Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 03-06-2024

Nỗ lực bảo tồn nguồn gene quý của các loài động thực vật

Trong nỗ lực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, các nhà khoa học, cán bộ của Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đang ngày đêm cần mẫn, miệt mài nghiên cứu, xây dựng bộ sưu tập mẫu vật sống, bảo tồn nguồn gene quý của các loài động thực vật.

 

Vườn bảo tồn lan rộng 600 m2 với hơn 600 mẫu của trên 80 loài, trong đó có nhiều giống lan quý - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

TS. Lê Hùng Anh, Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) chia sẻ, xuất phát từ ý tưởng của các nhà nghiên cứu tài nguyên sinh vật, đó là kết quả của các công trình nghiên cứu phải được ứng dụng vào thực tế vào cuộc sống, vào sản xuất, từ những năm 80 của thế kỷ XX, các trạm nghiên cứu thực hành trong lĩnh vực tài nguyên sinh vật đã được hình thành tại nhiều khu vực trên cả nước.

Năm 1999, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã thành lập Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh ngay dưới chân Vườn quốc gia Tam Đảo tại xã Ngọc Thanh, TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc với diện tích 170,3 ha.

Trạm có chức năng chính là nghiên cứu, xây dựng bộ sưu tập mẫu vật sống các loài động vật, thực vật hoang dã nhiệt đới vì mục đích bảo tồn đa dạng sinh học và tạo nguồn giống đối với các loài có giá trị khoa học, giá trị kinh tế; cứu hộ và bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã; thực hiện và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu cơ bản và ứng dụng về hệ sinh thái, các loài sinh vật và nguồn gene…

Nỗ lực bảo tồn nguồn gene quý của các loài động thực vật- Ảnh 3.

Nỗ lực bảo tồn nguồn gene quý của các loài động thực vật- Ảnh 4.

Hoạt động bảo tồn hiện trạng thảm thực vật của Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh.

Hiện nay, Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh đã trở thành một địa bàn quan trọng có ý nghĩa trong tiếp cận, khám phá các điều bí ẩn, kỳ diệu lý thú của thiên nhiên đối với các nhà khoa học, đặc biệt các cán bộ khoa học trẻ, các sinh viên, học sinh trong nước và quốc tế.

Không những phục vụ cho công tác nghiên cứu, kiểm kê, quan trắc, đánh giá quá trình diễn thế phục hồi các hệ sinh thái, Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh còn góp phần quan trọng đối với công tác đào tạo giảng dạy, giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

Hằng năm, Trạm thu hút hàng nghìn các thầy cô giáo và học sinh các trường phổ thông, các sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh từ các trường cao đẳng, đại học đến thăm quan, tiến hành các đề tài nghiên cứu, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, trong đó có nhiều học viên, nghiên cứu sinh quốc tế. Toàn bộ hoạt động trải nghiệm tại Trạm đều miễn phí.

Dẫn chúng tôi tham quan Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh, ông Đặng Huy Phương, Trưởng Trạm cho biết, 25 năm qua, sự nỗ lực cố gắng cộng với tinh thần trách nhiệm hăng say nhiệt tình của các nhà khoa học, cán bộ của Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh đã biến nơi đây từ một khu rừng nghèo kiệt không còn cây gỗ, không còn sự tồn tại của các loài động vật hoang dã từng bước được phục hồi phủ xanh bằng các trạng thái rừng tự nhiên ở các mức độ khác nhau với các loài cây gỗ lớn, vừa và nhỏ xen lẫn...

Đến nay, Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh đã thu thập và trồng được nhiều loài cây bản địa với trên 8.000 cây. Vườn bảo tồn lan rộng 600 m2 với hơn 600 mẫu của trên 80 loài đã được thu thập từ các vùng sinh thái khác nhau về trồng.

