Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 30-09-2024

Bảo vệ cây trồng bằng phế thải nông nghiệp

Hẳn nhiều người đã nghe qua về những cách “tận dụng” nguồn tài nguyên này: làm thực phẩm, thức ăn gia súc, phân bón,…và gần đây là nước tẩy rửa gia dụng. Nhưng, anh Nguyễn Xuân Duy, kỹ sư công nghệ thực phẩm, giảng viên Đại học Nha Trang có một con đường hoàn toàn khác: làm thuốc trừ sâu.

Đội ngũ Dasuki Farm tại Tọa đàm "Khởi nghiệp và Gen Z" của trường Đại học Nha Trang năm 2023. Ảnh: Fanpage doanh nghiệp

Phụ phẩm nông nghiệp – những gì còn lại sau khi thu hoạch và chế biến nông sản chủ yếu là đốt, chôn lấp, hoặc để hoai mục. “Thực ra đó không phải là chất thải mà có thể là nguồn tài nguyên mà chúng ta chưa khai thác hợp lí thôi” – anh Duy nói. Ý tưởng lấy chính cây trồng bảo vệ cây trồng này còn “lãng mạn” hơn khi nó giải quyết được vấn đề lạm dụng thuốc trừ sâu hóa học đang trở nên ngày một cấp bách khi nó đe dọa nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe con người ở Việt Nam.

Năm 2015, anh Duy cùng bốn người cộng sự (đa số là giảng viên trường Đại học Nha Trang) lập ra Dasuki Farm để biến ý tưởng này thành hiện thực.

Từ cơ sở khoa học của thế giới đến thuốc trừ sâu… nếm được

Thực tế, sáng kiến của nhóm anh Duy không phải hoàn toàn mới. “90% tôi có thể dự đoán [thành công của ý tưởng] dựa vào các công trình nghiên cứu ở nước ngoài, nên mức độ rủi ro giảm đi rất nhiều” – Anh Duy chia sẻ. Nhiều nghiên cứu trong hàng chục năm qua chỉ ra rằng, thực vật chứa rất nhiều các hợp chất chống oxy hóa, các chất kháng khuẩn, kháng nấm, kháng virus. Đặc biệt các axit hữu cơ và hợp chất phenolic là những chất phổ biến và chiếm tỉ lệ lớn, có thể được chiết xuất và điều chế thành thuốc bảo vệ thực vật. Các hợp chất này có thể tấn công trực tiếp hoặc ngấm vào tế bào, gây ức chế enzyme, rối loại quá trình trao đổi chất, can thiệp vào sinh sản của vi sinh vật và các loại côn trùng gây hại nhưng an toàn với cơ thể con người.

Điểm mới trong cách làm của Dasuki Farm nằm ở việc ứng dụng những nghiên cứu này trên những phụ phẩm đặc trưng của nông nghiệp Việt Nam. Anh chia sẻ rằng “Ban đầu thử hết, thử nhiều, mấy chục cái lận. Sau đó mình mới chọn cái nào có hàm lượng các chất cao nhất”. Cuối cùng, sáu loại phụ phẩm được chọn không chỉ đáp ứng yêu cầu về hoạt chất mà còn cả về số lượng dồi dào, dễ kiếm và hiện nay đều đang bị lãng phí. Mặc dù không tiết lộ cả sáu thành phần vì lí do bảo mật công nghệ, nhưng anh chia sẻ cho chúng tôi ba nguyên liệu trong số đó bao gồm: bã mía, vỏ dừa và vỏ lạc. Sáu nguyên liệu này sẽ được chiết rút và tinh chế để thu được sáu dung dịch có chứa hàm lượng, thành phần và hoạt tính khác nhau. Bí quyết của anh Duy không chỉ nằm ở việc dùng phương pháp nào để thu được sáu dung dịch đó một cách tối ưu mà còn phối trộn chúng ra sao để đem lại được tác dụng trừ sâu hiệu quả. “Giống như ta nấu một món ăn, có đường, muối, bột ngọt, tiêu, hành, ớt nhưng không phải ai nấu cũng ngon. Một trong những cái khó nằm ở chỗ đó” – Anh Duy cho biết với mỗi công thức phối chế, anh đều phải thử nghiệm từ phòng thí nghiệm ra ngoài thực địa, “mất rất nhiều thời gian và công sức”.
Quá trình sản xuất chế phẩm thuốc trừ sâu Dasuki từ phế thải nông nghiệp này không thêm bất kỳ hóa chất nào và an toàn đến mức anh vẫn điềm nhiên nếm trước mặt các đối tác.

“Sản phẩm của chúng tôi rất thú ở vị ở chỗ có thể nếm được, mình có thể ăn được không vấn đề gì. Một trong những bí mật là chúng tôi có thể sử dụng nó như một chất phụ gia để đưa vào trong thực phẩm”, anh Duy tiết lộ.

Con đường bằng phẳng?

