Thúc đẩy thị trường khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo
Việc đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả là rất quan trọng. Tuy nhiên, quá trình triển khai quy trình đó còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ để phát triển thị trường khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022; là một trong bảy quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.
Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp. (Ảnh VIẾT CHUNG)
Những kết quả đáng ghi nhận
Chiến lược phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của Việt Nam đã được cụ thể hóa bằng 44 chương trình khoa học và công nghệ (KH-CN) cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025 và đến năm 2030, cân đối cho cả ba lĩnh vực khoa học tự nhiên; khoa học xã hội và nhân văn; khoa học kỹ thuật và công nghệ. Các nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn đã cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, xây dựng các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng…
Các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, tập trung vào nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng trong các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh nhằm đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Theo thống kê của Scimago, các lĩnh vực khoa học tự nhiên của Việt Nam tăng vị trí đáng kể trên bảng xếp hạng trên thế giới và khu vực so với năm 2016. Thị trường KH-CN tiếp tục được quan tâm xúc tiến cùng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các chợ công nghệ, sàn giao dịch, ngày hội khởi nghiệp sáng tạo, chương trình kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo quy mô quốc gia, vùng, địa phương và quốc tế... Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia ngày càng phát triển về quy mô và hình thức hoạt động, được đánh giá là một trong những hệ sinh thái năng động nhất châu Á và đứng thứ 58 thế giới.
Đến nay, nhiều địa phương đã có những sản phẩm mới, những nghiên cứu mới đi vào thực tiễn. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, thành phố lần đầu tiên lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu. Với vai trò là đầu tàu, cực tăng trưởng kinh tế, Hà Nội đã có nhiều kết quả, sản phẩm mới, đi vào chiều sâu, như đề án “Xây dựng mạng lưới sáng kiến Hà Nội” kết nối chính quyền với các nhà khoa học; phát triển 154 doanh nghiệp KH-CN (đứng đầu cả nước); hơn 90% số đề tài và 100% số dự án sản xuất thử nghiệm được ứng dụng vào thực tiễn…
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ứng dụng mạnh mẽ KH-CN vào quản lý hành chính công, nhất là trong các dịch vụ công, phấn đấu đến năm 2025 trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại. Thống kê cho thấy, KH-CN đóng góp 74% vào tăng trưởng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP); từ năm 2011 đến năm 2021, năng suất lao động xã hội của thành phố cao gấp 2,7 lần và tốc độ tăng năng suất lao động cao gấp 1,7 lần so với cả nước.
Năm 2023, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam công bố hơn 2.200 công trình khoa học, trong đó gần 80% là công trình công bố quốc tế. Nhiều công nghệ tiên tiến đã được ứng dụng thành công vào thực tiễn. Giai đoạn 2011-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận 529 giống mới, 273 tiến bộ kỹ thuật, 185 sáng chế, 440 quy trình kỹ thuật…
Những năm gần đây, Việt Nam đã có những thành tựu KH-CN nổi bật: Thiết kế thành công giàn khoan tự nâng 120m với tổng khối lượng thi công, lắp đặt gần 18 nghìn tấn, làm lợi 38 triệu USD cho ngành dầu khí, trở thành quốc gia sở hữu giàn khoan có chất lượng trong top 3 châu Á và top 10 thế giới. Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam thiết kế và chế tạo thiết bị soi cắt lớp điện toán trong công nghiệp gamma (COMET) được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế đặt mua sáu chiếc. Trung tâm Sản xuất thiết bị điện tử Viettel đã phát triển dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử viễn thông tân tiến nhất Đông Nam Á, có khả năng sản xuất 5 triệu USB, 3 triệu điện thoại di động và 900 nghìn máy tính cá nhân mỗi năm… Các nhà khoa học Việt Nam cũng làm chủ công nghệ đóng tàu biển và chiến hạm cao tốc; làm chủ công nghệ chỉnh sửa gien CRISPR/cas9; nghiên cứu, chế tạo thành công phòng sạch đạt cấp độ cao nhất thế giới; ra mắt dòng chíp vi mạch ứng dụng trong sản phẩm internet vạn vật cho lĩnh vực y tế; ra mắt hệ sinh thái điện toán đám mây lớn nhất Việt Nam…
Cần xác định nền tảng, động lực và trung tâm
Hiện nay, vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập trong quản lý KH-CN mà vì nhiều lý do khách quan và chủ quan chưa được tháo gỡ. Số lượng công trình nghiên cứu đưa được vào thực tiễn sản xuất còn ít, trong khi kết quả nghiên cứu phải “cất vào ngăn kéo” khá phổ biến.
Nguyên nhân được chính các nhà quản lý, nhà khoa học chỉ ra là do sự gắn kết giữa nhà khoa học và doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn để bảo đảm lợi nhuận hơn là liên kết với nhà khoa học trong nước. Nhiều công trình nghiên cứu tạo giống cây trồng đạt kết quả rất khả quan nhưng rất khó đưa vào sản xuất đại trà, do tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường giống…
Một nguyên nhân khác cũng được gọi tên là do sử dụng ngân sách đầu tư cho khoa học kỹ thuật còn nhiều bất cập. Nhà khoa học đến tuổi nghỉ hưu không được tiếp tục làm chủ nhiệm đề tài khoa học đã theo đuổi cả cuộc đời, đó là sự lãng phí chất xám ngay trong nước.
Ngày 5/10/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra sáu nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để “phát triển thị trường KH-CN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập”. Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) và chính thức triển khai trên toàn quốc từ năm 2023.
Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, để KH-CN và đổi mới sáng tạo thật sự trở thành đột phá chiến lược và động lực chính cho kinh tế-xã hội, cần tiếp tục kiên trì đổi mới tư duy, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp lớn về phát triển hệ thống đổi mới quốc gia; đổi mới cơ chế quản lý KH-CN; nâng cao tiềm lực và trình độ KH-CN; thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về KH-CN và đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cần được làm nền tảng, nhà khoa học là động lực và doanh nghiệp là trung tâm.
Cục trưởng Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp KH-CN Phạm Hồng Quất cho rằng, cần có chính sách thí điểm thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất, kinh doanh. Trước mắt áp dụng thử nghiệm chính sách này tại Thành phố Hồ Chí Minh ở một số viện nghiên cứu, trường đại học, trên cơ sở đó tổng kết, rút kinh nghiệm để đề xuất chính sách áp dụng chung trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; chính sách ươm tạo doanh nghiệp KH-CN tại viện nghiên cứu, trường đại học.
Nhiều nhà khoa học, chuyên gia đề xuất cần sớm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KH-CN nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, ngành KH-CN cần phối hợp các sở, ngành, địa phương tăng cường cơ chế đặt hàng các nhiệm vụ KH-CN; hoàn thành, đưa vào vận hành sàn giao dịch công nghệ; đưa những dự án nghiên cứu chuyển giao công nghệ đi vào hoạt động… Mặt khác, Nhà nước cần có chính sách thí điểm thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; ươm tạo doanh nghiệp KH-CN tại viện nghiên cứu, trường đại học.
Nguồn: nhandan.vn