Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 22-08-2023

NướcGPT: Giải mã xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long

Một sáng kiến mang tên "NướcGPT" sẽ cung cấp công cụ mới để hỗ trợ người dân quản lý xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Nước đóng vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Làng nổi Châu Đốc/M.C

Nước đóng vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Làng nổi Châu Đốc/M.C

Trong một hợp tác với Đại học Fulbright Việt Nam, tổ chức phi lợi nhuận Nước Solutions (từ Silicon Valley, Mỹ) đã giành được tài trợ quốc tế cho sáng kiến xây dựng chatbot "NướcGPT" kết hợp các công cụ AI với giao diện người dùng bằng tiếng Việt để hỗ trợ quản lý nước, đặc biệt là xâm nhập mặn.

Nhóm dự án sẽ huấn luyện các mô hình GPT3.5 và GPT4 bằng cách sử dụng dữ liệu tiếng Anh và tiếng Việt được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau - gồm các tài liệu tổng quan, báo cáo địa phương, nghiên cứu thực địa và các giải pháp công nghệ. Người dùng có thể hỏi đáp với chatbot để có được câu trả lời liên quan đến các giải pháp về nước và xâm nhập mặn.

Phiên bản đầu tiên của chatbot sẽ tập trung vào xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

"Điều này giống như có một cố vấn cá nhân là một chuyên gia trong lĩnh vực phức tạp này. Nếu bạn là nông dân đang đối phó với xâm nhập mặn trên cánh đồng của mình, bạn có thể nhờ NướcGPT tư vấn. Chatbot sẽ phân tích dữ liệu mà nó có, xem xét các chi tiết cụ thể về tình huống của bạn và cung cấp cho bạn giải pháp tốt nhất dựa trên kiến thức và thực trạng hiện tại," Võ Minh Tuệ, trưởng nhóm kỹ thuật của dự án, nói với Khoa học & Phát triển.

Chẳng hạn, nông dân ở ấp Trà Niên, tỉnh Sóc Trăng, có thể hỏi hiện nay độ mặn có phủ hợp để nuôi tôm hay trồng lúa. NướcGPT sẽ phân tích dữ liệu đo độ mặn, độ kiểm, độ trong v.v. ở trạm quan trắc gần nhất trong khoảng thời gian gần đây, so sánh với dữ liệu ngập mặn của trạm vào các năm trước cùng thời điểm để đưa ra dự đoán về độ mặn trong thời gian tới, từ đó gợi ý người nông dân có thể trồng lúa hay phải chuyển qua nuôi tôm.

“Chúng tôi đang lên kế hoạch làm việc với các bên liên quan trong chính phủ để thu thập dữ liệu về độ mặn dựa trên các vùng. Nếu có sẵn dữ liệu cho AI thì các phân tích sẽ càng sát theo thời gian thực,” anh nói thêm.

Điều này sẽ thu hẹp khoảng cách giữa các kiến thức khoa học phức tạp với việc ra quyết định thực tế. Nó sẽ trao quyền cho người dùng, giúp họ đưa ra các lựa chọn sáng suốt.

Các nhà nghiên cứu cũng sẽ xây dựng một trang web để lưu trữ chatbot và thử nghiệm NướcGPT với các bên liên quan, bao gồm các lãnh đạo địa phương và nông dân để đánh giá khả năng sử dụng, độ chính xác và khả năng hỗ trợ các quy trình ra quyết định.

“Chúng tôi rất may mắn khi nhận được sự hỗ trợ từ Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia [thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư] và Cục Quản lý tài nguyên nước [thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường]. Họ thực sự đã giúp chúng tôi rất nhiều trong bản đề xuất của chúng tôi”, theo Rick Nguyễn, thành viên dự án.

Dự án được nhận tài trợ từ sáng kiến Global Grand Challenges của Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation và các đối tác, cấp vốn cho những giải pháp khai thác tiềm năng của mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Model) để cải thiện cuộc sống và phúc lợi của phụ nữ, trẻ em và các cộng đồng dễ bị tổn thương ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Mức tài trợ cho mỗi dự án có thể lên tới 100.000 USD trong thời gian 3 tháng.

Việt Nam hiện có hai dự án được nhận tài trợ của quỹ Gates - dự án kia là chatbot hỗ trợ chăm sóc sức khỏe phụ khoa cho phụ nữ và cộng đồng LGBT+ tại Việt Nam (Đại học VinUni)

Nước.Solutionsthành lập năm 2023 với các thành viên có chuyên môn đa dạng về trí tuệ nhân tạo, y tế công cộng, giải pháp khí hậu, phát triển bền vững và khởi nghiệp.

Các chuyên gia công nghệ nổi bật trong nhóm bao gồm Võ Minh Tuệ (Kỹ sư AI/NLP từng làm việc cho các tập đoàn lớn như Box, MindMeld và Snorkel AI), Đỗ Bình Minh (nghiên cứu AI tại Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA), Rick Nguyễn (doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực AI, đồng sáng lập Spot Trender, ExtendMe AI), Tuấn Đinh (Giám đốc khoa học dữ liệu, đồng sáng lập công ty Cogitativo), Lâm Diệp Trân (chuyên gia về biến đổi khí hậu tại Idemitsu Renewables), …

Thách thức nước ở Đồng bằng sông Cửu Long


Đồng bằng sông Cửu Long, nơi sinh sống của 21,5 triệu người Việt Nam, đang phải chịu đựng sự xâm nhập mặn gia tăng do nhiều yếu tố.

Ước tính khu vực này hiện đang bị lún trung bình khoảng 1,1 cm mỗi năm do tình trạng khai thác nước ngầm quá mức, khai thác cát và suy giảm lắng đọng trầm tích. Tình hình nước biển dâng cũng góp phần đẩy nhanh quá trình sụt lún này. Một ước tính thận trọng từ Báo cáo phát triển và khí hậu quốc gia Việt Nam cảnh báo rằng gần một nửa đồng bằng có thể bị nhấn chìm nếu mực nước biển tăng 75-100 cm so với mực nước của những năm 1980-1999.

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với những biến động thời tiết dữ dội. Dòng chảy sông giảm trong mùa khô đã đẩy mạnh hiện tượng nước biển tràn vào đất liền qua hệ thống kênh rạch. Xu hướng này ngày càng rõ rệt trong các đợt hạn hán mà điển hình là đợt hạn lịch sử năm 2020.

Hình thái thời tiết hai mùa mùa mưa và mùa khô không còn rõ ràng nữa. Hạn hán và lũ lụt khắc nghiệt cũng xảy ra thường xuyên hơn với cường độ lớn hơn. Khi thiên nhiên mất cân bằng, người nông dân phải gánh chịu phần lớn tổn thất. Ví dụ, một vài ngày nước mặn xâm nhập có thể phá hủy một vườn cây ăn trái giá trị cao mà người dân phải đầu tư trong nhiều năm và đẩy họ vào cảnh phá sản.

Theo World Bank

https://khoahocphattrien.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 64
Hôm nay: 13714
Tổng lượt truy cập: 3.540.605
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!