Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 04-03-2022

Ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ, phát triển sản phẩm OCOP

Chương trình OCOP gắn với đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” được triển khai nhằm phát triển hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế góp phần cơ cấu lại nền kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm làng nghề.

Đẩy mạnh phát triển sản phẩm làng nghề

Vĩnh Long được biết đến là một trong những tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả nhờ tham gia chương trình OCOP.

Huyện Bình Tân của tỉnh Vĩnh Long được xem là “vương quốc khoai lang” của khu vực, tuy nhiên sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Có lúc khoai lang Vĩnh Long rớt giá thê thảm, nông dân chịu lỗ. Anh Nguyễn Thanh Việt, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bánh Nhật Ngọc (phường 8, thành phố Vĩnh Long) đã nghiên cứu chế biến nhiều dòng bánh khác nhau mà nguyên liệu chủ yếu từ khoai lang. Đây cũng là một trong những dự án khởi nghiệp tiên phong của tỉnh Vĩnh Long. Dự án bộ sản phẩm từ khoai lang của anh Việt đã tham gia các cuộc thi khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh và đoạt giải nhì cuộc thi khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long năm 2018; giải nhất cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long năm 2019; vào tốp 30 dự án do Trung ương Đoàn tổ chức năm 2019 và 2020… Đến nay, anh Việt có hai sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 4 sao gồm bánh phồng khoai lang thuần chay và bánh quy khoai lang…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm cho biết: “Vĩnh Long có khoảng 35 ngành hàng thuộc nhóm sản phẩm OCOP; việc đánh giá, xếp hạng sản phẩm theo các đẳng cấp từ 3 đến 4 sao sẽ tạo điều kiện phát triển sản phẩm theo các chiều hướng thích hợp. Qua hơn hai năm, chương trình đã vận động 37 đơn vị kinh tế tham gia, tổ chức đánh giá, phân hạng 49 sản phẩm OCOP, trong đó có 13 sản phẩm đạt 4 sao. Các sản phẩm này được hỗ trợ xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước”.

Tại tỉnh Trà Vinh, nhiều thanh niên cũng đã khởi nghiệp bằng sản phẩm đặc sản là dừa. Sau ba năm bước chân vào thị trường, các dòng sản phẩm làm từ mật hoa dừa của Công ty TNHH Trà Vinh Farm-SokFarm (huyện Tiểu Cần) đã có mặt tại 20 tỉnh, thành phố thông qua hơn 40 đại lý. Theo chị Thạch Thi Chal Thi, Giám đốc công ty, các sản phẩm chủ lực của SokFarm đã được chứng nhận OCOP như hạt ca-cao sấy mật hoa dừa (3 sao), đường hoa dừa, nước uống mật hoa dừa (4 sao) và sản phẩm mật hoa dừa cô đặc đã hoàn thiện hồ sơ gửi về Trung ương để công nhận sản phẩm OCOP 5 sao.

Hiện cả nước có 4.469 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên của 59 tỉnh, thành phố, vượt 1,86 lần so với mục tiêu giai đoạn 2018-2020. Kết quả đánh giá của các địa phương cho thấy có 60,7% chủ thể OCOP đạt từ 3 sao trở lên có doanh thu tăng bình quân 17,6%/năm, giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%... Đến năm 2025, cả nước phấn đấu có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó ít nhất 3% sản phẩm OCOP đạt 5 sao.

Description: Ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ, phát triển sản phẩm OCOP -0

Người dân tại SokFarm (huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) thu mật hoa dừa. 

Nâng cao giá trị sản phẩm OCOP

Từ đầu năm 2020 tới nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có sản phẩm OCOP. Một trong những giải pháp quan trọng được nhiều tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần nâng cao giá trị nông sản là thúc đẩy chuyển đổi số. Trong bối cảnh dịch Covid-19, ứng dụng chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu.

