Bảo hộ CDĐL: Gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu cho nông sản và đặc sản vùng miền
Đó là chia sẻ của ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữ trí tuệ (SHTT) – Bộ Khoa học và Công nghệ với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dịp năm mới – Xuân Nhâm Dần 2022.
Phóng viên (PV): Trong bối cảnh dịch COVID-19, năm 2021 là một năm đầy thách thức không chỉ đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung, lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Tuy nhiên với nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam trong năm 2021 vẫn đạt được những thành tựu nổi bật. Ông có thể chia sẻ về những kết quả nổi bật này?
Ông Đinh Hữu Phí: Năm 2021, Cục SHTT đã cấp 14 giấy chứng nhận đăng ký CDĐL trong đó có 02 CDĐL của nước ngoài. Các sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL của Việt Nam trong năm 2021 đa dạng hơn về chủng loại; trong đó sản phẩm thủy, hải sản chiếm ưu thế với tỷ lệ 41,7% (bao gồm cua biển Bến Tre, tôm càng xanh Bến Tre, cá bỗng Hà Giang, tôm sú Cà Mau và ốc hương Khánh Hòa). Các sản phẩm chế biến có sự cải thiện về tỷ trọng, chiếm tỷ lệ 41,7 % (bao gồm chè shan tuyết Na Hang, miến dong Bắc Kạn, tiêu Đắk Nông, chè shan Phình Hồ và hạt tiêu Chư Sê). Sản phẩm quả tươi và dược liệu chỉ chiếm 16,6 % (bao gồm bưởi Soi Hà và sâm nam Núi Dành). Kết quả này thể hiện rõ việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Việt Nam đang chuyển biến tích cực và đi vào chiều sâu. Đặc biệt, năm 2021, Việt Nam bảo hộ 02 CDĐL của nước ngoài bao gồm sản phẩm me ngọt Phetchabun của Thái Lan và thêm 01 chỉ dẫn địa lý cho Nhật Bản với sản phẩm quả hồng sấy khô Ichida. Đây là một trong những kết quả thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục SHTT Việt Nam và Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản về cam kết thúc đẩy bảo hộ CDĐL của hai nước.
Loại hình các tổ chức nộp đơn đăng ký và là tổ chức quản lý các CDĐL được cấp giấy chứng nhận đăng ký trong năm 2021 chưa có sự thay đổi nhiều, các cơ quan nhà nước như UBND cấp tỉnh/huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ vẫn chiếm tỷ lệ lớn (11/12 chỉ dẫn địa lý), chỉ có 01/12 CDĐL có tổ chức nộp đơn, tổ chức quản lý là Hội nghề nghiệp (CDĐL ốc hương Khánh Hòa do Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa nộp đơn đăng ký và tiến hành quản lý).
Tiếp nối những thành công và phát triển trong tiến trình hỗ trợ đăng ký CDĐL tại nước ngoài, sự kiện vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận được bảo hộ CDĐL tại Nhật Bản đã được Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam bình chọn thuộc top 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2021.
PV: Bảo hộ CDĐL mở ra cánh cửa cho tiêu thụ và gia tăng giá trị chuỗi nông sản Việt Nam. Tuy nhiên việc tăng cường kiểm soát chất lượng là điều cần thiết để phát huy giá trị của sản phẩm đã được bảo hộ CDĐL, nhất là trong bối cảnh tiêu chuẩn của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu ngày càng cao. Vậy Cục SHTT có giải pháp gì để hỗ trợ quản lý và sử dụng CDĐL trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Đinh Hữu Phí: Việc hoàn thiện các quy định về quản lý CDĐL, triển khai các giải pháp nâng cao năng lực cho các tổ chức quản lý CDĐL, tổ chức tập thể, các tổ chức đại diện cho các nhà sản xuất và kinh doanh sản phẩm CDĐL cần được thực hiện gấp rút và quyết liệt hơn nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Một mặt, các chính sách bảo hộ CDĐL được cụ thể hóa bằng các quy định pháp luật cần bảo đảm sự phù hợp với bản chất của CDĐL đó là tài sản trí tuệ chung của cộng đồng những người sản xuất sản phẩm gắn với khu vực địa lý tương ứng. Mặt khác, cần phải xác định rõ vai trò của Nhà nước trong quản lý CDĐL là đảm bảo hài hòa lợi ích và công bằng xã hội trong tiến trình đó chứ không phải là vai trò của chủ sở hữu CDĐL. Điều này cũng sẽ dẫn đến sự thay đổi đối tượng của các chương trình hỗ trợ phát triển CDĐL đó là cần tập trung vào hoạt động nâng cao năng lực cho các tổ chức tập thể, các tổ chức đại diện cho cộng đồng dân cư, các nhà sản xuất và kinh doanh sản phẩm CDĐL thay vì các hoạt động hỗ trợ xây dựng hồ sơ đăng ký CDĐL và thiết lập hệ thống quản lý CDĐL như hiện nay.
Mặt khác, đối với các CDĐL đã được bảo hộ, các tổ chức quản lý CDĐL hiện nay cần thay đổi phương pháp tiếp cận, xác định rõ vai trò, chức năng trong hoạt động quản lý CDĐL, hỗ trợ cộng đồng cư dân, các nhà sản xuất thành lập các tổ chức tập thể nếu trên thực tế tổ chức tập thể chưa được hình thành hoặc củng cố, nâng cao năng lực nếu tổ chức tập thể chưa đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện vai trò của chủ sở hữu CDĐL.
