Hướng đến đô thị thông minh
Có nhiều cách hiểu khác nhau về ĐTTM nhưng điểm chung nhất được các chuyên gia thừa nhận là: Một đô thị chỉ thực sự thông minh khi hội đủ 3 yếu tố hạ tầng hiệu quả, phát triển bền vững và môi trường thân thiện dựa trên 6 tiêu chí gồm nền kinh tế thông minh, di chuyển thông minh, công dân thông minh, môi trường thông minh, quản lý điều hành thông minh và cuộc sống thông minh. Mặc dù có 6 tiêu chí để xác nhận một ĐTTM, tuy nhiên, ở nhiều nước trên thế giới và ở Việt Nam, mỗi đô thị lại xác định một vài định hướng trọng tâm để triển khai thực hiện.
Ở nước ta, việc tiếp cận và thực hiện xây dựng ĐTTM của từng tỉnh, thành phố chủ yếu lấy “chính quyền điện tử” làm trọng tâm phát triển hơn các tiêu chí khác để phù hợp với nhu cầu, điều kiện và nguồn lực của từng giai đoạn. Ví dụ như ở thành phố Đà Nẵng, xây dựng ĐTTM bắt đầu từ giải pháp sử dụng trung tâm thông minh điều hành đảm bảo chất lượng nguồn nước phục vụ người dân, cung cấp giao thông công cộng, giảm thiểu ùn tắc giao thông và hoàn thiện mô hình chính quyền điện tử; thành phố Hà Nội thực hiện với trọng tâm là xây dựng chính quyền điện tử, quản lý và điều hành giáo dục, y tế, văn hóa, giao thông…
Để hướng đến ĐTTM, ngày 1/8/2018, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1765/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án xây dựng mô hình ĐTTM tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018 - 2023, tầm nhìn đến năm 2030 (đề án). Mục tiêu của đề án là xác định mô hình ĐTTM với các thành phần phù hợp với điều kiện của tỉnh. Ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng cho ĐTTM với trung tâm điều hành, nền tảng tích hợp đảm bảo kết nối được với các thành phần của ĐTTM, cơ sở dữ liệu tích hợp tiến đến một cơ sở dữ liệu mở; xây dựng chính quyền điện tử làm nòng cốt để xây dựng ĐTTM; xây dựng hệ thống ứng dụng thông minh về y tế, giáo dục, du lịch, giao thông, an ninh… Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Quảng Trị triển khai đồng bộ hệ thống các dịch vụ thiết yếu phục vụ người dân thông minh như điện, nước, ngân hàng, thương mại điện tử, môi trường, quy hoạch và nhà ở đô thị…thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu lớn của ĐTTM. Đề án cũng xác định 9 nhóm giải pháp để thực hiện các mục tiêu này.
Để thực hiện đề án, nhiều kế hoạch, công việc cụ thể đã được UBND tỉnh triển khai, chỉ đạo, đồng thời các ngành chức năng, chính quyền các địa phương đã vào cuộc chủ động, tích cực. Nổi bật là vào đầu tháng 11/2020, UBND tỉnh đã có cuộc làm việc với Viettel về dự án xây dựng Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Quảng Trị (trung tâm). Theo đó, phía Viettel đề xuất khung kiến trúc tổng thể xây dựng trung tâm với mục tiêu giúp chính quyền giám sát, điều hành tập trung các lĩnh vực thông qua một nền tảng công nghệ chung duy nhất; thu thập, kết nối tất cả các nguồn dữ liệu và khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu phục vụ các hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Đồng thời cho phép cộng đồng tiếp cận nguồn dữ liệu để phục vụ phát triển các dịch vụ, ứng dụng thông minh. Các lĩnh vực ưu tiên thực hiện là giao thông, an ninh công cộng; thông tin phản ánh hiện trường; hệ thống phân tích dữ liệu; hệ thống giám sát dịch vụ công ích; hệ thống hỏi, đáp ý kiến phục vụ người dân; hệ thống giám sát bảo mật, an toàn thông tin…
Dự án được thực hiện theo 3 giai đoạn là triển khai thí điểm, hoàn thiện thủ tục đầu tư; tiếp tục triển khai thí điểm, mở rộng phạm vi dự án và vận hành, mở rộng hệ thống đến tất cả các lĩnh vực vào khoảng cuối năm 2022. Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam thống nhất phối hợp với Viettel xây dựng trung tâm, trước mắt ưu tiên những lĩnh vực giao thông, an ninh trật tự; phản ánh hiện trường để tăng sự tiếp xúc giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền, giám sát các dịch vụ công của chính quyền. Đồng thời giao cơ quan chức năng tham mưu UBND tỉnh kế hoạch thực hiện dự án một cách cụ thể, khoa học, tận dụng tối đa các nguồn lực đầu tư, tránh chồng chéo, lãng phí.
Trước đó, VNPT Quảng Trị cũng đề xuất xây dựng Trung tâm điều hành ĐTTM tại thành phố Đông Hà. Trên cơ sở các dữ liệu tổng hợp, trung tâm này sẽ giúp chính quyền giám sát, điều hành, hỗ trợ chỉ huy và quản lý chất lượng dịch vụ một cách tổng thể; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử quản lý đô thị tinh gọn, hiệu quả và kịp thời các lĩnh vực như: An ninh trật tự, an toàn giao thông, môi trường, du lịch, y tế, giáo dục…thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà Nguyễn Tăng cho biết: “Trong xu thế hiện nay, việc xây dựng ĐTTM là yêu cầu tất yếu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành đô thị của chính quyền, tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp trong thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản.
Tuy nhiên, việc xây dựng ĐTTM cần được tiến hành bài bản, khoa học, dựa trên nền tảng hạ tầng CNTT hiện có và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Trong xây dựng ĐTTM, Đông Hà trước mắt ưu tiên việc tăng tính tương tác giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp để tạo thuận lợi hơn trong giải quyết thủ tục hành chính cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh trật tự, môi trường, quy hoạch và trật tự xây dựng…”.
Việc định hướng và thiết lập những bước đi cụ thể cho lộ trình xây dựng ĐTTM là rất cần thiết và có ý nghĩa để chính quyền năng động, hiệu quả hơn; môi trường sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp ngày càng văn minh, thuận lợi.
http://www.baoquangtri.vn/