Rào cản chính đối với việc chuyển giao tri thức của các quốc gia trên thế giới phát sinh từ nút thắt về cơ chế
Đó là chia sẻ của ông Don Scott-Kemmis - chuyên gia về chính sách thương mại hóa, Đại học Quốc gia Australia tại buổi làm việc với đại diện của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ của Chương trình phát triển song phương Australia - Việt Nam (Aus4Innovation - A4I) nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tại buổi làm việc, chuyên gia Don Scott-Kemmis đã chia sẻ kinh nghiệm và mô hình thương mại hóa kết quả nghiên cứu quốc tế. Theo ông Don Scott-Kemmis, các rào cản chính đối với việc chuyển giao tri thức của các quốc gia trên thế giới phát sinh từ nút thắt về cơ chế, chính sách chuyển giao tri thức và cấp bằng sáng chế. Bên cạnh đó, hầu hết các tổ chức KH&CN chưa đề cao tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Thiếu cơ chế khuyến khích các nhà nghiên cứu đăng ký bằng sáng chế và tham gia tích cực vào việc chuyển giao tri thức cũng như thiếu hụt nhu cầu từ ngành đối với sở hữu trí tuệ từ các tổ chức nghiên cứu và công nghệ cũng làm hạn chế hoạt động thương mại hóa sản phẩm KH&CN.
Ông Don Scott-Kemmis nhấn mạnh, vai trò của các văn phòng/trung tâm chuyển giao tri thức trong các tổ chức KH&CN chỉ có thể hiệu quả nếu khung chính sách tổng thể trong tổ chức KH&CN hỗ trợ tích cực các công việc chuyên môn của văn phòng/trung tâm đó. Chuyên gia thương mại hóa sản phẩm KH&CN Australia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao tri thức của các nhà khoa học. Ông Don Scott-Kemmis cũng đặc biệt lưu ý các tổ chức KH&CN phát triển cách tiếp cận để chuyển giao kiến thức và phát triển kinh doanh thông qua mô hình doanh nghiệp spin-off, doanh nghiệp KH&CN đổi mới sáng tạo.
Các trường đại học là nơi chủ yếu tạo ra công nghệ, tài sản trí tuệ, các kết quả, sản phẩm, sáng chế có khả năng chuyển giao, thương mại hóa giúp nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội. Đại diện lãnh đạo các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN cho rằng, một trong những mục tiêu quan trọng để phát triển các trường đại học, viện nghiên cứu là phát triển các nguồn lực KH&CN. Các nhà khoa học cũng nêu một số vấn đề vướng mắc trong quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu như: Phát triển các nghiên cứu có tính ứng dụng cao vào thực tiễn sản xuất kinh doanh có làm giảm tính hàn lâm, học thuật của trường đại học hay không? Nền tảng doanh nghiệp spin-off nên thuộc quyền điều hành của trường đại học, một doanh nghiệp độc lập hay một nhóm các nhà khoa học? Vấn đề bảo hộ của nhà nước với các sản phẩm KH&CN ở giai đoạn đầu phát triển…
https://vjst.vn/