Quỹ KH&CN trong doanh nghiệp: Thông thoáng và cụ thể hơn
Liệu thông tư 05/2022/TT-BKHCN hướng dẫn sử dụng Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp, được ban hành vào ngày cuối cùng của tháng 5/2022, có đủ sức giúp doanh nghiệp sử dụng đích đáng đồng tiền đầu tư cho công nghệ?
Nhà máy sản xuất của Rạng Đông, một doanh nghiệp từ nhiều năm nay đã đầu tư vào R&D thông qua hợp tác với ĐH Bách khoa HN. Nguồn: Hà Nội mới
Sau khi thông tư 05/2022/TT-BKHCN ra đời và có hiệu lực, rất nhiều báo chí trong nước đồng loạt đưa tin về một văn bản quy phạm pháp luật được kỳ vọng có thể giúp các doanh nghiệp thoát khỏi những trở ngại, vướng mắc mà họ gặp phải từ khi trích doanh thu lập quỹ phát triển KH&CN. Từ mục tiêu thành lập một quỹ “đầu tư cho hoạt động KH&CN nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, hợp lý hóa sản xuất của doanh nghiệp” như quyết định số 36/2007/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển KH&CN của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đến hiện thực ngày hôm nay còn tồn tại rất nhiều ngổn ngang và rào cản trước những điểm đến. Kể từ đó đến nay, trong vòng 15 năm, Thông tư số 15/2011/TT-BTC và Thông tư liên tịch hướng dẫn số 12/2016/TTLT-BKH&CN-BTC không đủ sức đưa các doanh nghiệp vượt qua được rào cản, dù đây là các văn bản hướng dẫn thành lập, vận hành, sử dụng loại hình quỹ đặc biệt này.
Đó là nguyên nhân vì sao, các doanh nghiệp, kể cả những nơi đã thành lập quỹ cũng như những nơi còn đang cân nhắc về khả năng thành lập, cùng nhìn về tín hiệu mới của Thông tư 05/2022/TT-BKHCN với mong ước nó thực sự là một “chính sách khuyến khích gián tiếp của Nhà nước đối với doanh nghiệp thông qua ưu đãi thuế” như nhận định trên báo Đại biểu nhân dân của bà Nguyễn Thị Kim Anh, ủy viên thường trực Ủy ban KH, CN, MT của Quốc hội.
Nhưng họ có mong đợi quá nhiều?
"Cởi trói" khỏi những thủ tục
Có lẽ, những kỳ vọng của doanh nghiệp vào khả năng khơi thông bế tắc của một văn bản pháp luật về sử dụng quỹ chi cho các nhu cầu liên quan đến công nghệ như xây dựng các trung tâm R&D, trang bị cơ sở vật chất cho hoạt động KH&CN, mua quyền sử dụng, sở hữu bí quyết công nghệ, mua thiết bị, đào tạo nhân lực KH&CN… đã được dồn nén qua rất nhiều năm chật vật. Vấn đề là ở chỗ, sau khi được các cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN giải thích về lợi ích của việc trích lập doanh thu thành lập quỹ, họ hồ hởi thực hiện theo và mường tượng ra một ngày chính sách ấy sẽ giúp họ có được những sản phẩm mới, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên, con đường triển khai một tư duy mới, một chính sách mới gần như chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam có bao giờ bằng phẳng. Đây là lý do mà trải qua 15 năm với hai thông tư hướng dẫn thì doanh nghiệp nhìn chung vẫn gặp phải hai vướng mắc lớn nhất là thủ tục sử dụng quỹ quá phức tạp và nội dung chi không rõ ràng, ngay cả doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân cũng vậy.
Những vướng mắc này đang được tháo gỡ một cách dần dần trong thông tư mới với các nội dung ngắn gọn và đi vào thực chất hơn. Ở đây, người ta có thể cảm nhận được ngay lập tức trái bóng chủ động đã được trả về sân của doanh nghiệp khi Thông tư 05/2022/TT-BKHCN khẳng định doanh nghiệp “có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng quỹ đúng mục đích theo quy định” – nội dung đã được nêu rất rõ ràng và rành mạch tại Luật KH&CN 2013. Với quy định này, doanh nghiệp đã thực sự được trao quyền chủ động trong các hoạt động quản lý, chi tiêu nguồn kinh phí từ quỹ do mình lập (tổng giá trị là 3 đến 10 % thu nhập tính thuế với doanh nghiệp nhà nước và tối đa không quá 10% đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước). Nói một cách nôm na, “đồng tiền xương máu mình làm ra, giờ mình có thể toàn quyền quyết định được cách chi tiêu cho chính mình, miễn là đi theo đúng đường ray của pháp luật”, một doanh nghiệp trao đổi như vậy bên lề một diễn đàn về năng lượng diễn ra đầu tháng 7/2022.
