Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 10-06-2024

Lai tạo giống ngô ngọt mới cho vùng Đông Nam Bộ

Ứng dụng chỉ thị phân tử SSR, nhóm tác giả ở Trường Đại học Nông lâm TPHCM đã tạo được giống ngô ngọt mới, năng suất chất lượng cao, góp phần chủ động nguồn giống sản xuất trong nước.

Ngô (bắp) ngọt hay còn gọi là ngô đường, là giống ngô có hàm lượng đường cao. Đây là một loại ngô biệt dạng, được tạo ra do đột biến gen tự nhiên, có chất lượng dinh dưỡng cao, giá trị kinh tế lớn, nên diện tích sản xuất không ngừng gia tăng qua từng năm, không chỉ ở Việt Nam, mà còn rộng khắp trên thế giới.

Trong khi các giống ngô thông thường được thu hoạch khi hạt đã chín thì ngô đường thường được thu hoạch khi bắp chưa chín (ở giai đoạn "sữa"), và được dùng như một loại rau hơn là ngũ cốc. Quá trình chín của hạt ngô liên quan đến việc chuyển hóa đường thành tinh bột, nên ngô ngọt thường được ăn tươi, đóng hộp, đông lạnh.

Đây là thực phẩm giàu năng lượng, chứa nhiều chất dinh dưỡng và vitamin, tốt cho sức khỏe.

Ở Việt Nam, ngô đường bắt đầu được nghiên cứu từ năm 1990 và đến năm 2000 bắt đầu xuất khẩu các sản phẩm từ ngô đường. Đến nay, chương trình chọn tạo giống ngô đường lai trong nước đã tạo ra được một vài giống ngô đường phục vụ sản xuất (Đường lai 20, ĐL668, SSW18, …) nhưng vẫn chưa đáp ứng về số lượng cũng như yêu cầu về chất lượng. Trong khi đó, các giống nhập khẩu có giá giống cao - như Hibrix53, SW1011, Sugar 75,... có giá từ 600.000 - 900.000 đồng/kg - dẫn đến chi phí cho đầu vào lớn và nguồn cung hạt giống không chủ động.

Trồng khảo nghiệm giống ngô đường mới trên đồng ruộng. Ảnh: SKH

Để làm phong phú thêm bộ giống ngô đường trong nước, TS. Nguyễn Phương và cộng sự ở Trường Đại học Nông Lâm TPHCM đã thực hiện đề tài “Lai tạo và khảo nghiệm giống ngô đường (Zea mays var. saccharata) phục vụ sản xuất khu vực Đông Nam Bộ”.

Quá trình tạo giống ngô đường của nhóm nghiên cứu gồm ba giai đoạn chính: chọn tạo dòng thuần, đánh giá khả năng kết hợp đồng thời chọn lọc các tổ hợp lai ưu tú và thử nghiệm sản xuất.

Từ 20 nguồn gen ngô đường nhập nội từ Thái Lan, nhóm thực hiện đã tuyển chọn được tám dòng ngô đường ở thế hệ S7 có năng suất, chất lượng, màu sắc thích hợp với điều kiện ở Việt Nam, làm nguyên liệu ban đầu để chọn tạo dòng thuần và thử khả năng phối hợp của các dòng này với nhau.

Nhóm thực hiện đã đánh giá đánh giá đặc tính nông học, mức độ thuần bằng kiểu hình và kiểu gen (sử dụng chỉ thị phân tử SSRs) của tám dòng ngô đường ưu tú ở thế hệ S7. Đây là phương pháp được ứng dụng phổ biến trong chọn giống, lập bản đồ các gen có ích, xây dựng bản đồ di truyền, nghiên cứu di truyền liên kết và di truyền quần thể. Qua đó, chọn những cá thể trong dòng dùng làm bố mẹ có độ đồng đều cao, khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất ổn định, chất lượng ngon làm vật liệu lai tạo.

Từ đó, nhóm lai tạo được 28 tổ hợp lai giữa tám dòng ngô đường ưu tú. Các tổ hợp lai này được trồng thử nghiệm tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, để so sánh và đánh giá khả năng phối hợp của tám dòng ngô đường đời S7 về một số tính trạng nông học, năng suất và độ Brix (độ ngọt).

Kết quả chọn được hai tổ hợp lai tốt nhất là BN191 và BN 211, để tiến hành khảo nghiệm quốc gia. Hai giống này được trồng khảo nghiệm tại bốn địa điểm trên trong vụ Đông Xuân 2022 – 2023 và Hè Thu 2023, cùng với một số giống đối chứng đang có trên thị trường hiện nay.

T

TS Nguyễn Phương giới thiệu về giống ngô đường mới. Ảnh: SKH

Kết quả, giống BN 191 sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất trung bình vụ Đông Xuân đạt 16,63 tấn/ha, cao hơn 10,4% so với giống đối chứng (15, 07 tấn/ha) và vụ Hè Thu, đạt năng suất trung bình 16,27 tấn/ha, cao hơn 5,5% so với giống đối chứng (15,43 tấn/ha). Giống BN 191 có hạt màu vàng, chất lượng ăn tươi tốt.

Giống BN 211 sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất trung bình vụ Đông Xuân là 15,89 tấn/ha, cao hơn 5,5% s với giống đối chứng (15,07 tấn/ha) và năng suất trung bình vụ Hè Thu là 15,72 tấn/ha, cao hơn 1,9% so với đối chứng (15,43%). Giống BN211 có màu vàng nhạt, chất lượng ăn tươi cũng khá tốt.

Qua các đợt khảo nghiệm, giống BN 191 đáp ứng điều kiện đăng ký công bố lưu hành cho vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN13381:2021 về giống cây trông, BN191 cũng đủ điều kiện đăng ký bảo hộ.

TS Nguyễn Phương cho biết, giống ngô đường này có nhiều ưu điểm nổi trội như cây cao khoảng 2,3m, cao hơn một số giống đang trồng hiện nay, thuận lợi cho việc cây nhận, thụ phấn. Ngoài ra, cây ít đổ gãy, sinh trưởng khỏe, không bị sâu bệnh trong thời kỳ ra trái. Bắp có chiều dài từ 17,1 - 18,8cm, đường kính bắp 4,7 - 4,8 cm, số hàng hạt/bắp từ 14 - 20, giống có số hạt trên hàng cao hơn một số giống đối chứng ngoài thị trường hiện nay.

Theo nhóm nghiên cứu, giống ngô đường này sinh trưởng, phát triển và chống chịu sâu bệnh tốt, cho năng suất, chất lượng cao, phù hợp điều kiện thời tiết, khí hậu của các địa phương khu vực Đông Nam Bộ. Kỹ thuật trồng, chăm sóc thì không khác biệt gì so với các giống ngô nếp, nên dễ dàng triển khai trên đồng ruộng.

Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, đạt kết quả.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 14
Hôm nay: 5292
Tổng lượt truy cập: 3.949.215
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!