Song song với tiến trình hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT để trình Quốc hội thông qua vào tháng 6/2022, Cục SHTT đang triển khai xây dựng các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật trong đó có các quy định cụ thể về quản lý CDĐL. Vì vậy, năm 2021 được coi là năm bản lề của bước nhảy về chất đối với tiến trình bảo hộ và quản lý CDĐL.
PV: Theo kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và CDĐL ở nước ngoài cho sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ lựa chọn 3 sản phẩm là vải thiều Bắc Giang, xoài Đồng Tháp, nhãn và long nhãn Sơn La để đề xuất hướng dẫn hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hoặc CDĐL. Xin ông cho biết cụ thể về kế hoạch này và thời gian tới việc hỗ trợ sẽ được mở rộng cho những sản phẩm xuất khẩu tiềm năng tại tỉnh nào?
Ông Đinh Hữu Phí: Triển khai nội dung hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu, CDĐL ở nước ngoài trong Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2021 – Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06/5/2021, ngày 31/12/2021 Bộ trưởng BộKhoa học và Công nghệcùng Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng BộNông nghiêp và Phát triển nông thôn ký “Kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022-2025”.
Kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và CDĐL cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài đã nhận được sự quan tâm và đóng góp ý kiến từ các Bộ, ngành liên quan, một số địa phương có nhiều sản phẩm xuất khẩu tiềm năng, cũng như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp. Kế hoạch phối hợp giúp tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, trong đó tập trung vào các biện pháp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và CDĐL của sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở những thị trường nước ngoài trọng điểm, nâng cao vị thế và uy tín của sản phẩm Việt Nam ở thị trường nước ngoài.
Ba Bộ đầu mối triển khai đã đặt ra 6 nhóm nhiệm vụ sau: Nghiên cứu thực trạng hoạt động hỗ trợ và khảo sát nhu cầu của các nhóm chủ thể có liên quan; Tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn về hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và CDĐL tại nước ngoài; Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài; Xây dựng, phát hành và đăng tải các tài liệu, ấn phẩm hướng dẫn dành cho doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp có tiềm năng xuất khẩu và chủ sở hữu, quản lý nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và CDĐL; Thí điểm hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hoặc CDĐL cho một số sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng xuất khẩu vào thị trường nước ngoài trọng điểm...
Sở hữu trí tuệ nói chung, nhãn hiệu và CDĐL nói riêng đang ngày càng khẳng định vai trò là công cụ đắc lực trong hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường hiệu quả sản xuất và kinh doanh. Chính vì vậy, Kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và CDĐL cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và các chủ thể liên quan trong việc sử dụng nhãn hiệu và CDĐL, gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là nông sản và đặc sản các vùng miền ở nước ngoài.
Trước mắt, Kế hoạch phối hợp hỗ trợ sẽ lựa chọn ba sản phẩm: vải thiều của tỉnh Bắc Giang, xoài quả của tỉnh Đồng Tháp, nhãn quả và long nhãn của tỉnh Sơn La để nghiên cứu thí điểm đánh giá xác định sản phẩm tiềm năng và thị trường trọng điểm để có đề xuất hướng hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hoặc CDĐL ở các thị trường phù hợp. Đây là ba sản phẩm đã từng đăng ký thành công nhãn hiệu hoặc CDĐL ở nước ngoài và đã xuất khẩu chính ngạch với lượng tiêu thụ đáng kể sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ... Từ thực tiễn của ba sản phẩm này có thể đúc rút ra những kinh nghiệm quý báu để các sản phẩm, địa phương khác tham khảo, học tập.
Việc hỗ trợ sẽ được mở rộng cho những sản phẩm xuất khẩu tiềm năng khác, nhất là nếu như đó là sản phẩm nông sản, đặc sản của các địa phương. Tuy nhiên, việc mở rộng đến đâu, và tiếp theo là sản phẩm nào thì cần có sự khảo sát, đánh giá một cách kỹ lưỡng về sản phẩm, sản lượng và đặc biệt là nhu cầu, tiêu chuẩn của thị trường nước ngoài tiềm năng. Việc tiến hành khảo sát, đánh giá sẽ là một trong các hoạt động được ưu tiên thực hiện trong năm 2022 của các Bộ, ngành và địa phương liên quan. Việc hỗ trợ từ góc độ các cơ quan trung ương, cụ thể là ba Bộ đã được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ yếu sẽ từ góc độ cung cấp thông tin, tư vấn hỗ trợ về chính sách, kết nối các cơ quan liên quan ở nước ngoài...
Điều quan trọng nhất vẫn là sự chủ động của các địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp... để có được những quyết định phù hợp và đúng hướng cho sản phẩm, đặc sản của địa phương mình.
Tiếp nối kết quả của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ các giai đoạn trước, trong khuôn khổ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục hướng tới hỗ trợ việc bảo hộ các nông sản, đặc sản địa phương, lồng ghép các nhiệm vụ của Kế hoạch này vào triển khai trong các hoạt động của Chương trình.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
https://dangcongsan.vn/