Xung kích trong chuyển đổi số
Đoàn viên, thanh niên giới thiệu cho người dân các ứng dụng góp phần chuyển đổi số
Một buổi sáng cuối tháng 6/2022, chợ Đông Hà dường như đông vui, nhộn nhịp hơn. Từ các cơ sở đoàn, nhiều bạn trẻ đã có mặt tại chợ để hướng dẫn tiểu thương, khách hàng cài đặt ứng dụng Trung tâm Giám sát điều hành thông minh (IOC) Quảng Trị. Ban đầu, một số người còn ngần ngại, thậm chí từ chối nhưng nhờ sự kiên trì vận động và hướng dẫn tận tình, chu đáo của đoàn viên, thanh niên, nhiều bà con đã tiếp cận thành công ứng dụng hữu ích này. Ai cũng ngạc nhiên khi biết ứng dụng IOC Quảng Trị có chức năng giám sát, điều hành, tổng hợp nhiều hoạt động của tỉnh này.
Đặc biệt, ứng dụng đã nối gần người dân với cơ quan nhà nước thông qua tiện ích: Cổng thông tin phản ánh hiện trường; trung tâm phân tích dữ liệu; trung tâm hỏi đáp ý kiến phục vụ người dân… “Ở khu phố tôi sinh sống, người dân rất bất bình khi có một quán nhậu mới mở gây ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng. Tôi và bà con trong khu phố muốn phản ánh thông tin này đã lâu mà không biết làm cách nào. Nhờ đoàn viên, thanh niên hướng dẫn sử dụng ứng dụng IOC Quảng Trị mà tôi đã có cách giải quyết”, bà Nguyễn Thanh Nga (62 tuổi), trú tại Phường 1, TP. Đông Hà chia sẻ.
Mặc cái nắng oi bức của những ngày tháng 6, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Mai Văn Nam vẫn miệt mài chào hỏi, vận động và hướng dẫn tiểu thương, du khách đến chợ Đông Hà sử dụng ứng dụng IOC Quảng Trị. Anh Nam chia sẻ, chỉ vài tiếng trước, 125 tổ công nghệ số cộng đồng đã được thành lập với sự tham gia của 1.081 đoàn viên, thanh niên ở 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn. Hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng IOC Quảng Trị là một trong những hoạt động đầu tiên của các tổ công nghệ số cộng đồng. “Lâu nay, chúng tôi luôn trăn trở với câu hỏi làm sao để phát huy cao nhất vai trò, vị trí của đoàn viên, thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số. Đó là lý do thôi thúc Tỉnh đoàn tổ chức ngày hội chuyển đổi số trong đoàn viên, thanh niên với điểm nhấn là thành lập và kích hoạt các tổ công nghệ số cộng đồng”, anh Nam thông tin.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Mai Văn Nam, thực ra chuyển đổi số không phải quá mới mẻ đối với đoàn viên, thanh niên trong tỉnh. Từ nhiều năm trước, đặc biệt là vào thời điểm COVID-19 diễn biến phức tạp, việc chuyển đổi số đã giúp công tác đoàn, phong trào thanh niên của tuổi trẻ Quảng Trị có những bước tiến mới. Tận dụng sức mạnh của mạng xã hội, các cấp bộ đoàn từng tổ chức rất nhiều hoạt động tuyên truyền, cuộc thi mới mẻ, có tính tương tác cao, được phát trực tiếp trên facebook. Kênh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thanh niên khởi nghiệp Quảng Trị online tại địa chỉ Quangtrimart.vn đã trở thành điểm đến của nhiều khách hàng.
Đoàn viên, thanh niên dần quen thuộc với nhiều ứng dụng do các cấp bộ đoàn giới thiệu như: Thanh niên Việt Nam, Em vui, IOC Quảng Trị… Tuy vậy, theo anh Nam, các hoạt động ứng dụng, vận động người dân chuyển đổi số vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, chưa trở thành phong trào. Mặt khác, đoàn viên, thanh niên vẫn chưa nhận thức một cách sâu sắc về vai trò của mình trong chuyển đổi số. “Cùng với tuổi trẻ cả nước, nếu mỗi đoàn viên, thanh niên Quảng Trị trở thành một hạt nhân trong việc chuyển đổi số thì chúng ta có thể đưa Việt Nam thành quốc gia số thịnh vượng”, anh Nam nhận định.
Với cái nhìn sâu sắc từ thực tiễn, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã nhanh chóng xây dựng, ban hành kế hoạch phát huy tính xung kích của tuổi trẻ trên địa bàn trong chuyển đổi số. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo các cơ sở đoàn tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho thanh thiếu nhi và người dân; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động đoàn, hội, đội; hỗ trợ nâng cao năng lực số cho thanh thiếu nhi trong học tập, khởi nghiệp, thích ứng với xã hội số; phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong tham gia các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số…
Mục tiêu hàng năm mà Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đặt ra là 100% đoàn cấp huyện phải tổ chức ít nhất 2 hoạt động nâng cao năng lực số và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại cho đoàn viên, thanh thiếu nhi; hơn 60% thanh thiếu nhi được tiếp cận các hoạt động nâng cao năng lực số do tổ chức đoàn, hội, đội các cấp triển khai thực hiện; tối tiểu 1.000 lượt thanh thiếu nhi tham gia, thụ hưởng các hoạt động nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, tin học; hỗ trợ, hướng dẫn ít nhất 10% mô hình khởi nghiệp thanh niên có các sản phẩm đặc trưng quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử… Đến năm 2023, Tỉnh đoàn và 100% đoàn cấp huyện, cơ sở phấn đấu hoàn thành và sử dụng các phần mềm ứng dụng phục vụ điều hành, tác nghiêp; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đánh giá chất lượng đoàn viên. Sau đó 4 năm, toàn đoàn phải có tối thiểu 70% đoàn viên sử dụng tài khoản thanh toán điện tử…
Để đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra, Tỉnh đoàn đã nhanh chóng tổ chức các hoạt động, phong trào để phát huy một cách cao nhất tính xung kích của đoàn viên, thanh niên trong chuyển đổi số. Trong đó, đáng chú ý nhất là ngày hội chuyển đổi số trong đoàn viên, thanh niên với điểm nhấn là sự ra mắt của các tổ công nghệ số cộng đồng. Được biết, nhiệm vụ của thành viên các tổ là hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng những dịch vụ điện tử, nền tảng thanh toán điện tử.
Các tổ công nghệ số cộng đồng được kỳ vọng sẽ là cánh tay nối dài của chính quyền, thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của quốc gia, của tỉnh, huyện, xã. Ngay sau khi được tập huấn, hướng dẫn, hơn 1.000 thành viên của các tổ công nghệ số cộng đồng cùng đông đảo bạn trẻ trên địa bàn đã bắt tay ngay vào nhiệm vụ cụ thể, góp sức đẩy nhanh chuyển đổi số. Không ngại vất vả, họ đi đến các địa điểm tập trung đông người, gõ cửa từng hộ gia đình giúp người dân sử dụng các nền số, ứng dụng số.
Dẫu biết, con đường đến đích còn dài nhưng các đoàn viên, thanh niên vẫn đặt rất nhiều niềm tin, nhất là khi họ đã có những bước đi đầu đúng hướng, vững chắc.
http://baoquangtri.vn/