Anh Duy có lẽ là một nhà sáng lập với những điều kiện “trùng hợp” với những gì sản phẩm này cần. Anh không chỉ là một nhà khoa học đã có gần 20 năm nghiên cứu về hóa thực phẩm mà anh còn tự nhận mình là một người “sáng phố, chiều farm”. “Sáng phố” nghĩa là có thể đóng vai một doanh nhân hào nhoáng gặp nhà đầu tư và các đối tác kinh doanh. Còn “chiều farm” là “cầm cày cầm cuốc như một nông dân thực thụ” để thuyết phục được các nhà vườn, trang trại sẵn lòng thử nghiệm sản phẩm. Trước khi có ý tưởng về thuốc trừ sâu này, bản thân anh Duy cũng là doanh nhân sở hữu hai trang trại. Trong đó, một nơi là Dasuki Farm (cùng tên với thuốc trừ sâu), một khu đất có diện tích nhỏ khoảng 1ha chủ yếu phục vụ nghiên cứu. Nơi còn lại là HoBoMo farm có diện tích gần 60ha, vừa sản xuất nông nghiệp vừa cung cấp dịch vụ du lịch trải nghiệm. Đây là một thuận lợi để anh có thể kiểm chứng ngay phần nào tác dụng của thuốc trừ sâu trên thực địa sau khi hài lòng với kết quả trong phòng lab.

Chỉ sau một năm kể từ khi hình thành ý tưởng, họ đã có sản phẩm thử (MVP - minimal viable product) và đã có nguồn thu ngay lập tức. Kết quả cũng tỏ ra hứa hẹn khi sản phẩm có tác dụng đa năng: vừa diệt được sâu, vừa trừ được bệnh. Chị Nguyễn Trang Dung, cùng công tác tại Đại học Nha Trang với anh Nguyễn Xuân Duy (nhưng khác ngành) sở hữu FBT - một nông trại giáo dục rộng 1.4ha trồng xoài tứ quý hữu cơ kể lại với Báo KH&PT rằng, giữa năm 2023, chế phẩm Dasuki Farm đã làm “hồi sinh” vườn cây bị nấm bệnh, đang “mất sức dần” của chị. “Sau khi mà mình phun thì ngoài khỏi bệnh ra thì nó dưỡngcâydưỡnglávà dưỡngcảquả luôn. Lúc đấy thì cây của mình bắt đầu hồi phục lại sức khỏe, nó ra đọtvàra bôngvàratráikhánhiều.”Dasuki Farm cũng công bố một thử nghiệm so sánh tác dụng diệt đa dạng loại sâu giữa sản phẩm của họ và các chế phẩm sinh học (như từ cây Neem và từ tỏi) cũng như thuốc sinh học (chứa Emamectin Bezoate – một hoạt tính chiết xuất từ vi khuẩn nhưng có độc hại với con người) và thuốc trừ sâu hóa học (Deltamethrin – độc hại đối với cả con người và động vật). Trong đó, với cùng một nồng độ, Dasuki Farm có tác dụng vượt xa so với các chế phẩm sinh học và ngang với thuốc trừ sâu hóa học.

Thử nghiệm chông gai

Tại sao một sản phẩm “hoàn hảo” như vậy lại chưa thể mở rộng? Để một sản phẩm khoa học tiềm năng ra thị trường đòi hỏi một quá trình chứng minh đầy chông gai. Trên thực tế, gần một thập kỉ kể từ khi thành lập, Dasuki Farm đã trải qua mười mấy sản phẩm thử và vẫn đang tiếp tục thử nghiệm. Kết quả khả quan trong phòng thí nghiệm và trên một quy mô nhỏ không hứa hẹn sự thành công khi áp dụng trên quy mô lớn. Áp dụng thành công trên cây trồng này cũng không đảm bảo điều đó sẽ lặp lại trên cây trồng khác.

“Trên một cây phải thử rất nhiều lần, nhiều vụ, nhiều thời điểm khác nhau. Ở vùng này thì sao, vùng kia thì sao? Sử dụng ở giai đoạn nó còn non, nó trưởng thành, ra trái? Chỉ cần một đối tượng để hoàn thiện hoàn hảo thì cũng mất tới 5 – 10 năm chứ ko đơn giản.” – anh Duy bày tỏ. Anh chỉ có thể khẳng định một cách chừng mực hiệu quả sản phẩm của mình cho một số bệnh trên một số cây nhất định. Chẳng hạn anh tự tin với bệnh vàng lá, rụng lá của cây tiêu; bệnh thối thân, thối rễ, nấm sét ở cây măng tây, bệnh thán thư, rụng lá trên cây ớt, bệnh chích hút, bọ xít trên cây xoài Úc,… “Những cái đó mình phải thử rồi thì mới dám công bố. Còn những cây khác thì chưa, phải thận trọng”. – Anh Duy chia sẻ.

