Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg: Tăng cường hiệu quả của chính quyền địa phương với TCVN ISO 18091
Với việc nghiên cứu, triển khai áp dụng các tiêu chuẩn mới trong lĩnh vực hành chính công như TCVN ISO 18091, dự thảo sửa đổi Quyết định 19 được kỳ vọng sẽ giúp cho việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) tại địa phương ngày càng phù hợp hơn với tình hình triển khai thực tế.
Một trong những khía cạnh mới và đáng chú ý của TCVN ISO 18091:2020 chính là công cụ đánh giá quản lý chất lượng tổng thể cho chính quyền địa phương. Ảnh: Mỹ Hạnh
Đây cũng chính là nội dung được thảo luận tại hội thảo “Hoàn thiện dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg và phổ biến tiêu chuẩn ISO 18091:2019” do Tổng cục TCĐLCL (Bộ KH&CN) tổ chức vào ngày 2/6 vừa qua.
Những điểm mới
Trong những năm trở lại đây, những câu chuyện về sự nhiêu khê về giấy tờ hay thái độ cộc cằn của cán bộ tiếp dân dường như đã có phần giảm đi nhờ những nỗ lực nâng cao chất lượng hệ thống quản lý và cải cách hành chính, trong đó không thể không kể đến việc triển khai Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 5/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.
Do yêu cầu các đơn vị áp dụng phải có chu trình lập kế hoạch, thực hiện, kiểm tra và cải tiến trong công việc, hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 đã đem lại tác động tích cực, ví dụ hệ thống này yêu cầu các cơ quan khi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân phải công khai các yêu cầu về hồ sơ, tài liệu phải nộp; nêu rõ quy trình xử lý công việc, kết quả xử lý cuối cùng, thời gian hoàn thành,... từ đó giúp quá trình làm việc minh bạch hơn, các cơ quan phải tìm biện pháp để các thủ tục được đơn giản hóa, giảm các khâu bị chồng chéo. Nhờ vậy, cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” được vận hành hiệu quả hơn, người dân cũng không mất nhiều thời gian đi lại và chờ đợi.
“ISO 9001 là một hệ thống quản lý chất lượng áp dụng cho tất cả các loại hình tổ chức khác nhau nên điều khoản tiêu chuẩn đưa ra cũng khá chung chung, đôi khi khiến cho các đối tượng đặc thù như cơ quan hành chính nhà nước cảm thấy gặp nhiều có khó khi áp dụng”, ông Lê Minh Tâm - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ TCĐLCL - cho biết.
Do đó, một trong những nội dung chính trong dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 19 chính là việc sửa đổi, bổ sung tên, phạm vi điều chỉnh, theo đó, nghiên cứu, triển khai áp dụng các tiêu chuẩn mới trong lĩnh vực hành chính công như: TCVN ISO 18091 - Hệ thống quản lý chất lượng - Hướng dẫn áp dụng; TCVN ISO 9001:2015 tại chính quyền địa phương; TCVN ISO 21001 - Tổ chức giáo dục - Hệ thống quản lý đối với tổ chức giáo dục - Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng; EN 15224 - Hệ thống quản lý chất lượng trong ngành y tế (cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe); TCVN ISO 37001 - Hệ thống quản lý chống hối lộ. Trong số đó, TCVN ISO 18091:2020 (dựa trên ISO 18091:2019 do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO nghiên cứu và ban hành) là một tiêu chuẩn hướng dẫn có thể giúp cho việc áp dụng ISO 9001 trở nên rõ ràng và hiệu quả hơn.
Theo ông Lê Minh Tâm, một trong những khía cạnh rất mới và đáng chú ý của TCVN ISO 18091:2020 chính là công cụ đánh giá quản lý chất lượng tổng thể cho chính quyền địa phương, với 39 chỉ số quản lý chính sách công được chia thành bốn nhóm chủ đề chính: xây dựng thể chế điều hành tốt, phát triển kinh tế bền vững, phát triển xã hội toàn diện và phát triển môi trường bền vững. “Tiêu chuẩn này đã ‘khu trú’ lại rất rõ nội dung và hướng vào chính quyền địa phương, nhờ đó giúp giải quyết rất nhiều bài toán mà các cơ quan hành chính nhà nước gặp phải khi triển khai ISO 9001 trước đây”, ông cho biết. Do tiêu chuẩn này cũng dựa trên nền tảng của ISO 9001 mà các cơ quan hành chính đã triển khai, do đó, “các nguyên tắc vẫn là của tiêu chuẩn cũ nhưng sẽ được hướng dẫn chi tiết và có những công cụ cụ thể để giúp chúng ta có định hướng làm đồng bộ và chính xác hơn”, ông Tâm nói thêm. Chẳng hạn, tiêu chuẩn này giúp kết nối các khái niệm và nguyên tắc về quản lý chất lượng được nêu trong TCVN ISO 9000, TCVN ISO 9001, TCVN ISO 9004; các định nghĩa được nêu trong ISO 9000 như lãnh đạo cao nhất, khách hàng/công dân, quá trình của chính quyền địa phương cũng được nêu rõ và cụ thể hóa.
