Acetaminophen có thể ngăn ngừa hội chứng suy hô hấp cấp tính, tổn thương nội tạng ở bệnh nhân nhiễm trùng huyết
Thử nghiệm lâm sàng được Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) hỗ trợ thực hiện đã cho thấy, acetaminophen tiêm tĩnh mạch có thể làm giảm nguy cơ tổn thương nội tạng hoặc phát triển hội chứng suy hô hấp cấp tính ở bệnh nhân nhiễm trùng huyết - tình trạng nghiêm trọng khiến cho chất lỏng bị rò rỉ vào phổi.
Nhiễm trùng huyết là phản ứng cực đoan và cơ thể không kiểm soát được các nhiễm trùng có thể xảy ra. Mặc dù thử nghiệm đã không cải thiện tỷ lệ tử vong cho tất cả bệnh nhân nhiễm trùng huyết với các mức độ nghiêm trọng khác nhau nhưng các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng acetaminophen đã mang lại lợi ích cao nhất cho những bệnh nhân có nguy cơ bị tổn thương nội tạng nghiêm trọng nhất. Với liệu pháp này, các bệnh nhân này ít phải sử dụng máy trợ thở hơn và tỷ lệ tử vong giảm nhẹ dù không đáng kể về mặt thống kê. Công trình nghiên cứu đã được công bố trên JAMA mới đây.
Trong nhiễm trùng huyết, các tế bào hồng cầu bị tổn thương và chết với tỷ lệ cao bất thường và giải phóng vào máu các “huyết sắc tố không có tế bào”. Lúc này, cơ thể trở nên quá tải và không thể loại bỏ lượng huyết sắc tố dư thừa này dẫn đến bị tổn thương các cơ quan nội tạng.
Công trình nghiên cứu trước đây của Giáo sư Lorraine Ware, Trường Đại học Vanderbilt, Nashville, Tennessee, tác giả đầu tiên của nghiên cứu hiện tại cho thấy rằng, acetaminophen, ngoài tác dụng giảm đau và giảm sốt, còn được chứng minh là có tác dụng ngăn chặn tác hại của huyết sắc tố không tế bào lên phổi, giảm nguy cơ tổn thương phổi khi nhiễm trùng huyết. Nghiên cứu khác cũng gợi ý rằng acetaminophen có hiệu quả đối với những bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết nặng nhất - những người có lượng huyết sắc tố không có tế bào cao hơn, có nguy cơ phát triển hội chứng suy hô hấp cấp tính cao hơn và nguy cơ tử vong cao hơn.
Các nhà khoa học lưu ý rằng việc xác định hàm lượng huyết sắc tố không có tế bào cao như một chỉ dấu sinh học có thể dùng để kiểm tra cho các bệnh nhân lần đầu nhập viện sẽ là một bước đột phá vì nó có thể giúp xác định nhanh chóng các bệnh nhân nhiễm trùng huyết nào có thể được hưởng lợi từ liệu pháp acetaminophen.
Michael Matthay, giáo sư y khoa và gây mê tại Bênh viện Đại học California, San Francisco, tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Hạn chế trong chăm sóc y tế tích cực đó là tiến triển bệnh quá nhanh cho nên các bác sỹ thường không có thời gian tìm kiếm các chỉ dấu sinh học nào phù hợp để dự đoán được liệu pháp nào sẽ mang lại kết quả tốt nhất cho bệnh nhân. Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng những phát hiện này sẽ nhấn mạnh việc sử dụng các chỉ dấu sinh học cần thiết để giúp tìm ra các phương pháp điều trị thành công cho bệnh nhân”.
Để xem xét tiềm năng điều trị của acetaminophen một cách đầy đủ hơn trong một thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn giữa, các nhà nghiên cứu đã thực hiện thử nghiệm trên 447 người trưởng thành bị nhiễm trùng huyết và rối loạn chức năng cơ quan hô hấp hoặc tuần hoàn tại 40 bệnh viện hàn lâm của Hoa Kỳ từ tháng 10 năm 2021 đến tháng 4 năm 2023. Bệnh nhân nhận acetaminophen hoặc giả dược tiêm tĩnh mạch mỗi sáu giờ trong năm ngày một cách ngẫu nhiên. Sau đó, bệnh nhân được các nhà nghiên cứu theo dõi trong 28 ngày để xem tình trạng của họ diễn ra như thế nào. Họ cũng đã hoàn thành một phân tích đặc biệt trong đó chỉ sử dụng dữ liệu từ những bệnh nhân có mức huyết sắc tố không có tế bào ở trên ngưỡng quy định. Mối quan tâm hàng đầu của nhóm nghiên cứu là số lượng bệnh nhân có thể sống sót mà không cần hỗ trợ điều trị, chẳng hạn như thở máy hoặc điều trị suy thận là bao nhiêu phần trăm.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng acetaminophen tiêm tĩnh mạch an toàn cho tất cả bệnh nhân nhiễm trùng huyết, không có sự khác biệt về tổn thương gan, huyết áp thấp hoặc các tác dụng phụ khác so với nhóm dùng giả dược. Trong số các kết quả phụ, họ cũng phát hiện ra rằng tổn thương nội tạng thấp hơn đáng kể ở nhóm dùng acetaminophen, cũng như tỷ lệ hội chứng suy hô hấp cấp tính khởi phát trong vòng bảy ngày kể từ ngày nhập viện. Khi xem xét kỹ hơn ở những bệnh nhân có huyết sắc tố tự do cao hơn, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chỉ 8% bệnh nhân trong nhóm dùng acetaminophen cần hỗ trợ thở máy so với 23% bệnh nhân trong nhóm dùng giả dược. Sau 28 ngày, 12% bệnh nhân ở nhóm dùng acetaminophen đã tử vong, thấp hơn so với 21% ở nhóm dùng giả dược, mặc dù phát hiện này không có ý nghĩa thống kê.
James Kiley, Giám đốc khoa bệnh phổi tại Bệnh viện tim, phổi và máu quốc gia, cho biết: “Mặc dù liệu pháp acetaminophen không cho thấy tác dụng đối với tất cả bệnh nhân nhiễm trùng huyết, nhưng nghiên cứu này cho thấy rằng nó vẫn hứa hẹn đối với những người bệnh bị nặng nhất. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để khám phá các cơ chế và xác nhận những kết quả này".
Cac snahf nghiên cứu dự định sẽ tiến hành một thử nghiệm lâm sàng lớn hơn, có khả năng sẽ thử nghiệm chính trên những bệnh nhân có nồng độ hemoglobin tự do cao hơn.