Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 13-07-2022

Đổi mới ngành công nghiệp Việt Nam theo hướng hiện đại

Tọa đàm “Công nghiệp Việt Nam - Đổi mới theo hướng hiện đại” được diễn ra dưới hình thức trực tuyến (Ảnh: Chụp màn hình)

Tọa đàm có sự tham gia của TS Vũ Tiến Lộc - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam; ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương); TS. Trịnh Thị Thanh Thuỷ - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương); ông Đào Công Quyết - Trưởng Tiểu ban Truyền thông và Quan hệ công chúng, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA).

Giá trị gia tăng còn thấp, tốc độ tăng trưởng công nghiệp chưa cao

Theo báo cáo Bộ Công Thương, trong 10 năm qua (2011-2020), công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân với đóng góp xấp xỉ 30% vào GDP và trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, góp phần đưa Việt Nam từ vị trí thứ 50 (năm 2010) lên vị trí thứ 22 (năm 2019) trong các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình phát triển công nghiệp, đặc biệt trước những yêu cầu và đòi hỏi trong giai đoạn phát triển sắp tới với mục tiêu thúc đẩy tái cơ cấu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đổi mới theo hướng hiện đại.

Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã giúp Việt Nam phát triển không ngừng, giúp thu hẹp đáng kể khoảng cách giữa Việt Nam so với quốc gia trong khu vực và thế giới, tuy nhiên giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo đóng góp vào tỷ trọng GDP được đánh giá là chưa cao.

Nhận định về vấn đề này, TS. Trịnh Thị Thanh Thuỷ - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cho biết,  nguyên nhân là do trình độ của khoa học công nghệ trong công nghiệp chế biến chế tạo của nước ta không được đồng đều. "Có thể ở một số phân ngành hoặc ở một lĩnh vực cụ thể, công nghệ và năng lực cạnh tranh đã được ghi ấn cao như trong ngành điện tử, linh kiện điện tử, chế biến cơ khí… tuy nhiên các ngành khác lại không đồng đều. Bên cạnh đó, việc tham gia vào chuỗi giá trị của các sản phẩm công nghiệp hay lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo trong chuỗi sản xuất  khá ít, hầu hết chúng ta đang ở nấc thang giá trị gia tăng thấp" - TS Trịnh Thị Thanh Thuỷ nhận định.

TS Trịnh Thị Thanh Thuỷ - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương). (Ảnh: Chụp màn hình)

 

Nguyên nhân thứ hai được bà Trịnh Thị Thanh Thuỷ chia sẻ là trong công nghiệp chế biến chế tạo hiện nay phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu, linh kiện từ nước ngoài. Một mặt là do công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, mặt khác là do nguồn đầu vào của công nghiệp chế biến chế tạo đang phụ thuộc vào thị trường thế giới. Đây cũng là một trong những vấn đề cần có giải pháp trong thời gian tới.

Theo ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), đến nay Việt Nam vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nước ngoài do môi trường thu hút đầu tư công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ chưa được quan tâm. Cụ thể, công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ có vốn đầu tư lớn, sản phẩm bán ra bị các thị trường khắt khe nên số lượng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa cao. Hơn thế, nguồn nhân lực chưa qua đào tạo còn cao và những nhân lực đã có đào tạo vẫn mất thời gian đào tạo lại...

"Mặc dù được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ nhưng chính sách hiện nay còn chậm, chưa thực sự đủ mạnh để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Tiếp đó là do trình độ của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện nay thấp, mảng nghiên cứu phát triển chưa được chuyển giao công nghệ và quan tâm đúng mức, chính vì vậy mà sản phẩm của chúng ta hiện nay cung cấp ra thị trường có hàm lượng công nghệ rất thấp" - ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) giải thích. 

Bên cạnh đó, mặc dù ngành công nghiệp được đánh giá là đang phát triển nhưng chưa đáp ứng được công cuộc công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước. Hơn thế, tốc độ tăng trưởng công nghiệp có xu hướng tăng nhưng vẫn ở mức thấp so với yêu cầu công nghiệp hoá. 

