Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9

Ngày đăng: 10-08-2021

Cách mạng Tháng 8, Quốc khánh 2/9: Đại đoàn kết sẽ đại thành công

Hơn 4.000 năm lịch sử đã chứng minh, đại đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, giúp dân tộc Việt Nam vượt qua bao thách thức và biến cố của lịch sử.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, truyền thống đại đoàn kết càng được kế tục và phát huy cao độ. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã dày công vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân, từng nói: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch.”

Đoàn kết đã giúp Cách mạng Tháng Tám thành công. Đoàn kết đã giúp kháng chiến thắng lợi và đoàn kết sẽ đưa đất nước Việt Nam tiến đến những đỉnh cao mới của thời đại.

Đoàn kết là sức mạnh vô địch

Dù có một lịch sử phát triển lâu đời và hào hùng, nhưng từ năm 1884, nhân dân Việt Nam phải chịu đựng cuộc sống tủi nhục dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Kinh tế Việt Nam chìm đắm trong nghèo nàn và lạc hậu, nhân dân ta phải sống trong cảnh nô lệ và đói nghèo cả về vật chất và tinh thần, 90% dân số mù chữ.

Triều đình phong kiến yếu hèn, không có tiếng nói, đời sống nhân dân cơ hàn cực khổ, đất nước bị khai thác đến kiệt quệ, xác xơ. Các cuộc khởi nghĩa, phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp đều bị thất bại và dìm trong biển máu. Nguyên nhân làm cho các cuộc khởi nghĩa, phong trào yêu nước thất bại chủ yếu do không có đường lối đúng đắn.

Ðối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong điều kiện một nước thuộc địa nửa phong kiến, lực lượng giải phóng dân tộc là lực lượng toàn dân, trong đó liên minh công nông làm nòng cốt. Do đó, Ðảng phải giáo dục và tổ chức toàn dân đứng lên làm cách mạng.

Bác đề ra chiến lược đại đoàn kết toàn dân dưới ngọn cờ cứu nước, giải phóng dân tộc để tập hợp tất cả mọi người dân Việt Nam yêu nước, "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta,"

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đoàn kết toàn dân tộc là sức mạnh vô địch, có ý nghĩa quyết định đến sự sống còn, thành bại của cách mạng nước nhà.

Đoàn kết từ tổ chức lãnh đạo

Năm 1930, khi thống nhất các tổ chức Cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra “Năm điểm lớn” trong Cương lĩnh, như những nguyên tắc để gạt bỏ các bất đồng trước đó và đi tới thống nhất trong phong trào cách mạng Việt Nam. Trong đó, hợp tác, thống nhất được Người nhấn mạnh ở ngay điểm đầu tiên: “Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương.”

Từ tầm nhìn xa trông rộng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn chính là bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi...”(1).

Chính vì thế, ngay từ khi vừa thành lập, Đảng ta đã không ngừng xây dựng, củng cố khối liên minh công-nông và coi trọng việc đoàn kết, tập hợp các lực lượng khác như thanh niên, phụ nữ, học sinh, trí thức, tiểu thương, tư sản, địa chủ…

Với tuyên ngôn về đoàn kết, thống nhất, Đảng Cộng sản đã trở thành hạt nhân quy tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với xu hướng cách mạng thế giới, là tiền đề quan trọng nhất cho những bước phát triển tiếp theo.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941), Đảng và Bác quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, nhằm “liên hiệp hết thảy các giới, đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn” (2).

Coi quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy, Việt Minh “sẵn sàng giơ tay đón tiếp những cá nhân hay đoàn thể, không cứ theo chủ nghĩa quốc tế hay quốc gia, miễn thành thực muốn đánh đuổi Nhật, Pháp để dựng lên một nước Việt Nam tự do và độc lập” (3).

Sự ra đời của Mặt trận Việt Minh đánh dấu bước ngoặt trong đường lối lãnh đạo cách mạng, hướng tới việc mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, quy tụ và phát huy cao độ nội lực dân tộc cho một cuộc hồi sinh vĩ đại.

Kể từ đây, chủ trương đoàn kết dân tộc của Đảng được đặt trên cơ sở của chính chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Chủ trương này được thực hiện nhất quán trong công tác vận động quần chúng của Đảng.

Với sự ra đời của Mặt trận Việt Minh, lần đầu tiên Mặt trận Dân tộc Thống nhất đã trở thành hiện thực và phát huy vai trò mạnh mẽ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh không chỉ làm cho khối đại đoàn kết dân tộc được mở rộng, củng cố không ngừng “Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh,” mà còn là phương tiện nâng lực lượng của khối đại đoàn kết ấy lên một trình độ mới, một chất lượng mới - Đại đoàn kết quy tụ dân tâm có hệ tư tưởng, có tổ chức, có lãnh đạo.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, thông qua Việt Minh, dân tộc ta không những đã đoàn kết lại mà lần đầu tiên đoàn kết có hiệu quả cao nhất. Chính vì vậy, tất cả những quyết định của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Minh đều đã được tuyệt đại đa số quần chúng nhân dân mọi tầng lớp ủng hộ, kể cả các lực lượng vốn đứng ngoài Mặt trận Việt Minh.