Hai nông trại của anh Duy không thể bao phủ độ đa dạng của các điều kiện cả về cây trồng và thời tiết. Anh Duy cùng các cộng sự đã tiến hành hợp tác với chủ các nông trại khác. Theo đó, Dasuki Farm sẽ thu mua phụ phẩm nông nghiệp từ các chủ nông trại, sau đó cung cấp lại thuốc trừ sâu từ nguồn phế thải đó cho họ sử dụng. Nhưng không phải lúc nào cũng làm được như vậy, có những khi Dasuki Farm phải bao tiêu toàn bộ khu vực thử nghiệm: “Có những khi mình phải mua luôn cái luống rau, vườn rau của họ. Giá trị 30 triệu thì phải mua luôn 30 triệu mới thuyết phục được họ”, anh Duy cho biết.Việc hợp tác với bên ngoài như vậy, theo anh Duy luôn tiềm ẩn rủi ro, “vì một ngày đẹp trời họ dở chứng hoặc có đối thủ cạnh tranh”. “Dở chứng” nghĩa là dừng hợp đồng giữa chừng khi có những đề nghị tốt hơn từ các bên khác.

Đó còn chưa kể, việc thử nghiệm đòi hỏi đội ngũ của Dasuki Farm phải “kề vai sát cánh” với người nông dân, theo dõi và giám sát quá trình sử dụng sản phẩm và canh tác của họ liên tục. Vậy nên, có những cây không thể thử nghiệm, vì trồng ở quá xa địa điểm của Dasuki Farm: “cây chè Việt Nam rất cần cái này nhưng do khoảng cách về mặt địa lý chưa thực hiện được. [Mình] phải vào cùng làm với nông dân, chứ ko thể đứng từ xa hợp tác được.” – Anh Duy nói.

Anh Duy chia sẻ rằng, số tiền bỏ ra liên quan tới R&D trong 10 năm qua đã lên tới hàng tỉ đồng, trong đó chi phí thử nghiệm chiếm phần lớn. Nhưng anh sẽ còn phải trải qua những thử nghiệm khó khăn hơn, lâu hơn, và tốn kém hơn nữa trong tương lai để được công nhận sản phẩm thuốc trừ sâu hợp pháp. “Để một sản phẩm thuốc trừ sâu ra thị trường về mặt pháp lý thì phải tuân thủ đúng quy trình theo qui định và kiểm định chứng nhận của các cơ quan chức năng. Cái đó không dễ làm và tốn chi phí rất là lớn. Chấp nhận sức mình cỡ đó, lực mình cỡ đó thì tạm thời ở đó đi.”

Xây dựng nguồn lực cho tương lai

“Sức mình cỡ đó” – nghĩa là Dasuki Farm không bán trực tiếp mà cung cấp nguyên liệu cho một nhà phân phối lớn. Nhà phân phối này sẽ bán thuốc trừ sâu của Dasuki Farm dưới thương hiệu của họ. Anh Duy cũng từ chối chia sẻ nhà phân phối này do bảo mật hợp đồng, mà chỉ chia sẻ đây là một doanh nghiệp lớn đã có vài chục năm kinh nghiệm trong việc bán thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam. Mỗi tháng, thông qua họ, Dasuki Farm bán khoảng vài nghìn lít sản phẩm. Anh Duy chia sẻ rằng, thu tạm đủ bù chi, mặc dù sản phẩm của anh giá chỉ bằng ½ so với các chế phẩm sinh học trên thị trường.

Với quy mô hiện có, vùng nguyên liệu tập trung ở khu vực miền Trung, chủ yếu là Khánh Hòa vẫn đang đáp ứng dư thừa nhu cầu sản xuất, nghiên cứu và thử nghiệm. Tuy nhiên, hướng tới quy mô lớn hơn cũng như đề phòng rủi ro, Dasuki Farm cũng đang phát triển vùng nguyên liệu cho riêng mình. Đồng thời, trong kế hoạch chiến lược, dự định của anh Duy là cái đối tác phải đảm bảo cam kết đi cùng doanh nghiệp ít nhất là 10 năm chứ không thể hủy ngang.

Nhưng làm thế nào để nhanh chóng “áp đảo” thị trường thuốc trừ sâu hóa học là một câu hỏi lớn. Mở rộng quy mô trước hết là phải tăng tốc thử nghiệm và mở rộng sản xuất, làm việc với đa dạng đối tác từ nông dân đến nhà đầu tư, nhà phân phối... Theo anh Duy, khó khăn lớn nhất là tìm kiếm được nguồn nhân lực có chất lượng “sáng phố, chiều farm” như anh tổng kết. Một trong những cách của anh là tăng cường tham gia vào các cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp, vừa để bộc lộ mình, vừa để giao lưu, thu hút các bạn trẻ tài năng về đội.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 18
Hôm nay: 4958
Tổng lượt truy cập: 3.948.881
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!