Bên cạnh đó, Trạm còn có Vườn bảo tồn cây thuốc rộng 1 ha với 34 loài. Khu cứu hộ, bảo tồn động vật rộng 1 ha với hệ thống hàng rào, chuồng trại đạt tiêu chuẩn và hiện đang duy trì số lượng 100 cá thể thuộc 12 loài rùa, vượn đen má trắng, khỉ. Khu nuôi sinh sản các loài bò sát, ếch, nhái có giá trị bảo tồn như: Thằn lằn cá sấu, nhóm cá cóc, nhóm thạch sùng, ếch cây sần… Trong đó, nhiều loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam.

Nỗ lực bảo tồn nguồn gene quý của các loài động thực vật- Ảnh 5.

Nỗ lực bảo tồn nguồn gene quý của các loài động thực vật- Ảnh 6.

Nỗ lực bảo tồn nguồn gene quý của các loài động thực vật- Ảnh 7.

Khu nuôi cứu hộ, bảo tồn các loài khỉ  - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Mô hình thành công nhất của Trạm là nhân nuôi loài thằn lằn cá sấu Shinisaurus crocodilurus. Đây là loài đặc hữu của Việt Nam, được xếp trong nhóm các động vật nguy cấp cần ưu tiên bảo vệ. Hiện, Việt Nam chỉ còn trên dưới 100 cá thể ngoài tự nhiên, nhưng môi trường sống tự nhiên của chúng đang mất dần do việc khai thác than, làm nương rẫy và cháy rừng...

Ông Phương nhớ lại thời điểm năm 2014, Trạm kết hợp các chuyên gia của Vườn thú Cologne (CHLB Đức) đưa 6 cá thể thằn lằn cá sấu về nuôi bảo tồn, trở thành Trạm duy nhất trên cả nước nuôi bảo tồn loài thằn lằn cá sấu. Do đây là loài mới, chưa có nhiều nghiên cứu về đặc điểm sinh học, sinh thái, cho nên việc chăm sóc, nhân nuôi, chữa bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Hiện, Trạm đã nhân nuôi thành công hàng chục cá thể. Thành công này khiến các nhà khoa học thế giới quan tâm và hỗ trợ trong công tác nghiên cứu.

Chị Phạm Thị Kim Dung, cán bộ Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh chia sẻ, khó khăn nhất là đến mùa sinh sản, phải quan sát, theo dõi thời gian sinh con để tách con non khỏi bố mẹ, đưa vào phòng nuôi đến khi trưởng thành mới cho ra môi trường để hòa nhập. Việc chăm sóc cũng nhiều kỳ công, mùa hè nắng nóng, các cán bộ phải thường xuyên phun nước hay tạo dòng chảy như suối ở ngoài tự nhiên, còn mùa đông lạnh thì tạo những hang trú ẩn cho loài thằn lằn cá sấu này.

Nỗ lực bảo tồn nguồn gene quý của các loài động thực vật- Ảnh 8.

Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh là trạm duy nhất trên cả nước nuôi bảo tồn loài thằn lằn cá sấu - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Không chỉ thằn lằn cá sấu, Trạm sở hữu "bộ sưu tập" 12 loài rùa. Trong đó có rùa Trung bộ Mauremys annamensis là loài đặc hữu của Việt Nam nhưng là một trong những loài bị đe dọa tuyệt chủng ngoài tự nhiên do sinh cảnh bị thu hẹp và nạn săn bắt trái phép. Loài này cũng có rất ít thông tin về tập tính và đặc điểm sinh học. Vì thế, nghiên cứu của Trạm là cơ sở khoa học cho công tác nhân nuôi rùa Trung bộ sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt.

Đặc biệt, trong thời gian qua, Trạm đã tiếp nhận cứu hộ, nhân nuôi các loài động vật quý, hiếm do cơ quan chức năng (kiểm lâm, công an…) tịch thu từ các vụ vi phạm vận chuyển buôn bán trái phép các loài động vật quý hiếm để tiến tới thả lại vào môi trường tự nhiên phù hợp với đặc điểm sinh thái của loài. 