Dưới ngọn cờ Việt Minh, sức mạnh quật cường, tinh thần sáng tạo của nhân dân được nhân lên gấp bội. Quần chúng nhân dân được tổ chức thành các đoàn thể cứu quốc: Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Công nhân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc… Càng tiến gần tới cuộc Tổng khởi nghĩa, Mặt trận dân tộc thống nhất càng mở rộng, thu nạp thêm nhiều tổ chức yêu nước, thu hẹp lực lượng chống đối và tầng lớp trung gian, tạo nên một lực lượng hùng mạnh.

Đoàn kết tạo nên sức mạnh vô địch

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc hồi sinh vĩ đại của một dân tộc biết nương tựa vào nhau, chung sức đồng lòng vì lẽ phải, vì lương tri và những giá trị làm người cơ bản.

Đó là biểu tượng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam và sức mạnh của đoàn kết quốc tế: toàn dân đồng lòng nổi dậy, lực lượng Đồng minh chống phát xít trên thế giới ủng hộ; từ chiến khu về đồng bằng, từ nông thôn đến thành thị, rồi cả thành thị cùng nông thôn nhất tề nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân.

Có được sức mạnh đó là nhờ nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là nghệ thuật xây dựng và phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; trên cơ sở lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân để tổ chức, tập hợp họ vùng lên đấu tranh “lấy sức ta giải phóng cho ta.”

Vì thế, Cách mạng Tháng Tám đã tạo nên một cao trào cách mạng rộng khắp, mạnh mẽ chưa từng thấy với đông đảo lực lượng tham gia, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, mọi thành phần kinh tế, mọi giới và mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam.

Chỉ trong hai tuần, toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh và lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã nhất tề vùng lên trong một cuộc Tổng khởi nghĩa có một không hai, giành chính quyền về tay mình.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 của Việt Nam, không chỉ mở ra một kỷ nguyên mới cho Việt Nam, mà còn là thắng lợi của cách mạng giành chính quyền chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhất, tổn thất nhỏ nhất, nhưng mang lại thành công lớn nhất và triệt để nhất trong lịch sử nhân loại.

Đó cũng là thắng lợi tất yếu của 15 năm chuẩn bị chu đáo của Đảng ta, là kết quả của cuộc đấu tranh yêu nước rộng lớn của dân tộc, sự hy sinh anh dũng của đồng bào, đồng chí cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Với thắng lợi này, nhân dân Việt Nam đã đập tan xiềng xích nô lệ của đế quốc thực dân và lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Phát huy tinh thần đoàn kết trong xây dựng đất nước đổi mới

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, cả dân tộc bước vào thời kỳ “kháng chiến kiến quốc.” Đây là thời kỳ vô cùng khó khăn khi ta phải đương đầu với cả giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm…

Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn. Với tư cách là người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta tiếp tục giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc. Quốc hội ra đời với các đại biểu đến từ tất cả các giai tầng trong xã hội, từ công nhân, nông dân, tiểu tư sản, người dân tộc thiểu số thuộc mọi ngành, lĩnh vực văn hóa, tôn giáo…

Mặt trận dân tộc thống nhất với nhiều tên gọi khác nhau như Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò quy tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc, giúp nhân dân ta giành được những thắng lợi vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954); chống đế quốc Mỹ, cứu nước (1954-1975), hoàn thành độc lập và thống nhất đất nước; giành thắng lợi trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây-Nam và biên giới phía Bắc… và đạt được nhiều thành tựu to lớn, quan trọng.

Và hơn 30 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, tinh thần bất diệt của Cách mạng Tháng Tám luôn là nguồn lực hun đúc ý chí quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của toàn Ðảng, toàn dân Việt Nam.

Nhờ đó, đất nước đã vươn lên, vượt qua ngưỡng nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển; đời sống của nhân dân ngày càng cải thiện; chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; dân chủ xã hội được phát huy; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng nâng cao.

Bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân, đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám tiếp tục được Đảng quán triệt, vận dụng và nâng lên tầm cao mới, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đoàn kết là sức mạnh vô địch của chúng ta.”

Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục giương cao ngọn cờ đại đoàn kết theo tinh thần: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công.”

Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố chính là nhân tố bảo đảm ổn định tình hình chính trị-xã hội, tăng trưởng kinh tế cao, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện an sinh xã hội...

Với những thành quả cách mạng đã đạt được, dưới sự lãnh đạo đầy bản lĩnh, trí tuệ của Đảng, sự quản lý điều hành năng động, sáng tạo của Nhà nước cùng khát vọng vươn lên mãnh liệt của nhân dân ta, tiếp tục vận dụng bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới, chúng ta vững tin bảo vệ vững chắc thành quả sự nghiệp đổi mới, kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp./.

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, T3, Tr.217.
(2), (3) Văn kiện Đảng toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, H.2000, t7, tr. 461.
(4): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 40-41.
(5), (6): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.158,159.

https://tuyengiao.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 15
Hôm nay: 4885
Tổng lượt truy cập: 3.948.808
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!