Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 23-08-2022

Viện nuôi trồng thủy sản, ĐH Nha Trang: Khởi nguồn chuyển giao kỹ thuật nuôi cá giống nước mặn

Với hơn 20 nghìn hecta diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn và nhiều vũng, vịnh, miền Trung có điều kiện thuận lợi để nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, để có giống cá nước mặn thuần, phù hợp với nuôi thương phẩm, nuôi quy mô công nghiệp lại không đơn giản vì trước năm 2000, nơi này chưa thể tự chủ được nguồn giống cá trong nước.
Không riêng cá chim vây vàng, các loại cá có giá trị kinh tế

Tiêu biểu là giống cá chim vây vàng (Trachinotus blochii) ưa hoạt động, sống chủ yếu ở tầng giữa và tầng mặt, dễ nuôi, phù hợp để thuần hóa, nhân giống nuôi thương phẩm, nuôi quy mô công nghiệp (nuôi bằng lồng hoặc trong ao đất ở các thủy vực nước lợ và nước mặn) được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng nhưng lại phải nhập giống từ Đài Loan, Trung Quốc, không chỉ giá cao mà còn chịu rủi ro trong vận chuyển, khiến tỷ lệ cá sống thấp.

 

Không riêng cá chim vây vàng, các loại cá có giá trị kinh tế cao hơn, dai, ngọt thịt, thơm ngon như cá mú, cá bè gỗ, cá chẽm mõm nhọn... càng “khó chiều” hơn, có tính nhạy cảm với môi trường cao hơn nên việc nhân nuôi thương phẩm rộng rãi hoặc nuôi ở quy mô công nghiệp vẫn chỉ là mong mỏi, chưa thành hiện thực. Trước năm 2000, một số hộ nông dân cũng đã thử bắt cá chim, cá chẽm tự nhiên để nuôi lấy giống nhưng cách nuôi nhỏ lẻ này không có quy trình thuần hóa, tỉ lệ sống thấp. Đặc biệt, cách ương giống nhỏ lẻ “chỉ nuôi bằng thức ăn tươi nên không có khả năng nuôi ở quy mô lớn, không có khả năng kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng của cá giống”, TS. Ngô Văn Mạnh, Trưởng bộ môn Nuôi thủy sản nước mặn, nước lợ, Viện Nuôi trồng thủy sản, Đại học Nha Trang cho biết.

 

Nhìn nhận thấy giá trị kinh tế của nuôi các loài cá biển thương phẩm nên từ giữa những năm 2000, trường Đại học Nha Trang đã thực hiện các công trình nghiên cứu sản xuất giống các loài trong cùng nhóm và có chung nhiều đặc điểm như cá chim, cá chẽm, cá mú... để có thể chủ động nguồn giống trong nước. Điểm xuất phát này cũng có trợ lực bởi Viện có thế mạnh là đơn vị nghiên cứu “nằm vùng” ở vùng biển miền Trung, nhiều thế hệ nghiên cứu đi trước đã xây dựng tiền đề quan trọng là nghiên cứu cơ bản trong nhiều năm về phân loại theo khu vực sinh sống, đặc tính loài, đặc điểm tự nhiên cũng như tìm kiếm, nuôi cá bố mẹ trong môi trường nhân tạo có kiểm soát điều kiện nuôi.

 

 

Ảnh: NVCC.

 

Tuy nhiên, ai cũng biết rằng giữa nuôi cá giống ở quy mô thương phẩm để xuất đi với nuôi cá trong phòng thí nghiệm được kiểm soát mọi điều kiện có một khoảng trống hiểu biết về điều kiện nhiệt độ, dinh dưỡng, kiểm soát ô nhiễm. Trên thực tế, đó là thách thức rất lớn. Không dễ tạo ra đàn giống trên những loài cá biển vốn nhạy cảm với môi trường bên ngoài cũng như chuyển giao quy trình kiểm soát quá trình nuôi ương cho những người ngư dân, vốn không quen các thao tác kỹ thuật. “Có rất nhiều yếu tố phải kiểm soát, để đưa ra được con giống thì có hàng trăm khâu, chi tiết nhỏ phải hoàn chỉnh”, TS. Ngô Văn Mạnh cho biết “không lo cá cận huyết vì nhóm nghiên cứu có thể lấy cá ở các đàn, các vùng khác nhau nhưng cần phải kiểm soát mọi biến số liên quan tới môi trường và thức ăn rất chặt chẽ”.

