Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong tỉnh

Ngày đăng: 24-03-2022

Nâng cao chất lượng cây giống lâm nghiệp

Hiện nay diện tích rừng trồng toàn tỉnh có hơn 119.374 ha, trong đó có 5.393,78 ha rừng trồng đặc dụng, 19.017,82 ha rừng trồng phòng hộ và hơn 94.962 ha rừng trồng sản xuất. Ngoài ra, toàn tỉnh mỗi năm trồng phân tán khoảng 3,5 triệu cây xanh lâm nghiệp. Đến năm 2021, độ che phủ rừng của tỉnh đạt 50%. Tính đến hết năm 2021, tỉnh có 22.067 ha rừng trồng keo được cấp chứng chỉ FSC, chiếm khoảng 12% tổng diện tích rừng loại này của cả nước. Bình quân mỗi năm toàn tỉnh khai thác sản lượng gỗ rừng trồng hơn 1 triệu m3 , cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyên liệu chế biến gỗ của các nhà máy chế biến lâm sản trên địa bàn. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, chất lượng rừng trồng trên địa bàn tỉnh đạt tương đối tốt. Một trong những yếu tố đưa đến chất lượng rừng đảm bảo là nhờ tỉnh đã quan tâm đầu tư chất lượng giống cây lâm nghiệp. Tùy theo mục đích trồng rừng để sử dụng các loại giống phù hợp.

Trong trồng rừng tập trung, đối với đặc dụng chỉ trồng các loài cây bản địa có phân bố trong hệ sinh thái của rừng đặc dụng đó; đối với rừng phòng hộ, trồng bằng các loài cây có bộ rễ sâu bám chắc, ưu tiên cây bản địa, sinh trưởng được trong điều kiện khắc nghiệt và có khả năng chống chịu tốt; đối với rừng sản xuất, tập trung trồng các loài cây có năng suất, chất lượng cao, khuyến khích sử dụng các giống cây sản xuất bằng mô, hom kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn ở những nơi có điều kiện thích hợp. Trong trồng cây phân tán, chọn loài cây phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái, tập quán canh tác của người dân từng địa phương, từng khu vực cụ thể; ưu tiên trồng cây bản địa, các loài cây thân gỗ, cây đa mục đích.

Đối với sản xuất lâm nghiệp, qua nghiên cứu của các nhà khoa học, chất lượng giống quyết định 30 - 40% mức tăng năng suất của cây trồng. Trong trồng rừng sản xuất hiện nay, mật độ trồng 2.500 cây/ ha, giá mỗi cây khoảng 1.500 đồng thì bình quân mỗi héc ta trồng rừng tiền cây giống tốn khoảng 3,7 triệu đồng, chiếm 20 - 25% chi phí đầu tư cho trồng 1 ha rừng. Từ nhiều năm nay, trên địa bàn tỉnh người dân trồng rừng sản xuất chủ yếu được sử dụng các loài keo. Đây là loài cây đã khẳng định được giá trị kinh tế, cải tạo đất có khả năng phòng hộ môi trường, hiện tại và tương lai gần chưa có loài khác để thay thế trong các chương trình trồng rừng sản xuất đáp ứng các tiêu chí kinh tế, môi trường như cây keo mang lại. Do đó, ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh ưu tiên lựa chọn những dòng keo qua lai tạo, tuyển chọn đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống quốc gia, giống tiến bộ khoa học kỹ thuật, có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh, điều kiện khí hậu khắc nghiệt và khảo nghiệm phù hợp với điều kiện lập địa, thời tiết khu vực tỉnh Quảng Trị như các dòng keo lai: BV33, BV71, BV73, BV75, BV523, BV584, AH1, AH7...

Thời gian qua, ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh cùng các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn trồng rừng bằng giống cây có năng suất, chất lượng cao, trồng rừng thâm canh và kinh doanh rừng trồng gỗ lớn nhằm nâng cao năng suất và giá trị rừng trồng. Khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đầu tư, sản xuất cây giống với phương pháp nhân giống vô tính (nuôi cấy mô và giâm hom) quy mô công nghiệp nhằm tăng chất lượng cây giống, giảm giá thành, chủ động nguồn cung cho các chương trình trồng rừng. Hằng năm, thông qua hệ thống cơ sở, Chi cục Kiểm lâm tổ chức khoảng 10 lớp tập huấn về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp và trồng rừng thâm canh gỗ lớn cho khoảng 350 lượt đối tượng tham gia là hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến sản xuất, kinh doanh và sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp, các chủ rừng quy mô nhỏ, các cán bộ khuyến nông cơ sở và cán bộ các HTX nông nghiệp tại các địa phương.

Việc quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp được Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện chặt chẽ. Anh Trần Phước Lâm, cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Sở Nông nghiệp và PTNT thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức kiểm tra việc quản lý, sử dụng nguồn giống cây trồng lâm nghiệp chính và tình hình sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp tại các cơ sở trên địa bàn, đảm bảo cây giống đưa vào trồng rừng được kiểm soát tốt chất lượng, các lô cây giống có đủ hồ sơ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Đối với các giống cây trồng lâm nghiệp chính, cây giống phải được sản xuất bằng các nguồn giống được công nhận. Trường hợp các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp vi phạm thì tùy theo mức độ tiến hành xử lý theo quy định tại Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp đối với việc vi phạm quy định về kinh doanh giống cây lâm nghiệp chính”.

Năm 2022, kế hoạch toàn tỉnh trồng 7.000 ha rừng các loại, phát triển diện tích rừng có chứng chỉ FSC (mới) 300 ha. Hiện nay, 38 vườn ươm trên địa bàn toàn tỉnh đã thực hiện xong việc ươm cây giống để đáp ứng nhu cầu khoảng 25 triệu cây giống cho mùa trồng rừng tới đảm bảo chất lượng tốt, không ngừng nâng cao chất lượng rừng trồng.

http://baoquangtri.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 5
Hôm nay: 4663
Tổng lượt truy cập: 4.063.428
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!