Trước đây, các công ty bán hàng theo hình thức trực tiếp và kết nối, tìm kiếm khách hàng qua các sự kiện, hội thảo kết nối cung cầu. Tuy nhiên, dịch bệnh làm ảnh hưởng chuỗi cung ứng, kênh bán hàng trực tiếp không thể duy trì hoạt động như trước. Nhiều công ty, doanh nghiệp chuyển sang bán hàng online thông qua việc thành lập hội, nhóm trên mạng xã hội. Với hình thức bán hàng mới, công ty đang từng bước thích nghi qua việc tìm hiểu tâm lý khách hàng, cách thức marketing trên nền tảng số. Tại Trà Vinh, năm 2021, Công ty TNHH Trà Vinh Farm-SokFarm bắt đầu chuyển đổi số từ các khâu quản lý đơn hàng mới, quản lý khách hàng. Công nhân viên công ty cũng làm việc trên phần mềm phù hợp với SokFarm.

Tại tỉnh Vĩnh Long, việc hỗ trợ xây dựng, khai thác website, marketing bán hàng, tham gia thương mại điện tử cho hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp,… nhằm từng bước đưa nông sản tiếp cận thị trường trong và ngoài nước. Anh Nguyễn Thanh Việt, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bánh Nhật Ngọc cho biết, nhờ được hỗ trợ xây dựng trang web, công ty tạo ra kênh thông tin quan trọng giúp khách hàng tiếp cận dễ dàng trên không gian mạng và đặt niềm tin hơn về sản phẩm. Tuy nhiên, việc này cần làm bài bản, phải am hiểu chứ không chỉ xây dựng theo trào lưu vì một số doanh nghiệp đang thiếu lực lượng đáp ứng nhu cầu quản lý và sử dụng hiệu quả trang web.

Chủ cơ sở sản xuất trà Trường Ái ở ấp Phú Thạnh, xã Phú Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Hoàng Huy Lộc cho rằng, việc xây dựng được trang web đã giúp khách hàng đặt niềm tin đối với cơ sở và số lượng đơn hằng ngày càng tăng lên. Trước đó, ba sản phẩm của trà Trường Ái đạt chứng nhận OCOP 3 sao và phần lớn là bán qua sàn thương mại điện tử của tỉnh, các nền tảng Zalo, Facebook, đồng thời đang nghiên cứu thực hiện thêm trên các sàn thương mại điện tử khác như postmart.vn và voso.vn… Sản phẩm được bán ngày càng nhiều hơn nhờ ứng dụng công nghệ số.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh Lâm Hữu Phúc cho biết: “Năm 2020, thời điểm dịch Covid-19 vừa xuất hiện, Dự án SME Trà Vinh đã kịp thời hỗ trợ trực tiếp cho 10 doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh xây dựng website để quảng bá hình ảnh doanh nghiệp và bước đầu tiếp cận bán hàng qua hình thức trực tuyến. Dự án còn tập huấn cho doanh nghiệp cách quản lý website chủ động quảng bá hình ảnh của mình và làm quen với việc mua bán hàng hóa qua mạng. Trong năm 2022, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn hóa hình ảnh, video, thông tin sản phẩm, chạy quảng cáo,… Dự kiến khoảng 20 doanh nghiệp và 100 sản phẩm được hỗ trợ.

Thời gian qua, thành phố Cần Thơ đã rất nỗ lực để mỗi xã có một sản phẩm OCOP trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, gắn với cơ cấu lại nông nghiệp. Tuy vậy, sau khi đã có sản phẩm, các địa phương lại vấp phải khó khăn là làm thế nào để có đầu ra cho nông sản. Để giải quyết bất cập này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố phối hợp với VNPT Cần Thơ xây dựng một sàn giao dịch thương mại điện tử trực tuyến. Dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm nhưng sàn đã nhận được sự ủng hộ từ phía nhà nông.

Ông Mai Nam, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ khẳng định, các sản phẩm được cập nhật lên chonongsancantho.vn đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng sản phẩm được chứng nhận bởi các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền, sản phẩm được cấp mã QR để truy xuất nguồn gốc rất dễ dàng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị thẩm định hồ sơ của các tổ chức, cá nhân trước khi cập nhật thông tin sản phẩm và đến nay đã có 50 tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch với hơn 100 sản phẩm được giới thiệu lên sàn

https://nhandan.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 13
Hôm nay: 2890
Tổng lượt truy cập: 4.045.457
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!