 

Là loài động vật biến nhiệt, cần điều kiện ao nuôi ổn định nhiệt độ, thức ăn vừa miệng như cá nước ngọt nhưng cá biển còn đòi hỏi điều kiện khắt khe hơn rất nhiều. Nhiều loài cá biển đặc biệt nhạy cảm với môi trường nuôi biển. “Các loài cá rạn san hô, cá sống ở độ mặn càng cao thì độ nhạy cảm càng cao. Ví dụ, cá mú, cá bè gỗ, cá chẽm mõm nhọn thì nhạy cảm tới mức khi mới nở, chỉ cần cầm cốc múc nước lên đã chết rồi. Chúng còn mẫn cảm với sốc cơ học tới mức trong quá trình nuôi ương cá mới chào đời, chỉ cần đập mạnh vào thành bể là cả bể chết, hoặc đổ thức ăn mạnh quá cá bị giật mình, dựng vây lên, há miệng hoặc con này giật mình lao vào con khác cũng chết”, TS. Ngô Văn Mạnh cho biết.

 

Bằng các nền tảng nghiên cứu cơ bản từ nhiều năm trước đó, anh Mạnh cùng nhóm nghiên cứu của Viện đánh giá, một mấu chốt để trả lời vấn đề này là hàm lượng chất béo đóng vai trò thiết yếu với cá trong giai đoạn này, để giúp cá chống sốc, chết hoặc dị hình. “Nhóm chúng tôi phải nghiên cứu một dải dinh dưỡng bổ sung cho cá, từ đó tìm ra điểm tối ưu, chẳng hạn như cá chẽm chỉ cần 50mg/lít dinh dưỡng làm giàu là đủ, còn cá chim thì cần tới 150mg/lít, cá bè phải 200 mg/lít... mỗi loài có một điểm bổ sung khác nhau”, anh giải thích.

 

Thậm chí, để có quy trình nuôi con giống đạt hiệu quả cao nhất, nhóm nghiên cứu còn phải tìm hiểu cơ chế điều chỉnh các loài động vật làm thức ăn cho cá bột, đó là luân trùng, artemia. Chúng cũng thuộc nhóm biến nhiệt, khi nhiệt độ môi trường bể nuôi xuống thấp thì khả năng hấp thụ thức ăn kém đi. Vào các tháng mùa đông, động vật làm thức ăn chỉ hấp thụ được 50% dinh dưỡng, dẫn tới việc cá giống cũng chỉ hấp thụ được 50% lượng dinh dưỡng cần thiết và có nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng, tỉ lệ dị hình cao. “Nếu không điều chỉnh tỉ mỉ thì không thể đảm bảo chất lượng giống đồng đều được”, TS. Ngô Văn Mạnh nói.

 

Kiểm soát dinh dưỡng chưa đủ, các yếu tố khác như nhiệt độ, vi tảo trong môi trường nuôi đều quyết định đến chất lượng cá giống. Cá là loài vật chỉ có khả năng tự vệ thụ động nên trong giai đoạn cá bột rất cần tảo - màu xanh tạo cho cá một cảm giác tâm lý ổn định hơn, giúp cá phát triển bình thường. Khi cá lớn thì hoàn toàn ngược lại: nồng độ tảo sẽ ảnh hưởng tới môi trường nước, có thể gây ngộ độc cho cá hoặc tạo ra chênh lệch nhiệt độ lớn ảnh hưởng tới quy trình sinh trưởng. Cụ thể, khi cá tăng sinh khối thì lượng tảo nhiều gây biến động môi trường ngày - đêm trong bể nuôi (ngày tạo ra oxy nhưng đêm lại lấy đi oxy). Lúc cá nhỏ thì tổng sinh khối cá trong bể ít nên biến động đó không ảnh hưởng nhiều, còn khi cá lớn lên ăn nhiều thức ăn, tạo ra chất thải, xác tảo hằng ngày sinh ra do tảo chết đi tích lũy ở đáy tạo ra nhiều chất độc trong nước.

 

Kiểm soát tất cả các biến số đó để cuối cùng đạt điều kiện bắt buộc là chất lượng con giống ổn định, cá giống phải ăn được thức ăn công nghiệp phù hợp cho nuôi thương phẩm và nuôi công nghiệp; cá giống có khả năng thích nghi với điều kiện khắc nghiệt ở ngoài ao nuôi không được sạch như trong ao thí nghiệm; và tỉ lệ dị hình khống chế dưới 2-3%, (tỉ lệ này trong tự nhiên là 4%).

 

Lan tỏa khắp miền Trung

 

Cứ như vậy, để tạo ra môi trường phù hợp cho từng giống cá, Viện phải đánh giá các yếu tố trong phòng thí nghiệm, thực nghiệm lặp đi lặp lại trong môi trường bể nuôi. Đơn cử, dải dinh dưỡng không chỉ dành cho hai loài ban đầu là cá chim, cá chẽm mà dành cho tới 15 giống cá có giá trị kinh tế cao phù hợp với môi trường nuôi biển gồm cá hồng mỹ (hay cá đù đỏ), cá bè vẫu, cá tay bồ, cá sủ đất, cá bớp (cá giò), cá mú...