Lý giải vấn đề này, TS. Vũ Tiến Lộc - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nhận định, hiện nay năng suất lao động và giá trị gia tăng của nước ta còn thấp. Trong tương quan so sánh với các nước ASEAN, khoảng cách về phát triển và khoảng cách về năng suất lao động chưa được thu hẹp đáng kể. Cho đến hiện nay, tốc độ tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam đang đứng thứ bảy trong ASEAN, môi trường kinh doanh xếp thứ năm trong khối ASEAN, nhưng năng suất lao động lại sếp thấp nhất.

TS. Vũ Tiến Lộc - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (Ảnh: Chụp màn hình)

“Chúng ta có nhiều ngành công nghiệp xuất khẩu “made in Việt Nam” như là điện tử, máy tính, ô tô, dệt may… được coi là công nghệ cao, nhưng các khâu mà chúng ta đảm nhiệm lại là khâu sử dụng lao động đơn giản, chủ yếu là lắp ráp thô sơ. Do vậy bản chất kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế gia công và chúng ta làm những khâu ở hạ nguồn. Kèm theo đó là chi phí về môi trường, chi phí về nguyên vật liệu cao dẫn đến ô nhiễm môi trường” - TS Vũ Tiến Lộc  cho hay. 

Cần có Luật Phát triển công nghiệp

Từ lâu, nước ta đã định hướng xây dựng nền công nghiệp theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hóa, nhưng đến nay vẫn chưa có đạo luật về công nghiệp. Do vậy luật xây dựng Luật Phát triển công nghiệp là vô cùng cần thiết. Theo bà Trịnh Thị Thanh Thuỷ - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, hiện nay các “luật công nghiệp” nằm rải rác ở các văn bản khác nhau như luật đầu tư, luật doanh nghiệp, luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… Do đó, xây dựng Luật Phát triển công nghiệp là cần thiết, đồng thời cần rà soát kỹ lưỡng để tránh chồng chéo với các văn bản hiện hành.

Đồng quan điểm cần có Luật Phát triển công nghiệp, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: “Theo tôi trong giai đoạn tới để phát triển công nghiệp trở thành động lực phát triển của ngành kinh tế, cũng như góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước thì chúng ta phải có một hệ thống giải pháp chính sách đồng bộ thống nhất từ lý luận đến thực tiễn để huy động nguồn lực, phát huy tối đa tiềm lực phát triển công và nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành công nghiệp của Việt Nam”.

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương). (Ảnh: Chụp màn hình)

 

Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát những văn pháp luật về công nghiệp không còn phù hợp với chính sách mới của Đảng và Nhà nước cũng như sự phát triển của khu vực và thế giới, từ đó thay đổi bổ sung phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, cần khẩn trương thể chế hóa những quan điểm đường lối của Đảng bằng Luật hóa, cụ thể là Luật Phát triển công nghiệp.

Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, hiện nay dự thảo Luật phát triển công nghiệp đưa ra sáu chính sách lớn để lấy ý kiến góp ý tại các Phiên họp, cụ thể là: Định hướng phát triển công nghiệp; tăng cường liên kết ngành chuyên môn hóa theo chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp; thúc đẩy phân bố không gian công nghiệp, liên kết vùng trong phát triển công nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm công nghiệp; phát triển bền vững trong công nghiệp; thực hiện phân công, phân cấp trong phát triển công nghiệp.

“Trong đó tôi nhận thấy giải pháp tăng cường liên kết ngành chuyên môn hóa theo chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp và thúc đẩy phân bố không gian công nghiệp, liên kết vùng trong phát triển công nghiệp là những giải pháp tối ưu cần thực hiện trước mắt” - ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhận định.

Việc thông qua những giải pháp này sẽ tạo ra hành lang pháp lý cũng như tạo ra những động lực để các doanh nghiệp phát triển, đồng thời thu hút các nguồn lực cho xã hội, từ đó góp phần hoàn thiện mục tiêu phát triển công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.

Công nghiệp Việt Nam giai đoạn năm 2025, tầm nhìn 2035: Phát triển theo xu thế bền vững

Nhằm giúp Việt Nam nâng cao được vị thế trong sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035, các chuyên gia nhận định cần có những giải pháp cụ thể. 

