Nghiệm thu Dự án: “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất các sản phẩm Đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris) tại tỉnh Quảng Trị"
Chiều 26/4/2024, Hội đồng tư vấn do ông Trần Ngọc Lân, TUV, Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng chủ trì đã tiến hành nghiệm thu Dự án: “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất các sản phẩm Đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris) tại tỉnh Quảng Trị”. Dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2016-2025, do Ths. Trần Quang Phú làm chủ nhiệm, Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo là đơn vị chủ trì. Thời gian thực hiện từ tháng 5/2021 đến tháng 4/2024.
Toàn cảnh phiên họp
Dự án hướng đến mục tiêu Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng thành công mô hình sản xuất Đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris) nhằm nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm tại các xã vùng biên giới có điều kiện đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Trị.
Đơn vị chủ trì thực hiện báo cáo tại Hội đồng
Tại Hội đồng, đơn vị thực hiện dự án đã báo cáo các nội dung thực hiện và sản phẩm đạt được. Cụ thể: Dự án đã chuyển giao và tiếp nhận thành công 04 quy trình công nghệ nhân giống và nuôi trồng các sản phẩm nấm Đông trùng hạ thảo, đơn vị chủ trì thực hiện dự án đã hoàn toàn làm chủ được các quy trình công nghệ. Các công nghệ được lựa chọn đưa vào thực hiện phù hợp với điều kiện của địa phương, có khả năng áp dụng vào thực tế lớn; đã thực hiện đào tạo 04 cán bộ kỹ thuật với thời gian đào tạo 20 ngày tại đơn vị chuyển giao; phối hợp với đơn vị chuyển giao tổ chức tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc nấm Đông trùng hạ thảo. Quy mô: 01 lớp với thời gian 05 ngày; Số lượt người dân tham gia: 50 lượt người. Thông qua lớp tập huấn, người dân đã tiếp cận và nắm vững được các quy trình công nghệ liên quan nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo, đây là tiền đề, cơ hội để mở rộng nhân rộng mô hình của dự án.
Dự án đã hình thành một cơ sở nhân giống và nuôi trồng các sản phẩm nấm Đông trùng hạ thảo, là nơi để nhiều người dân trong tỉnh cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước đến thăm quan học tập mô hình; đã thực hiện nhân giống 10 đợt với số lượng 500/150 lít giống cấp II nấm Đông trùng hạ thảo (đạt 333,33%); sản xuất 10 đợt với số lượng 90.000/90.000 lọ ĐTHT trên môi trường tổng hợp (đạt 100%), 1.500/1.500 lọ ĐTHT trên ký chủ nhộng tằm (đạt 100%). Trong đó, đã thu hoạch 10 đợt với số lượng 83.070 lọ Đông trùng hạ thảo trên môi trường tổng hợp và 575 lọ Đông trùng hạ thảo trên ký chủ nhộng tằm (tương đương khối lượng 830,70 + 5,75 = 836,45kg Đông trùng hạ thảo tươi). Sau khi sản xuất có sản phẩm tươi thu hoạch thì Trung tâm tiến hành nghiên cứu sản xuất một số sản phẩm theo hướng chuỗi giá trị gia tăng như: Đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, Rượu Đông trùng hạ thảo và Đông trùng hạ thảo ngâm mật ong… Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã thiết kế, lựa chọn, in ấn bao bì, nhãn mác để quảng bá và thương mại cho các dòng sản phẩm này. Tất cả các dòng sản phẩm Đông trùng hạ thảo của Trung tâm được khách hàng đón nhận với những phản hồi rất tích cực về chất lượng của sản phẩm.
Đơn vị chủ trì đã xây dựng hoàn thiện bộ tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) cho sản phẩm “Đông trùng hạ thảo Sa Mù” và đã được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Trị tiếp nhận công bố ngày 20/12/2023; xây dựng và hoàn thiện bộ hồ sơ đăng ký chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm “Đông trùng Hạ thảo Sa Mù” và đã được Cục Sở hữu trí tuệ quyết định chấp nhận đơn hợp lệ với chủ thể đăng ký là Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Trong thời gian thực hiện dự án, Trung tâm đã hỗ trợ khởi nghiệp, hướng dẫn, chuyển giao và nhân rộng mô hình dự án cho một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là Công ty TNHH Phát triển Công nghệ QT-TECH (thôn Gia Độ, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Đây là tín hiệu rất khả quan bước đầu về sự thành công cũng như định hướng mở rộng, nhân rộng kết quả của dự án. Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục duy trì và mở rộng nhân giống, sản xuất các sản phẩm nấm Đông trùng hạ thảo để chủ động nguồn giống cung ứng tại chỗ cho doanh nghiệp và tập huấn các quy trình công nghệ về nhân giống, nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo thuộc dự án cho người dân và doanh nghiệp có nhu cầu để phát triển, mở rộng sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo thương phẩm chất lượng nhằm phục vụ và góp phần nâng cao sức khỏe người tiêu dùng.
Hội đồng đã tiến hành đánh giá, góp ý các kết quả thực hiện của dự án. Đơn vị chủ trì đã thực hiện đầy đủ các nội dung của Dự án đảm bảo theo thuyết minh. Hội đồng đề nghị đơn vị chủ trì chỉnh sửa báo cáo kết quả theo ý kiến góp ý của các thành viên và nhất trí nghiệm thu, dự án xếp loại: Xuất sắc./.
Ánh Ngọc