Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 19-10-2022

Hội nghị triển khai các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia giai đoạn 2021-2025

Trong giai đoạn 2016-2020 đã có 39 chương trình KH&CN quốc gia được triển khai và đã góp phần đạt được một số kết quả cụ thể. Chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tăng từ 33,6% (giai đoạn 2011-2015) lên 45,2% (giai đoạn 2016-2020). Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm (cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015). Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam năm 2020 xếp thứ 42/131 quốc gia, dẫn đầu nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapo và Malaixia. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam bắt đầu được hình thành và phát triển. Hiện nay có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Số lượng vốn được công bố đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo liên tiếp tăng trưởng cao (đạt xấp xỉ 1 tỉ USD liên tiếp trong 2 năm gần đây, tăng gấp 3 lần so với năm 2017). Số lượng bài báo công bố quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 tăng trung bình 20%. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng số đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích của người nộp đơn có quốc tịch Việt Nam là 3.882 đơn, gấp 1,2 lần giai đoạn 2011-2015.

Khoảng 10 năm trước đây, ngân sách Nhà nước chiếm 70-80% kinh phí hoạt động KH&CN, thì đến nay, đầu tư cho KH&CN từ ngân sách Nhà nước và từ doanh nghiệp đã tương đối cân bằng với tỉ lệ tương ứng là 52% và 48%. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tiên phong trong đầu tư, ứng dụng KH&CN.

Quang cảnh Hội nghị

Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành cơ cấu lại các chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết việc cơ cấu lại bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và quan điểm chỉ đạo về lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học là các chủ thể nghiên cứu mạnh; chú trọng thu hút nguồn lực xã hội, đặc biệt là từ Quỹ phát triển KH&CN của các doanh nghiệp để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN trên tinh thần chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế; bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng, tạo điều kiện cho khoán sản phẩm và hậu kiểm, gắn kết chặt chẽ với thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và sản phẩm đầu ra.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, trong giai đoạn 2016-2020, ngành KH&CN, trong đó có các chương trình KH&CN quốc gia, đã đóng góp quan trọng vào chỉ số năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), tốc độ tăng năng suất lao động, tỉ trọng sản phẩm công nghệ cao trong xuất khẩu; đạt được những bước tiến đáng ghi nhận về chỉ số đổi mới sáng tạo, công bố nghiên cứu khoa học quốc tế, sở hữu trí tuệ, tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tương đối đều khắp… Ngành KH&CN đã triển khai một số chương trình lớn về khoa học xã hội, chính trị, kinh tế, đáng chú ý có một số công trình tiêu biểu, đồ sộ về tầm vóc tri thức và ảnh hưởng đã được thực hiện như Bộ Lịch sử Việt Nam (Quốc sử), Bộ Địa chí quốc gia Việt Nam (Quốc chí), Bách khoa toàn thư Việt Nam…

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu một số hạn chế, bất cập, vướng mắc mà ngành KH&CN cần nhìn nhận thẳng thắn, đầy đủ. Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương hơn nữa trong triển khai các chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025, bảo đảm chất lượng, đúng quy định; đồng thời lưu ý một số điểm. Các chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025 cần được cơ cấu lại theo hướng các mục tiêu, nhiệm vụ, kết quả, tiêu chí đánh giá phải được lượng hoá ngày càng rõ ràng, chi tiết; có sự phổi hợp với các chương trình, nhiệm vụ KH&CN các cấp, bám sát Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030. Cơ chế đánh giá thường xuyên, định kỳ các chương trình KH&CN quốc gia cần tiếp tục được hoàn thiện, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Bộ Khoa học và Công nghệ mạnh dạn tổ chức các nhóm nghiên cứu mạnh trong một số chương trình KH&CN quốc gia, từng bước tháo gỡ cơ chế quản lý, tài chính trong khoa học; có các cơ chế để doanh nghiệp mạnh dạn tham gia vào các chương trình KH&CN quốc gia, kết hợp với các cơ sở nghiên cứu của Nhà nước.

Đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, Phó Thủ tướng lưu ý kết quả các chương trình KH&CN quốc gia cần đưa ra những kiến nghị thật cụ thể, tổ chức phương thức để lan toả kết quả nghiên cứu, tạo xung lực đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn trong phát triển đất nước; triển khai nghiên cứu, đề xuất cụ thể về cơ chế quản lý tài chính KH&CN; đẩy mạnh nghiên cứu về văn hoá.

Theo Phó Thủ tướng, vai trò của KH&CN càng ngày càng thấy rõ hơn trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Bộ Bộ Khoa học và Công nghệ phải thực hiện mạnh mẽ hơn nữa việc công khai, minh bạch mọi khâu trong thực hiện chương trình, nhiệm vụ KH&CN.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 5
Hôm nay: 6719
Tổng lượt truy cập: 3.562.292
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!