Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 01-11-2023

Hội thảo về định hướng khoa học và công nghệ bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 27/10/2023, tại TP. Hồ Chí Minh, Ban Chủ nhiệm Chương trình KC.08/21-30 phối hợp với Văn phòng các Chương trình trọng đểm cấp nhà nước và Vụ Khoa học xã hội, nhân văn và tự nhiên (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức hội thảo “Định hướng khoa học và công nghệ bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh phía Nam”.

Quang cảnh Hội thảo

Chương trình KC.08/21-30, với tên đầy đủ là "Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu", đã chính thức được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt ngày 20/6/2022. Đây là một chương trình quốc gia quan trọng giai đoạn đến năm 2030, tập trung vào nghiên cứu và ứng dụng công nghệ để giải quyết các thách thức liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu.

Theo GS.TS Trần Đình Hòa, Chủ nhiệm Chương trình KC.08/21-30, Việt Nam nằm trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, với 21/22 loại thiên tai được ghi nhận phổ biến, như bão, lũ, sạt lở đất… Mức độ ngày càng khốc liệt, dị thường, vượt mốc lịch sử trên nhiều vùng cả nước. Ông nêu ví dụ, các đô thị vùng đồng bằng như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… thường ảnh hưởng nặng bởi ngập, nhưng vài năm trở lại đây các địa phương vùng cao như Lâm Đồng, Hà Giang cũng xảy ra tình trạng này. Điều này đặt trách nhiệm nặng nề cho các nhà khoa học trong việc nghiên cứu dự báo, ứng phó biến đổi khí hậu.

Trong chương trình KC08 giai đoạn tới, một trong những mục tiêu quan trọng là nghiên cứu phát triển, hoàn thiện phương pháp, quy trình dự báo; ứng dụng các mô hình, công cụ tích hợp vào dự báo, cảnh báo các hiện tượng khí tượng - thủy văn nguy hiểm. Các nghiên cứu cần đề xuất được các giải pháp công nghệ giúp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục rủi ro thiên tai, khuyến khích ứng dụng dữ liệu lớn, mô hình tiên tiến… tiệm cận với các công nghệ thế giới.

Ngoài ra, Chương trình KC.08/21-30 ưu tiên các nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong dự báo, quan trắc, giám sát các yếu tố môi trường tự nhiên, như đất, nước, không khí… Đồng thời, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát ô nhiễm, phục hồi khắc phục sự cố môi trường. Các nghiên cứu về sử dụng hiệu quả tài nguyên, hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, thị trường cacbon… cùng với các đề tài đề xuất chính sách liên quan được khuyến khích trong chương trình.

GS.TS Trần Đình Hòa cũng cho biết, với đặc thù nghiên cứu ứng dụng, Chương trình KC.08/21-30 đặt mục tiêu ít nhất 80% nhiệm vụ có sản phẩm được ứng dụng vào thực tiễn khi chương trình kết thúc, 80% các kết quả đề tài được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. 10% nhiệm vụ là các dự án sản xuất thử nghiệm, giúp gắn kết nghiên cứu vào hoạt động sản xuất thực tế.

Theo TS Trần Quốc Cường, Viện Địa chất, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhà khoa học thường gặp khó khăn trong thủ tục hành chính, quy trình đấu thầu… Do đó, khi xây dựng đề cương nhiệm vụ, các nhà khoa học phải tính toán kỹ các thông số hóa chất, thiết bị kỹ thuật để tránh gặp vướng mắc về sau. TS Trần Quốc Cường cũng mong muốn nhận được sự chia sẻ từ cơ quan quản lý trong việc sửa quy định về mặt thủ tục để tạo thuận lợi cho các nhà khoa học.

Tại Hội thảo, ông Đào Ngọc Chiến, Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước, (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, trong quy định mới về quản lý nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia, mẫu hợp đồng nhiệm vụ được sửa đổi theo hướng tiếp cận dần với quan hệ dân sự, theo chủ trương chấp nhận rủi ro. Theo đó, hợp đồng có mục được miễn trừ trách nhiệm dân sự cho nhà khoa học trong trường hợp bất khả kháng, định nghĩa theo bộ luật dân sự. Điều này tạo điều kiện tối đa cho cơ quan chủ trì và nhà khoa học yên tâm hơn trong nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong trường hợp bất khả kháng.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 2
Hôm nay: 583
Tổng lượt truy cập: 3.953.912
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!