Bên cạnh đó, dự thảo còn sửa đổi, bổ sung một số nội dung quan trọng khác như: mở rộng đối tượng áp dụng tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành y tế, giáo dục và UBND cấp xã, thay vì chỉ có hành chính như trước kia. Đồng thời, đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL, giảm thiểu tối đa việc xây dựng hệ thống văn bản, tài liệu, các quy trình xử lý công việc trên bản giấy; sửa đổi, bổ sung quy định về việc áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001; quy định cụ thể về điều kiện đối với tổ chức tư vấn, chứng nhận, chuyên gia tư vấn, đánh giá, cơ sở đào tạo. Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ của bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, Bộ KH&CN, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ, chẳng hạn như bổ sung nội dung quy định về quản lý tài chính cho hoạt động cập nhật, chuyển đổi áp dụng theo tiêu chuẩn phiên bản mới đối với Bộ Tài chính, hay xác định hoạt động xây dựng, áp dụng HTQLCL là một nội dung trong công tác đánh giá Chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX hằng năm đối với Bộ Nội vụ.
Làm sao để hiệu quả hơn?
Theo ông Lê Minh Tâm, việc sửa đổi và đưa vào áp dụng các tiêu chuẩn mới như TCVN ISO 18091 sẽ làm rõ hơn hoạt động quản lý của chính quyền địa phương, giúp cho chính quyền địa phương hiểu và thực hiện được hệ thống quản lý chất lượng. Đồng thời, việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn này cũng giúp lãnh đạo cao nhất của chính quyền địa phương xác định mức độ hoạt động và nhận biết các khu vực cần cải tiến, phù hợp với trách nhiệm/quyền hạn và mục tiêu.
Bên cạnh đó, đối với khách hàng/công dân, theo bà Nguyễn Thị Mai Hương - Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy, một trong những lợi ích quan trọng nhất là người dân sẽ được cung cấp dịch vụ công chất lượng cao do tiêu chuẩn này không chỉ tập trung vào thủ tục hành chính mà còn nhiều dịch vụ công khác liên quan đến y tế, giáo dục, văn hóa, giao thông,... Không chỉ vậy, nếu áp dụng tiêu chuẩn này một cách hiệu quả, “đây cũng sẽ là nền tảng để chúng ta xây dựng phát triển thành phố thông minh theo hai tiêu chuẩn quốc gia khác là TCVN ISO 37120 và 37122”, bà Hương cho hay.
Với những lợi ích như vậy, phía Tổng cục TCĐLCL đã đặt ra lộ trình dự kiến triển khai tiêu chuẩn TCVN ISO 18091 theo năm giai đoạn: (1) chuẩn bị triển khai và phổ biến kiến thức cơ bản về tiêu chuẩn; (2) tổ chức tự đánh giá quản lý chất lượng tổng thể theo 39 tiêu chí trong phụ lục của tiêu chuẩn; (3) họp xem xét kết quả tự đánh giá và phê duyệt chương trình hành động về cải thiện các nhóm chỉ số và cải tiến HTQLCL; (4) thực hiện chương trình hành động, theo dõi, kiểm tra xác nhận; (5) báo cáo định kỳ và duy trì cải tiến HTQLCL.
Tuy nhiên, để việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO mới này thực sự thu được hiệu quả không hoàn toàn là điều đơn giản. Tại hội nghị sơ kết tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg được tổ chức vào năm 2021, có thể thấy một thực tế là một số cơ quan chỉ áp dụng hệ thông quản lý chất lượng ISO 9001 theo kiểu “hình thức” chứ không thực sự thu được hiệu quả, hay có những đơn vị chỉ “buông ra là họ bỏ luôn” như nhận xét của đại điện Chi cục TCĐLCL Bắc Giang. Trong một cuộc trò chuyện với KH&PT, một chuyên gia ở Viện Năng suất cũng từng chia sẻ lo ngại về việc có những tổ chức, doanh nghiệp ở Việt Nam áp dụng hệ thống ISO “cho có” chứ không thay đổi bản chất phương pháp quản trị. Thậm chí, có những nơi còn sinh ra một hệ thống mới song song với đó, mỗi khi đến đợt kiểm tra thì toàn bộ nguồn lực dồn cho việc chuẩn bị giấy tờ, sổ sách cho hệ thống ấy, trong khi đáng nhẽ ra việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng phải giúp cho hoạt động quản trị trở nên hiệu quả hơn.
Đây cũng là một thực tế được ông Trần Quốc Dũng - Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp QUACERT - chỉ ra tại hội thảo. “Vào thời điểm mới bắt đầu thì việc áp dụng ISO 9000 lúc đó rất thực tế, giải quyết được những bài toán hết sức cụ thể của đơn vị. Nhưng khi mô hình bắt đầu nhân rộng ra tất cả các cơ quan hành chính nhà nước thì lúc đó bắt đầu bị một sức ép là tất cả các đơn vị đều phải áp dụng, kể cả những đơn vị chưa thực sự sẵn sàng, cuối cùng là dần dần đâu đó có yếu tố hơi ‘hình thức’”, ông Dũng nhận xét. Do đó, nếu muốn áp dụng tiêu chuẩn ISO 18091 một cách hiệu quả, ông cho rằng cần phải đòi hỏi sự tham gia cao hơn, không chỉ là của một vài cán bộ ISO như trước đây mà còn có thể là hội đồng nhân dân. “Quan trọng là làm sao chúng ta chuyển đổi nhận thức để tạo sự tham gia của tất cả các bên. Nó luôn có những rào cản như vậy và đòi hỏi sự quyết tâm rất cao của chính quyền các địa phương”, ông nói.
https://khoahocphattrien.vn/