 

Tuy rất “chắc tay” và tự tin về chất lượng con giống sản xuất ra nhưng lúc đầu người nuôi còn rất ít, doanh nghiệp và người dân chưa chủ động tìm tới Viện. Gần 20 năm trước, nghiên cứu xong nhưng “khó nhất là người dân, doanh nghiệp cũng không sẵn sàng thử vì để chuyển đổi, chuẩn bị ao nuôi ương sẽ phải đầu tư mặt bằng, nhân công”, anh Mạnh nhớ lại. Các nhà nghiên cứu ở Viện còn phải đi thuyết phục ngư dân và các doanh nghiệp là hãy thử nghiệm giống cá chim của Viện đi, giá thành sẽ rẻ hơn và có tỉ lệ sống cao hơn so với cá nhập ngoại đấy. “May mắn cũng có nơi nhìn ra giá trị của đàn cá giống của viện và nhìn ra tiềm năng từ đó”.

 

Trong câu chuyện này, việc có doanh nghiệp và hộ nuôi trồng thủy sản đồng ý tiếp nhận mô hình là một điểm may của Viện vì giúp họ hoàn chỉnh quy trình nuôi giống. Tuy quy trình nhân nuôi đã hoàn chỉnh nhưng Viện không có điều kiện thực nghiệm lặp lại liên tục trong môi trường nuôi thông thường. “Với số lượng 20 bể, Viện không thể nào có điều kiện quan sát quá trình nuôi ương cùng lúc trên cả trăm bể như một đơn vị sản xuất. Vì vậy khi có thông tin hai chiều từ doanh nghiệp như vậy, chúng tôi có thêm thông tin giúp xóa lỗ hổng trong nghiên cứu và hoàn thiện quy trình kỹ thuật rất nhanh”, TS. Ngô Văn Mạnh nói.

 

Tiếng lành đồn xa về quy trình nuôi ương cá biển vượt trội so với nhập ngoại đã đưa Viện trở thành điểm đến hàng đầu về chuyển giao quy trình nhân nuôi cá giống, cung cấp giống trải từ Thanh Hóa đến Phú Yên và một số tỉnh ĐBSCL. Với quy tắc chuyển giao quy trình miễn phí cho nông dân và chỉ tính phí cho doanh nghiệp, thời gian đầu, Viện cung cấp phần lớn giống cá chim cho cả nước: năm 2010, Viện cung cấp hơn 100.000 con giống/năm; năm 2012, cung cấp 260.000 con; năm 2013 cung cấp 600.000 con, chiếm 80% thị trường cá chim giống thời điểm đó.

 

Nhìn vào sự phổ biến ở vùng duyên hải Trung Bộ và nhiều tỉnh thành khác của mô hình nuôi cá chim này, người ta có thể hình dung được phần nào giá trị của điểm khởi đầu này. Vào năm 2010, tại Khánh Hòa, hình thức nuôi lồng trên biển chỉ đem lại vài tấn cá nhưng chỉ một năm sau đó, tại Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng với hình thức này, người ta đã thu hoạch được hơn 100 tấn. Hai năm sau, địa bàn nuôi cá chim được mở rộng đến các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau... với cả hình thức nuôi lồng và nuôi trong ao đất (tận dụng các ao nuôi tôm bỏ hoang), cá thu hoạch được tiêu thụ trên thị trường nội địa và bắt đầu xuất khẩu sang một số thị trường như Mỹ, Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc. Cho đến hiện nay thì mô hình này đã phổ biến khắp cả nước. Cung cấp đều đặn 5 triệu con giống mỗi năm nhưng thị phần của Viện thu hẹp lại chỉ còn 10% vì doanh nghiệp và người dân tự nắm vững, lan tỏa quy trình sản xuất giống, nuôi thương phẩm giống rộng rãi.

 

Nhờ những nỗ lực gây dựng uy tín, đóng góp vào các hoạt động kinh tế xã hội đó, Viện được nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành thủy sản hiện nay như Công ty Australis, Tongwei, Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung... tìm đến hợp tác.

 

Câu chuyện của Viện Nuôi trồng thủy sản cho thấy, có những quy trình tưởng đơn giản, không cao siêu nhưng lại góp phần làm thay đổi cả một ngành nghề, bởi điều cốt lõi làm nên những giải pháp đó là sự kết hợp giữa hiểu biết khoa học và sự tận tâm tận lực với nghề.
 

20 năm sau, nhìn vào quy trình nuôi hoàn chỉnh đã được chuyển giao cho doanh nghiệp và ngư dân, nhóm nghiên cứu đã phải đánh giá tác động của từng yếu tố đến chu trình sinh trưởng của cá và thực nghiệm hàng trăm thí nghiệm kiểm soát môi trường có nhiều biến số để đưa ra nuôi được con giống thương phẩm ổn định, khỏe mạnh, đủ để sản xuất hàng triệu con cá giống/ mỗi năm chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, doanh nghiệp

 

https://khoahocphattrien.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 6
Hôm nay: 918
Tổng lượt truy cập: 4.040.731
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!