Chỉ số PAPI năm 2020: Quảng Trị xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố
Theo đó, năm 2020, không có tỉnh, thành phố nào có tên trong nhóm đạt điểm cao nhất ở toàn bộ tám chỉ số nội dung PAPI. Phần lớn các tỉnh, thành phố trong nhóm đạt điểm cao nhất tập trung ở các vùng Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Phần lớn các tỉnh trong nhóm thấp nhất tập trung ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.
Với số điểm tổng hợp (không có trọng số) 44.766 điểm, tỉnh Quảng Trị xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, cụ thể 08 chỉ số như sau: 1. Tham gia của người dân ở cấp cơ sở (5.478 điểm). 2. Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định (5.447 điểm). 3. Trách nhiệm giải trình với người dân (5.644 điểm). 4.Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (7.431 điểm). 5.Thủ tục hành chính công (7.226 điểm). 6. Cung ứng dịch vụ công (7.075 điểm). 7. Quản trị môi trường (3.518 điểm). 8.Quản trị điện tử (2.946 điểm).
Bảng tổng hợp kết quả PAPI 2020 của 63 tỉnh, thành phố
Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2020 phản ánh đánh giá về hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ công của các cấp chính quyền của 14.732 người dân được chọn ngẫu nhiên trong dân cư Việt Nam từ 18 tuổi trở lên với đặc điểm nhân khẩu đa dạng. Trong số những người tham gia phỏng vấn trực tiếp, 14.424 người có hộ khẩu thường trú ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố và 308 người có hộ khẩu tạm trú ở sáu tỉnh, thành phố có tỉ suất nhập cư ròng lớn nhất toàn quốc (gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng và Bắc Ninh).
PAPI là công cụ phản ánh hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật liên quan đến người dân, với sự tham gia của người dân trong giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền, được thực hiện từ bên ngoài khu vực Nhà nước lớn nhất ở Việt Nam hiện nay. Trong suốt 12 năm qua, có tới 146.233 lượt người dân được chọn ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc đã tham gia đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công ở nhiều lĩnh vực và ở tất cả các cấp chính quyền, dựa trên trải nghiệm của họ trong tương tác trực tiếp với chính quyền các cấp. Mục tiêu của chương trình nghiên cứu PAPI nhằm góp phần cải thiện chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức công, đảm bảo quyền căn bản của con người, nhất là quyền được bày tỏ chính kiến, tiếp cận thông tin và sử dụng dịch vụ công căn bản có chất lượng. Với dữ liệu thực chứng thu thập từ người dân - đối tượng thụ hưởng chính từ nền quản trị công và dịch vụ công có chất lượng - qua khảo sát PAPI thường niên và các hoạt động nghiên cứu và tư vấn chính sách chuyên đề, chương trình nghiên cứu PAPI góp phần tìm hiểu những khoảng trống, những điểm nghẽn chính sách cần được các cơ quan có chức năng hoạch định chính sách bổ khuyết, đổi mới, hướng tới đạt được những mục tiêu trên và góp phần cải thiện hiệu quả hoạt động của bộ máy công vụ ở Việt Nam. |
Nguyễn Thị Hòa