Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 10-11-2023

Xây dựng chính sách KH,CN&ĐMST cần song hành và gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp

Trong suốt chặng đường vừa qua, ngành Khoa học và Công nghệ đã tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), thúc đẩy phát triển đồng bộ các lĩnh vực, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11), bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ KH&CN đã chia sẻ về những kết quả cũng như định hướng xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong thời gian tới.

PV: Hiện nay, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST tương đối đầy đủ và đồng bộ. Bà có thể chia sẻ rõ hơn về những kết quả nổi bật trong hoàn thiện hành lang pháp lý về KH,CN&ĐMST thời gian qua, đặc biệt từ khi Vụ Pháp chế được thành lập? 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp: Thời gian qua, ngành KH&CN đã tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về KH,CN&ĐMST. Kể từ khi Vụ Pháp chế được thành lập ngày 06/7/1998 đến nay, hành lang pháp lý trong lĩnh vực KH&CN ngày càng được hoàn thiện. Trong công tác xây dựng pháp luật, các đạo luật chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý KH&CN được ban hành và sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế như: Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019 và năm 2022; Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006 (được thay thế bởi Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017); Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007; Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008; Luật Công nghệ cao năm 2008; Luật Đo lường năm 2011, Luật KH&CN năm 2013... Các đạo luật nêu trên cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi và đồng bộ hơn cho các hoạt động trong lĩnh vực KH&CN.

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Trong các văn bản nêu trên, Vụ Pháp chế được giao chủ trì xây dựng văn bản luật quan trọng đó là Luật KH&CN năm 2013. Luật đã kế thừa các quy định tiến bộ của Luật KH&CN năm 2000, bổ sung thêm nhiều nội dung mới có tính đột phá về cơ chế, chính sách đối với KH&CN mà trụ cột là ba nhóm giải pháp: Đổi mới cơ chế quản lý tổ chức và thực hiện nhiệm vụ KH&CN; đổi mới cơ chế tài chính và đầu tư cho KH&CN; đổi mới chính sách đối với nhân lực KH&CN. Hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật cũng đã được Bộ trình Chính phủ ban hành kịp thời, đầy đủ.

Theo Nghị định số 28/2023/NĐ-CP ngày 02/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ KH&CN, Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST, bao gồm: hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển tiềm lực KH&CN; sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để Vụ Pháp chế cùng các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục tham mưu cho Lãnh đạo Bộ các cơ chế, chính sách nhằm tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST trong thời gian tới.

PV: Bà đánh giá thế nào về những khó khăn, thách thức trong việc xây dựng chính sách phát triển KH,CN&ĐMST trong bối cảnh các chính sách liên quan thường xuyên được sửa đổi, cập nhật để phù hợp với tình hình thực tiễn? 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp: Các chính sách phát triển KH,CN&ĐMST có mối liên hệ chặt chẽ với các chính sách về đầu tư, tài chính, ngân sách, đấu thầu, thuế, thu hút nhân lực, đào tạo nhân tài… để tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho hoạt động KH,CN&ĐMST. Trong giai đoạn hiện nay, đất nước đang phát triển nhanh về mọi mặt, hội nhập quốc tế sâu rộng, việc nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên được Đảng, Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu, nắm bắt được sự phát triển nhanh chóng của KH&CN, các xu hướng phát triển công nghệ mới, hiểu rõ bối cảnh và tình hình thực tiễn để đề xuất các chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động KH,CN&ĐMST là một nhiệm vụ khó khăn, thách thức, vừa là trách nhiệm nhưng cũng là vinh dự của đội ngũ cán bộ quản lý KH&CN. 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Diêp - Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

Để vượt qua các khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bên cạnh sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, công chức Vụ Pháp chế cần sự đồng hành, phối hợp và hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị chuyên môn trong và ngoài Bộ. Đặc biệt là tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Bộ trong thời gian tới.

PV: Xây dựng chính sách pháp luật KH,CN&ĐMST là một trong những hoạt động trọng tâm của Bộ và ngành KH&CN. Xin bà cho biết những định hướng, kế hoạch xây dựng chính sách pháp luật về KH,CN&ĐMST của Bộ KH&CN trong thời gian tới? 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp: Trong thời gian tới, nhiệm vụ xây dựng chính sách pháp luật về KH,CN&ĐMST tiếp tục tập trung vào thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đồng bộ các chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST. Cần tập trung rà soát, sửa đổi, tháo gỡ các rào cản trong chính sách, pháp luật theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu KH,CN&ĐMST theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, bảo đảm công khai, minh bạch. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để KH,CN&ĐMST thực sự là đột phá chiến lược, là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Từ nay đến năm 2025, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ và ngành KH&CN là tập trung sửa đổi, bổ sung 04 Luật: Luật KH&CN; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Năng lượng nguyên tử nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động KH,CN&ĐMST, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, đưa KH&CN song hành và gắn kết mạnh mẽ với doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm, dịch vụ theo chuỗi giá trị, mang thương hiệu Việt Nam, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. 

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà! 

 

https://most.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 10
Hôm nay: 2772
Tổng lượt truy cập: 3.952.791
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!