàn Quốc vừa được nâng cấp thành quan hệ cao nhất là “Đối tác chiến lược toàn diện” vào cuối năm ngoái, những chương trình hợp tác mới sâu rộng hơn giữa hai nước đang được khởi động, trong đó hợp tác về khoa học công nghệ là một ví dụ điển hình.

Mới đây, tại Diễn đàn Hợp tác và Đối tác trí tuệ nhân tạo (AI) và chuyển đổi số (DX) trong lĩnh vực y tế Việt Nam - Hàn Quốc 2023 do Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ Thông tin Hàn Quốc tổ chức, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết hai Bộ vừa thống nhất xây dựng một khung hợp tác cho phép chia sẻ dữ liệu để hỗ trợ việc nghiên cứu, phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo phục vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho công dân của mỗi nước.

Vì Hàn Quốc là một nước có nhiều sản phẩm AI chăm sóc sức khỏe đã được thương mại hóa, Thứ trưởng kỳ vọng hợp tác hai bên sẽ mở ra cơ hội cho người dân Việt Nam tiếp cận tới những công cụ chăm sóc sức khỏe chất lượng tốt với giá cả phải chăng hơn so với các nước Âu, Mỹ.

Bên cạnh đó, hai nước cũng sẽ xây dựng những khung đạo đức để phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo một cách có trách nhiệm (Responsible AI). Đại diện của Việt Nam tin rằng trí tuệ nhân tạo sẽ mang lại những lợi ích lớn hơn nhiều so với nỗi lo chúng sẽ thay thế các bác sĩ, chuyên gia y tế.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh: “Trong bối cảnh Việt Nam, khi những điều kiện đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế và việc tiếp cận y tế đến các khu vực vùng sâu, vùng xa còn chưa thực sự thuận lợi thì những ứng dụng về trí tuệ nhân tạo sẽ góp phần tổng hợp các tri thức của các bác sĩ đầu ngành ở những bệnh viện lớn tại Việt Nam và trên toàn thế giới đến với các y, bác sĩ ở những vùng khó khăn hơn, giúp họ chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn. Điều này cũng tạo ra được một sự bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam ở cả những vùng thách thức lần khu vực nông thôn, thành thị.”

BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Ngô Hà

BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thuyết trình tại Diễn đàn Hợp tác và Đối tác trí tuệ nhân tạo (AI) và chuyển đổi số (DX) trong lĩnh vực y tế Việt Nam - Hàn Quốc 2023, Hà Nội, ngày 9/6. Ảnh: Ngô Hà

Tại Diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam đã giới thiệu nhiều ứng dụng phát triển AI trong y tế.

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đã giới thiệu về những kết quả nổi bật mà công nghệ hội chẩn từ xa (Telehealth), phòng khám chữa bệnh từ xa (Remote Clinic) và chăm sóc sức khỏe ban đầu từ xa (Remote Primary Healthcare) đang phát huy trong hệ thống y tế Việt Nam.

Ông cũng chia sẻ về nghiên cứu và phát triển mô hình AI ứng dụng trong chữa trị bệnh tiểu đường mà Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đang hợp tác với tập đoàn viễn thông KT (Hàn Quốc) triển khai. Mô hình này đã được chính thức áp dụng trong hệ thống y tế của Hàn Quốc từ năm 2019, trong đó chương trình sàng lọc tiểu đường bằng AI và hướng dẫn người bệnh tự chăm sóc đã giúp giảm 10% số bệnh nhân đến viện thăm khám thường xuyên, và giảm 50% số bệnh nhân phải nhập viện hoặc cấp cứu do biến chứng nặng, đồng thời đem lại lợi ích chi phí từ 1,5 – 4,3 lần nhờ sử dụng AI.

Ông Hiếu cho biết, một hệ thống tương tự cũng đang được thử nghiệm trên 2.000 bệnh nhân ở Việt Nam và dự kiến sẽ công bố rộng rãi vào tháng 11/2023. Chúng sẽ được tích hợp vào ứng dụng y tế của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Trong khi đó, bà Trần Thị Thanh Hương, Viện trưởng Viện Ung thư quốc gia thuộc Bệnh viện K cho biết họ đang triển khai 2 dự án hợp tác cùng tập đoàn KT để phát triển một ứng dụng AI trong chẩn đoán sớm ung thư tuyến giáp và một ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa cho bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư dạ dày.

Ở Việt Nam, cả hai loại bệnh ung thư này đều có hàng trăm nghìn ca bệnh mỗi năm, gây ra gánh nặng bệnh tật lớn cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Các thử nghiệm đang được tiến hành và dự kiến kết thúc vào tháng 8/2023. Nếu thành công, các hệ thống AI đó sẽ được tích hợp vào trong ứng dụng y tế của Bệnh viện K.

Ngoài ra, Diễn đàn cũng đem đến 20 doanh nghiệp Hàn Quốc có mong muốn tiếp cận thị trường Việt Nam với những công nghệ AI tiên tiến như Lunit (phân tích hình ảnh ung thư vú), Medical IP (phân tích thành phần cơ thể dựa trên ảnh CT), JLK (chẩn đoán các bệnh về não), Crescom (phân tích hình ảnh cơ xương khớp), …

https://khoahocphattrien.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 2
Hôm nay: 1329
Tổng lượt truy cập: 3.609.331
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!