Điểm lợi của quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm mà doanh nghiệp được trao còn nằm ở chỗ, doanh nghiệp có thể xây dựng quy chế đề xuất, xác định nhiệm vụ, tổ chức triển khai và đánh giá các nhiệm vụ KH&CN, quy chế chi tiêu, sử dụng quỹ tới cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp. Theo nét mới của Thông tư 05/2022/TT-BKHCN thì từ đây, doanh nghiệp sẽ không cần phải thành lập hội đồng KH&CN của doanh nghiệp, vốn đòi hỏi gồm thành phần có ít nhất 50% không công tác tại cơ quan chủ trì nhiệm vụ và ít nhất hai người là các chuyên gia có chuyên môn phù hợp, để đánh giá xét chọn, thẩm định nội dung và kinh phí của nhiệm vụ KH&CN như Thông tư liên tịch 12 từng quy định - điều vốn dĩ khiến các doanh nghiệp lớn nhỏ vô cùng băn khoăn. Do không cần đến hội đồng KH&CN đối với các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước như trước, doanh nghiệp có thể thực hiện KH&CN của mình theo phương thức tuyển chọn, giao trực tiếp hoặc phương thức khác được chính mình lựa chọn.
Có lẽ, chưa khi nào, doanh nghiệp lại cảm thấy thoải mái khi được “cởi trói” khỏi những thủ tục và quy định quá mức chặt chẽ như vậy, khi đứng trước cơ hội điều hành quỹ mới. Đây thực sự là bước tiến so với Thông tư liên tịch 12 bởi doanh nghiệp không chỉ có quyền chủ động chi tiêu đồng tiền mình làm ra, phục vụ cho chính nhu cầu của mình mà còn không phải chịu các thủ tục kiểm soát giống như các nhà khoa học hoặc các tổ chức KH&CN khi sử dụng ngân sách nhà nước.
Khi những rườm rà về thủ tục được cắt gọt và loại bỏ, lộ trình tới đích cũng dần được rộng mở với việc vận dụng khéo léo các quy định đã có trong Luật KH&CN cũng như những văn bản pháp lý hiện hành khác về nhóm các nội dung chi của quỹ: chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN; chi hỗ trợ phát triển KH&CN của doanh nghiệp (trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động KH&CN; mua quyền sử dụng, quyền sở hữu công nghệ; mua máy móc, thiết bị cho đổi mới công nghệ; chi thuê chuyên gia hoặc hợp đồng với tổ chức KH&CN; chi đào tạo nhân lực KH&CN; chi cho sáng kiến; chi cho hợp tác KH&CN…); chi thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ; chi phục vụ hoạt động quản lý quỹ. Trước đây, những hạn chế không rõ ràng ở các nội dung chi của quy định cũ không chỉ khiến doanh nghiệp thắc mắc, ví dụ như “việc cử người đi tham gia các lớp tập huấn, nâng cao có được sử dụng kinh phí từ quỹ không?”, “việc mua máy móc, thiết bị đổi mới công nghệ có được tính vào kinh phí của quỹ?”, “nếu mời chuyên gia bên ngoài hoặc ký hợp đồng với tổ chức KH&CN thì mức chi trả như thế nào?”… mà còn khiến chính cơ quan thuế hướng dẫn doanh nghiệp cũng không đủ căn cứ để chấp thuận đề xuất của họ.
Nói như bà Nguyễn Thị Kim Anh, “đôi khi không đòi hỏi phải làm gì quá lớn lao mà chỉ cần đơn giản hóa các thủ tục quản lý đã là góp phần hỗ trợ doanh nghiệp”. Với những đổi mới của mình, Thông tư 05 sẽ làm được điều đó?
Hoạt động tư vấn doanh nghiệp tại Sàn Giao dịch công nghệ (thuộc Sở KH&CN TP.HCM). Nguồn: cesti.gov.vn
Sẽ hết vướng mắc?
Dù rất hào hứng trước sự hữu ích hứa hẹn của thông tư mới nhưng nhiều doanh nghiệp và nhà quản lý giàu kinh nghiệm đều thận trọng cho rằng, khó có thể trông chờ một văn bản quy phạm pháp luật có thể giải quyết được trọn vẹn mọi vấn đề mà doanh nghiệp cả nước trông đợi, nhất là khi thực tế lại vô cùng sống động và biểu hiện đa dạng, muôn hình muôn vẻ. “Lý thuyết màu xám còn cây đời mãi mãi xanh tươi”, chỉ khi nào các nội dung được quy định trong văn bản “va đập” thực tế thì người ta mới có câu trả lời đúng nhất về phạm vi tác động và tính hữu hiệu của chính sách.
Lịch sử khoa học đã không ít lần chứng kiến những câu chuyện như vậy. “Khi một chất mới ra đời, bao giờ cũng vậy, người ta thường chỉ nhìn thấy ưu điểm, góc nào cũng đẹp. Tất cả chỉ thay đổi khi đến một ngày nào đó, người ta phát hiện ra mặt trái của của nó”, giáo sư Phạm Hùng Việt (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) từng nhận xét như vậy. Một trường hợp điển hình là thuốc trừ sâu DDT do nhà hóa học Paul Hermann Müller phát hiện vào năm 1939 đã đem lại cho ông giải Nobel Y sinh năm 1948. Sau khi được sử dụng rộng rãi để trừ sâu bệnh, hạn chế 30% tổn thất mùa màng và ngăn chặn nhiều bệnh dịch nguy hiểm cho người, đến những năm 1970, nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu cấm sử dụng DDT vì đã chứng thực được sự nguy hiểm của DDT đến sức khỏe con người và môi trường.
