Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 12-03-2024

Thừa Thiên Huế: Phát triển nguồn lợi cá Bống thệ tại đầm phá Tam Giang - Cầu Hai

Trải qua 2 năm thực hiện, đề tài “Nghiên cứu đánh giá biến động nguồn lợi, đặc điểm sinh học sinh sản cá Bống thệ (Oxyurichthys tentacularis) phục vụ bảo vệ và phát triển nguồn lợi tại đầm phá Tam Giang - Cầu Hai tỉnh Thừa Thiên Huế”, các nhà khoa học thuộc Viện Tài nguyên và Môi trường biển đã đề xuất các giải pháp khai thác và sử dụng hợp lý kết hợp với bảo tồn để phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, trong đó có nguồn lợi cá Bống thệ.

Cá Bống thệ - hải sản quý hiếm

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có diện tích khoảng 21.600 ha, dài 68 km, với nguồn động, thực vật được đánh giá là phong phú, đa dạng, nhiều loài có giá trị kinh tế cao. Song, nguồn lợi thủy sản hệ đầm phá đang có dấu hiệu sụt giảm, nhiều loài sinh vật có nguy cơ mất hẳn trong tự nhiên, đặc biệt là những loài quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao. Trong các loài đem lại nguồn giá trị kinh tế cho địa phương, loài cá Bống thệ những năm trước đây khai thác cho sản lượng lớn, đến nay sản lượng còn rất ít và chưa có nhiều nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam về bảo tồn loài cá này.

Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có nguồn lợi thủy sản phong phú.

Cá Bống thệ béo tròn, có thịt thơm ngon và được coi là loài hải sản quý hiếm, giàu dinh dưỡng. Cá Bống thệ hay còn gọi cá Thệ, trước đây dùng để tiến Vua, thường có nhiều ở vùng đầm phá Tam Giang. Cá xuất hiện nhiều vào mùa mưa và sau này trở thành món ăn phổ biến trong bữa cơm của người trong vùng. Tuy nhiên, do sức ép từ khai thác thủy sản diễn ra trong nhều năm dẫn tới nguồn lợi này ngày càng cạn kiệt.

Từ thực tiễn trên, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Tài nguyên và Môi trường biển đã đề xuất và được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá biến động nguồn lợi, đặc điểm sinh học sinh sản cá Bống thệ (Oxyurichthys tentacularis) phục vụ bảo vệ và phát triển nguồn lợi tại đầm phá Tam Giang - Cầu Hai tỉnh Thừa Thiên Huế”. Mục tiêu của đề tài nhằm xác định được hiện trạng nguồn lợi, các đặc điểm sinh học sinh sản của cá Bống thệ làm cơ sở khoa học phục vụ sản xuất giống nhân tạo, bảo vệ và phát triển nguồn lợi tại đầm phá Tam Giang - Cầu Hai tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng thời đề xuất các giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi nhằm bảo tồn nguồn gen cá Bống thệ có hiệu quả tại đầm phá Tam Giang - Cầu Hai tỉnh Thừa Thiên Huế.

Khai thác hợp lý kết hợp bảo tồn

Qua điều tra, đánh giá hiện trạng nguồn lợi và môi trường sống của cá Bống thệ tại đầm phá Tam Giang - Cầu Hai cho thấy, ước tính trữ lượng nguồn lợi cá Bống thệ là khoảng 10-15 tấn/vụ. Cá Bống thệ sinh sống, phân bố tại hầu hết các khu vực đáy các thủy vực thuộc hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, nền đáy chủ yếu là bùn bột, bùn sét với nhiệt độ tại khu vực sinh sống có biên độ dao động thấp trong khoảng 2-3oC, biến đổi từ 23-25oC; độ mặn nơi cá Bống thệ sinh sống dao động từ 5-28% và nhiều đặc trưng khác về pH, hàm lượng nitrit, nitrat; hàm lượng ammonia, phosphat cũng như nhu cầu oxy hóa học (COD). Về đặc điểm sinh học, sinh sản và thành phần dinh dưỡng trong thịt cá Bống thệ cũng được nhóm nghiên cứu làm rõ các đặc điểm, thông số đạt được ở ba vùng nghiên cứu chính là Tam Giang - Thuận An - Cầu Hai.

Cá Bống thệ có mùa vụ sinh sản kéo dài (từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, đỉnh điểm là từ tháng 5 đến tháng 7), là loài cá có giá trị kinh tế cao, được thị trường người tiêu dùng ưa chuộng.

Cá Bống thệ Oxyurichthys tentacularis (Valenciennes, 1837).

Hiện nay có rất nhiều nguyên nhân tác động đến nguồn lợi cá Bống thệ tại đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Cụ thể là tác động của các hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản. Việc mở rộng diện tích quy hoạch nuôi trồng thủy sản, thiếu hệ thống thủy lợi, thiếu khu vực xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường cũng như việc khai thác quá mức của người dân địa phương. Theo đó, ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, hệ thống nò sáo là nghề truyền thống song phát triển quá nhanh, mật độ lớn đan xen chằng chịt khắp đầm đã ngăn cản dòng chảy và đường di chuyển của nguồn lợi tôm cá. Hơn nữa, lượng khách du lịch hằng năm đến tham quan phá Tam Giang - Cầu Hai ngày càng tăng, dẫn đến việc săn bắt các loài sinh vật hoang dã phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách cũng gia tăng đáng kể; kéo theo đó là sự gia tăng về rác thải và nguồn nước thải ở các địa điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn ra môi trường sống của các loài thủy sản tại đây. Bên cạnh đó, do tác động của việc chăn nuôi gia súc gia cầm; tác động môi trường của phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; xây mới, mở rộng cảng, bến đậu tàu thuyền trong vùng đầm phá; đô thị hóa, gia tăng dân số; đập ngăn mặn; hiện tượng thời tiết cực đoan; đóng mở cửa đầm phá; biến đổi khí hậu... ngày càng làm suy giảm chất lượng, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, nguồn lợi thủy sản trong đầm phá.

Qua những kết quả phân tích thu được, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp nhằm khai thác và sử dụng hợp lý kết hợp với bảo tồn để phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, trong đó có nguồn lợi cá Bống thệ, cụ thể: i) về cơ chế chính sách cần tổ chức thực hiện tốt các quyết định, kế hoạch quản lý, bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái của vùng; ii) tăng cường đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ và một số hộ dân tại địa phương làm hạt nhân cho việc quản lý, thực hiện và tuyên tuyền rộng rãi trong cộng đồng; iii) chính quyền địa phương phải xây dựng đời sống ổn định cho người dân vùng ven biển, tăng cường các biện pháp quản lý đối với các hoạt động đánh bắt hải sản; iv) ngăn cấm các hành vi đánh bắt hải sản bất hợp pháp, đồng thời khuyến khích người dân tăng cường sử dụng các ngư cụ đúng quy cách, quy định.

Đề tài đã đạt được những kết quả theo kế hoạch đặt ra, các nội dung được thực hiện đảm bảo yêu cầu, đạt chất lượng tốt và có sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị tham gia thực hiện. Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tập trung cho công tác nghiên cứu quy trình sản xuất xuất giống nhân tạo từ nguồn cá Bống thệ bố mẹ bản địa để tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng và có tính cạnh tranh so với các giống thủy sản hiện có.

https://vjst.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 13
Hôm nay: 7855
Tổng lượt truy cập: 3.991.218
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!