Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 11-06-2024

Hội thảo “Xây dựng chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân”

Ngày 5/6/2024, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Hiệp hội An ninh mạng quốc gia tổ chức Hội thảo “Xây dựng chính sách bảo vệ Dữ liệu cá nhân”.

Quang cảnh Hội thảo

Tham dự hội thảo có đại diện các bộ, ngành chức năng của Việt Nam liên quan tới bảo vệ dữ liệu cá nhân (DLCN); đại diện Đại sứ quán Ấn Độ; đại diện Bộ Ngoại giao Hoa kỳ; đại diện Google khu vực châu Á - Thái Bình Dương; một số hiệp hội, tổ chức quốc tế, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước và các chuyên gia, học giả về công nghệ thông tin, an ninh mạng, bảo vệ DLCN.  

Công nghệ thông tin ngày càng lan tỏa vào cuộc sống. Mức độ phổ biến của DLCN trên không gian mạng tỷ lệ thuận với hậu quả xảy ra khi dữ DLCN không được bảo vệ tương xứng, đúng cách. Đến nay, đã có hơn 140 quốc gia ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ DLCN. Năm 2018, Quy định về bảo vệ DLCN tại Liên minh châu Âu chính thức có hiệu lực, quy định chặt chẽ về công tác bảo vệ DLCN của các quốc gia thành viên.

Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách tạo nền tảng và cơ sở cho nước ta tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đến nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới, đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng tên miền quốc gia; ngành công nghiệp thông tin có thứ hạng cao trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam hiện có gần 80 triệu người sử dụng Internet, chiếm tới hơn 2/3 dân số, đứng thứ 7 thế giới, đặt ra bài toán thời cơ và thách thức rõ ràng.

Thực tế cho thấy, nhận thức về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng tại Việt Nam còn hạn chế; tình trạng lộ, lọt, đánh cắp, buôn bán thông tin cá nhân trên không gian mạng cũng thường xuyên diễn ra. Ngày càng nhiều chủ thể thu thập, phân tích, xử lý DLCN cho mục đích khác nhau nhưng không thông báo cho khách hàng hoặc để xảy ra hành vi vi phạm về bảo vệ DLCN. Nhiều dịch vụ trên không gian mạng mới xuất hiện, có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích thông tin, DLCN..., nhưng không có cơ chế quản lý dữ liệu người dùng đặt ra nhiều vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Hậu quả trước mắt có thể xảy ra đối với một số người, nhóm người, gây thiệt hại về tài chính, tinh thần nhưng về lâu dài, các hình thức phạm tội liên quan tới DLCN có thể bùng phát trên diện rộng, gây hậu quả nghiêm trọng, khó lường.

Từ những yêu cầu cấp bách trên, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội xây dựng Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 về bảo vệ DLCN, với 4 chương 44 Điều, quy định những nguyên tắc cơ bản về bảo vệ DLCN, bước đầu đặt nền móng cho hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ DLCN của nước ta. Quá trình xây dựng và triển khai Nghị định số 13/2023/NĐ-CP, cũng như dự thảo Luật Bảo vệ DLCN đã nhận được sự quan tâm rất lớn của tổ chức, cá nhân.

Hội thảo “Xây dựng chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân” đã thu hút sự tham dự của hàng chục cơ quan đại diện ngoại giao, nhiều tập đoàn lớn của thế giới, nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia và phát biểu tham luận. Đây cũng chính là mục đích và ý nghĩa khi Bộ Công an tổ chức hội thảo Xây dựng chính sách bảo vệ DLCN nhằm tạo diễn đàn trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm đa chiều về xây dựng chính sách quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế, trên cơ sở đó hoàn thiện hệ thống các quy định của pháp luật về bảo vệ DLCN. Với chủ đề “Quan điểm, định hướng, xây dựng Luật Bảo vệ DLCN của Việt Nam”, báo cáo chính của hội thảo nêu rõ: Việc xây dựng Luật Bảo vệ DLCN nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ DLCN, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ DLCN, nâng cao năng lực bảo vệ DLCN cho các tổ chức, cá nhân trong nước tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực; đẩy mạnh sử dụng DLCN đúng pháp luật phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Hội thảo đã tập trung thảo luận 2 nội dung chính “Công bố định hướng, quan điểm, những nội dung chính trong xây dựng chính sách bảo vệ DLCN” và “Tiếp thu những khuyến nghị xây dựng chính sách, pháp luật về bảo vệ DLCN của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với Việt Nam”.

Tại hội thảo đã có nhiều ý kiến trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm đa chiều về chính sách bảo vệ DLCN dưới nhiều góc nhìn khác nhau, từ hệ thống pháp luật của một số quốc gia trên thế giới, các cơ quan quản lý nhà nước trong và ngoài nước, kinh nghiệm thực tế từ các doanh nghiệp và kinh nghiệm xây dựng chính sách, pháp luật đối với công tác bảo vệ DLCN của Việt Nam. Các ý kiến đóng góp tới từ Bộ Ngoại giao Mỹ, Google, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), Baker McKenzie, META, Liên minh phần mềm (BSA), Công ty Cổ phần An ninh dữ liệu Việt Nam; đã cho thấy sự tâm huyết trong mong muốn hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện quy định về bảo vệ DLCN. Đặc biệt, hội thảo đã vinh dự được đón tiếp và nghe Ngài Subhash Gupta, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam phát biểu về chính sách bảo vệ DLCN của Ấn Độ.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 57
Hôm nay: 1157
Tổng lượt truy cập: 4.054.484
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!