Điều này cũng từng xảy ra với chính Thông tư liên tịch 12. Khi nó mới ra đời, các nhà quản lý cũng phân tích “những nội dung đổi mới” và hồ hởi “hy vọng là sẽ khắc phục những tồn tại trong việc thành lập, quản lý và sử dụng quỹ phát triển KH&CN tại doanh nghiệp, đảm bảo huy động tối đa các nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN, nhất là nguồn lực từ doanh nghiệp” như trong bài viết “Thúc đẩy hoạt động Quỹ phát triển KH&CN trong doanh nghiệp” của các ông Trần Xuân Đích, Đào Quang Thủy (Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN). Bài viết này đã khẳng định “doanh nghiệp sẽ chủ động thực hiện nhiệm vụ theo nhu cầu”, “quy định này cũng không giới hạn về địa điểm thực hiện các hoạt động KH&CN của doanh nghiệp ‘tại Việt Nam’ như các văn bản trước đây để nhằm phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế… doanh nghiệp được tự xây dựng và ban hành định mức chi cho các nhiệm vụ KH&CN của mình, có quyền áp dụng khoán chi theo quy định thực hiện các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước...”. Tuy nhiên, chỉ có thời gian mới đem lại được câu trả lời đúng nhất khi những bất cập trong quản lý và sử dụng quỹ dần được thực tế bóc tách mà người ta có thể tạm hình dung trong chia sẻ của một doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo ở Biên Hòa trên báo Đồng Nai “Ngoài nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, nguồn tiền chúng tôi có được sẽ hoàn toàn được tự chủ để chi cho đầu tư sản xuất mà không phải vướng cơ chế nào, vậy tại sao chúng tôi phải đi lập quỹ với nhiều thủ tục rườm rà, muốn chi tiêu gì cũng bị ràng buộc?”.
Khu sản xuất thuốc theo dây chuyền công nghệ hiện đại tại Công ty cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội. Nguồn: Hà Nội mới
Mặt khác, dù được coi là thông thoáng về thủ tục và cụ thể về nội dung chi của quỹ nhưng thực ra, một số tồn tại của Thông tư liên tịch 12 vẫn chưa được Thông tư 05 giải quyết một cách triệt để. Ví dụ như thời gian trích lập quỹ liên quan đến việc doanh nghiệp không sử dụng, sử dụng không hết và sử dụng không đúng mục đích vẫn giữ nguyên thời gian năm năm. Sau khoảng thời gian này, nếu doanh nghiệp không sử dụng hết 70% số quỹ đã trích lập thì phải nộp ngân sách nhà nước phần thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên số tiền quỹ còn lại và phần lãi phát sinh từ số thuế đó. Đây là điểm khiến các doanh nghiệp vô cùng lúng túng.
Trong một khảo sát 262 doanh nghiệp, có 153 doanh nghiệp sử dụng quỹ và 96 doanh nghiệp không sử dụng quỹ giai đoạn 2016-2019, ThS. Trần Thị Mỹ Linh (Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính) và nhóm thực hiện đã liệt giới hạn thời gian trích lập ngắn vào nhóm vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách chưa rõ ràng. “Đa số các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có các dự án nghiên cứu dài hạn đều gặp phải các vướng mắc này”, chị nêu trong bài “Hiệu quả sử dụng Quỹ phát triển KH&CN tại doanh nghiệp” trên tạp chí Tài chính và doanh nghiệp năm 2020. Chị phân tích, “ví dụ trong quá trình áp dụng KH&CN bằng cách trồng thí điểm những giống cây lâm nghiệp mới thì thường chu kì của cây từ 5 đến 10 năm mới đánh giá được và dự toán chi phí phải phân bổ cho chu kỳ cây từ 5 đến 10 năm. Ngoài ra, việc xây dựng một dự án đổi mới công nghệ cần thời gian tương đối dài từ các giai đoạn nghiên cứu, đề xuất, thẩm định tính hiệu quả đến giai đoạn triển khai để mang lại lợi ích kinh tế. Do đó, theo nhiều doanh nghiệp, việc áp dụng một giới hạn thời gian sử dụng Quỹ (5 năm) cho tất cả doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau không hợp lý”.
Do vậy, câu chuyện về những đổi mới và thông thoáng của Thông tư 05 sẽ được phát huy như thế nào trong thực tế hay những điểm bất cập còn tồn tại có cần được sửa đổi, thay thế bằng những quy định mới trong tương lai vẫn còn bỏ ngỏ.
https://khoahocphattrien.vn/