Đặc biệt, ngành công nghiệp ô tô là một trong những ngành công nghiệp đi đầu, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp khác. Vì vậy, sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô được xem là yếu tố tích cực thúc đẩy các ngành liên quan, tạo động lực xây dựng nền công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước.

Ông Đào Công Quyết - Trưởng Tiểu ban Truyền thông và Quan hệ công chúng, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết: “Từ góc độ của doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy chính sách là hành lang pháp lý, là cơ sở để thực hiện các sản xuất kinh doanh. Vì vậy, đại diện Hiệp hội ô tô Việt Nam chúng tôi có đề xuất một số chính sách cụ thể. Điển hình là trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến 2025, tầm nhìn 2035, QĐ 1168 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, theo tôi Chính sách này đã khá lâu, trong khi hiện tại nền công nghiệp ô tô đã có nhiều thay đổi nên chúng tôi đề nghị những chính sách đó cần phải được cập nhật theo một xu hướng mới của Toàn cầu” 

Ông Đào Công Quyết - Trưởng Tiểu ban Truyền thông và Quan hệ công chúng, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA). (Ảnh: Chụp màn hình)

Tiếp đó, đại diện VAMA đã đề xuất những mục tiêu như ưu tiên phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam, tận dụng cơ hội từ thế giới về chuyển đổi xe điện hóa của ngành công nghiệp ô tô thế giới, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26. Đặc biệt, đại diện VAMA cũng có một số đề xuất cụ thể là cần phát triển đa dạng các dòng xe điện HEV, PHEV, BEV, FCEV.

Theo ông Đào Công Quyết Đến, đến nay Chính phủ mới cơ bản hỗ trợ dòng xe điện thuần về thuế và thuế trước bạ, chính vì vậy, cần phải có lộ trình để phát triển cho cả bốn dòng xe này cũng như chính sách ưu đãi cho từng dòng để khuyến khích người tiêu dùng hướng tới mục thiêu giảm phát thải khí CO2, đó là mục tiêu chung.

Bên cạnh đó, ông Đào Công Quyết cũng đề xuất một số những giải pháp phát triển các dòng xe điện như: Các chính sách về thuế và lộ trình giải pháp thuế phí đầu tư; các ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt; lệ phí trước bạ; những quy định tiêu chuẩn hỗ trợ phát triển các hệ thống mạng lưới chạm sạc; hỗ trợ về mặt tài chính cho các hoạt động sản xuất ô tô điện...

Nền công nghiệp Việt Nam đang hướng tới sự phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn. (Ảnh: tapchitaichinh.vn/)

Cũng với nhiệm vụ này, TS. Vũ Tiến Lộc - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam khẳng định, điểm đột phá đầu tiên là phải có Luật Phát triển công nghiệp. Đó là đường ray cho quá trình phát triển, nâng cao tính tự chủ, khuyến khích hàng nội địa cũng như hội nhập nhưng vẫn bảo vệ lợi ích quốc gia.

Tiếp đó, cần đẩy mạnh việc tái cấu trúc lại khu vực doanh nghiệp nhà nước trong ngành Công Thương. Theo ông Vũ Tiến Lộc, đây vẫn là khu vực đang nắm giữ những tài nguyên lớn của đất nước trong lĩnh vực này. Hiệu quả của nền công nghiệp Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả của khu vực doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên hiện tại, sự cạnh tranh trong doanh nghiệp nhà nước còn khá chậm và còn nhiều hạn chế tồn đọng. “Vì vậy cần phải tạo đột phá trong việc cải cách lại khu vực doanh nghiệp nhà nước, thực hiện cổ phần hóa một cách mạnh mẽ và nâng cao chuẩn mực quản lý của khu vực doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực này” - TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Cuối cùng, cần chú ý thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ vì chính doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới. Tại các nước có nền công nghiệp phát triển, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các hộ kinh doanh tư nhân là xương sống của nền kinh tế, là động lực phát triển quan trọng trong bối cảnh mới.   

https://congnghiepcongnghecao.com.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 41
Hôm nay: 5808
Tổng lượt truy cập: 3.585.404
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!