Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin thế giới

Ngày đăng: 13-09-2023

Công cụ mới giảm nguy cơ đột quỵ

Các nhà nghiên cứu tại Đại học East Anglia, Anh đã đưa ra một phương pháp mới để xác định những bệnh nhân có nguy cơ nhịp tim không đều, được gọi là rung tâm nhĩ. Mặc dù không đe dọa đến tính mạng nhưng tình trạng này làm tăng gấp 5 lần nguy cơ bị lên cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) hoặc đột quỵ.

Nghiên cứu mới, đã được công bố trên Tạp chí European Journal of Preventive Cardiology vào ngày 27 tháng 8, tiết lộ bốn yếu tố dự đoán bệnh nhân có nguy cơ bị rung tâm nhĩ. Đó là tuổi già, huyết áp tâm trương cao và các vấn đề về phối hợp và chức năng của buồng tim phía trên bên trái.

Nhóm nghiên cứu đã tạo ra một công cụ dễ dàng để các bác sĩ sử dụng trên thực tế nhằm xác định những người có nguy cơ cao với hy vọng chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân nhằm giảm nguy cơ đột quỵ trong tương lai.

Giáo sư Vassilios Vassiliou, trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng: “Việc xác định người có nguy cơ cao và nhiều khả năng mắc chứng rung tâm nhĩ rất quan trọng. Vì khi đó, bệnh nhân cần được điều trị bằng thuốc chống đông máu, thường được gọi là thuốc làm loãng máu, để giảm nguy cơ đột quỵ trong tương lai. Bệnh nhân đột quỵ thường cần được kiểm tra nhiều lần để xác định nguyên nhân đột quỵ, vì điều đó có thể ảnh hưởng đến việc điều trị lâu dài. Các kiểm tra y tế bao gồm theo dõi nhịp tim kéo dài bằng một thiết bị cấy ghép nhỏ gọi là máy ghi vòng lặp cấy ghép (loop recorder) và siêu âm tim”.

Các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu từ 323 bệnh nhân ở miền Đông nước Anh, được điều trị tại Bệnh viện Đại học Cambridge, những người bị đột quỵ không rõ nguyên nhân - được gọi là Đột quỵ do tắc mạch không rõ nguồn gốc. Nhóm nghiên cứu đã phân tích hồ sơ y tế, cũng như dữ liệu từ việc theo dõi nhịp tim kéo dài và xem xét kết quả siêu âm tim của họ.

GS. Vassiliou cho biết: "Chúng tôi đã xác định những bệnh nhân trong số này được phát hiện mắc chứng rung tâm nhĩ trong vòng ba năm sau khi bị đột quỵ và tiếp tục thực hiện đánh giá kỹ lưỡng để xác định liệu có các thông số cụ thể nào liên quan đến việc xác định rung tâm nhĩ hay không. Kết quả là bốn thông số liên quan đến sự phát triển của chứng rung tâm nhĩ, thường xuất hiện ở những bệnh nhân mắc chứng rối loạn nhịp tim này đã được xác định. Sau đó, chúng tôi đã phát triển một mô hình dự đoán người sẽ có biểu hiện rung tâm nhĩ trong ba năm tới và do đó, có nguy cơ bị đột quỵ khác trong tương lai”.

Đây là một công cụ mà bất kỳ bác sĩ nào cũng có thể sử dụng rất dễ dàng trong thực hành lâm sàng. Công cụ này có khả năng giúp các bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị có mục tiêu và hiệu quả hơn cho những bệnh nhân này, cuối cùng là nhằm mục đích xác định những người có nguy cơ cao mắc chứng rối loạn nhịp tim có thể được hưởng lợi từ việc theo dõi nhịp tim kéo dài và dùng thuốc chống đông máu sớm hơn để ngăn ngừa đột quỵ trong tương lai.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 74
Hôm nay: 5045
Tổng lượt truy cập: 3.531.932
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!