Đến nay, một số loài đặc hữu, có nguy cơ tuyệt chủng đã được trạm nhân nuôi thành công. Trong tương lai, có thể phục hồi quần thể trong tự nhiên từ những cá thể sinh sản thành công tại trạm.

Nỗ lực bảo tồn nguồn gene quý của các loài động thực vật- Ảnh 9.

Cán bộ Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh hướng dẫn các em học sinh tìm hiểu về loài rùa. Các hoạt động trải nghiệm tại Trạm đều miễn phí - Ảnh: VGP

Ông Đặng Huy Phương kể, cách đây 10 năm, một cơ quan kiểm lâm phía nam bắt được hai cá thể vượn đen má trắng Nomascus leucogenys và giao cho Trạm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi (TPHCM). Tuy nhiên, trong tự nhiên thì loài vượn đen má trắng này được phân bố ở phía bắc nước ta. Vì thế Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi đã liên hệ và bàn giao cho Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh hai cá thể vượn này.

Trong 10 năm qua, Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh đã tiến hành nuôi dưỡng hai cá thể vượn đen má trắng với mong muốn gìn giữ nguồn gene và nhân giống để bảo tồn nguồn gene quý hiếm.

"Tuy nhiên, mục đích thứ hai chúng tôi hiện vẫn chưa thực hiện được", ông Phương giải thích, hai cá thể vượn này hiện đã mất khả năng tồn tại ngoài tự nhiên. Có lần chúng sổng chuồng nhưng vẫn không chạy đi mà cứ loanh quanh tại khu nuôi giữ. Hơn nữa việc thả chúng ra ngoài tự nhiên là rất mạo hiểm khi mà hiện nay chúng ta chưa xác định được khu vực nào ở miền bắc có sinh cảnh sống tự nhiên, an toàn cho loài vượn đen má trắng.

"Thả chúng ra đồng nghĩa chấp nhận nguy cơ cao chúng sẽ bị tuyệt diệt trong tự nhiên. Chúng tôi hy vọng tìm được một, hai cá thể cái, để ghép đôi với hai cá thể Vượn đực, từ đó tạo ra F1. Khi có nhiều con F1 rồi thì chúng tôi sẽ tìm cách đưa các cá thể F1 về lại tự nhiên. Nhưng cho đến nay chúng tôi vẫn chưa tìm được cá thể vượn cái nào để ghép đôi", ông Phương trăn trở về việc nhân giống, tái thả các cá thể ra tự nhiên.

Nỗ lực bảo tồn nguồn gene quý của các loài động thực vật- Ảnh 10.

Tái thả các loài động vật vào môi trường tự nhiên - Ảnh: VGP

Mặc dù trong thời gian qua, nguồn kinh phí hạn hẹp, cơ sở vật chất thiết bị để nghiên cứu còn nghèo nàn, đã ảnh hưởng đến các hoạt động của Trạm, tuy nhiên các nhà khoa học, cán bộ vẫn ngày đêm lặng lẽ, miệt mài góp công sức nhỏ bé để xây dựng bộ sưu tập sống các loài động thực vật, nghiên cứu các giải pháp bảo tồn nguồn gene quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Nhằm phát huy chức năng của Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã và đang thực hiện các dự án đầu tư nhằm tạo điều kiện cho Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật tổ chức quy hoạch phát triển tổng thể trạm Đa dạng sinh học Mê Linh đến năm 2030 cho xứng tầm, trở thành một Trung tâm vừa có chức năng nghiên cứu xây dựng các mô hình phục hồi các hệ sinh thái nghèo kiệt, các nguồn gene thực vật, động vật quý, hiếm vừa thực hiện chức năng của khu trưng bày ngoài tự nhiên đồng thời là địa điểm góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 8
Hôm nay: 830
Tổng lượt truy cập: 3.950.849
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!