Tăng cường quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói: nền tảng xuất khẩu nông sản bền vững
Để xuất khẩu nông sản thực sự bền vững, đảm bảo ổn định chất lượng nông sản thì việc thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói là điều kiện nền tảng, tiên quyết. Đây cũng là quy định bắt buộc của nhiều nước nhập khẩu và hoàn toàn phù hợp theo các thông lệ quốc tế.
Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hoàng Trung tại Hội nghị “Tăng cường quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói” diễn ra ngày 24/8/2023 tại thành phố Lạng Sơn.
Hội nghị tập trung đánh giá toàn diện thực trạng công tác quản lý mã số như công tác cấp phát mã số, kiểm tra, giám sát sau cấp, duy trì điều kiện của các vùng trồng và cơ sở đóng gói, từ đó chỉ ra những tồn tại và hạn chế cần khắc phục.
Vùng trồng sầu riêng tại Lâm Đồng được cấp mã số vùng trồng
Số lượng nông sản được cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói tăng nhanh
Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết, Việt Nam đang thể hiện vai trò nhà cung ứng lương thực, thực phẩm có trách nhiệm trên trường quốc tế. Ngoài việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực cho hơn 100 triệu dân trong nước, trong giai đoạn 10 năm, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đã tăng từ 27,4 tỷ USD năm 2013 lên 53,2 tỷ USD năm 2022. Trong đó, 5/6 mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực có giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD là các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật bao gồm: gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều, cao su, rau quả, gạo.
Tuy nhiên, việc tham gia vào các FTA cũng đòi hỏi người dân và doanh nghiệp tự nâng cao năng lực, kỹ năng quản lý để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cao đối với chất lượng, quy cách đóng gói các sản phẩm nông lâm thủy sản. Do đó, việc kiểm soát chất lượng ngay tại gốc và có một hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật đóng vai trò hết sức quan trọng.
“Để xuất khẩu nông sản thực sự bền vững, đảm bảo ổn định chất lượng nông sản thì việc thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói là điều kiện nền tảng, tiên quyết. Đây cũng là quy định bắt buộc của nhiều nước nhập khẩu và hoàn toàn phù hợp theo các thông lệ quốc tế”- Thứ trưởng Hoàng Trung cho hay.
Từ năm 2008, ngay sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO, chúng ta đã bắt đầu chương trình kiểm soát vùng trồng phù hợp với điều kiện kiểm dịch thực vật và ATTP cho quả thanh long xuất khẩu đi thị trường Hoa Kỳ. Đến nay, công tác này đã được triển khai rộng khắp cả nước.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt- Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT), đến nay, cả nước đã có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp. Các mã số này tập trung chủ yếu vào các sản phẩm xuất khẩu chính như xoài, thanh long, nhãn, lúa, sầu riêng. Thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Newzealand và Úc là những thị trường có số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nhiều nhất. Đặc biệt, đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vùng dẫn đầu về số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Tăng cường quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói
Cục Bảo vệ thực vật cho biết, gần đây, Cục này liên tục nhận được thông báo của nước nhập khẩu liên quan đến việc không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật bao gồm các sản phẩm chuối, xoài, sầu riêng, mít, thanh long, nhãn… xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và có dư lượng hóa chất vượt quá quy định (sầu riêng, chôm chôm, ớt xuất khẩu sang Đức, Pháp, Tây Ban Nha hay ớt đông lạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc).
Các thông báo này cũng yêu cầu Việt Nam phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ các đối tượng kiểm dịch thực vật và dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) tồn dư trong nông sản của các lô hàng xuất khẩu…
Theo Cục Bảo vệ thực vật, căn nguyên của vấn đề chính là việc kiểm soát tại gốc từ vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa được quan tâm đúng mức, chưa thực hiện các quy trình kỹ thuật một cách nghiêm ngặt theo yêu cầu của các nước nhập khẩu; các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc giám sát sau khi được cấp mã số.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu trong thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Trung yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục đàm phán để mở rộng thị trường xuất khẩu và để được các nước nhập khẩu cấp thêm các mã số mới cho hàng nông sản Việt Nam. Tăng cường công tác hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc cấp, quản lý và sử dụng mã số tại các địa phương. Phối hợp với các bộ ngành và địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa và thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới lô hàng. Phát hiện, xử lý và tuyệt đối không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho các lô hàng không tuân thủ quy định pháp luật về kiểm dịch thực vật...
Về phía các địa phương, Thứ trưởng Hoàng Trung cũng đề nghị xây dựng cơ chế và triển khai thực hiện giám sát thường xuyên việc sơ chế, chọn lọc hàng hóa để đảm bảo không nhiễm sinh vật gây hại tại các nhà đóng gói đã được cấp mã số. Nâng cao chất lượng kiểm tra ban đầu đối với các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; tăng cường giám sát mã số sau khi được cấp. Rà soát các vùng trồng đã cấp mã số, không cấp mã số cho các vùng trồng nằm trong diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ (trừ trường hợp cây dược liệu dưới tán rừng theo quy định của pháp luật) hoặc những vùng có nguy cơ sạt lở...
“Bộ NN&PTNT mong muốn các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội, cùng nhau phối hợp để nâng cao công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, đảm bảo nông sản của Việt Nam đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu. Từ đó góp phần nâng cao vị thế của các mặt hàng nông sản Việt Nam”- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.
https://vietq.vn/