Hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp từ hoạt động khai thác tài sản trí tuệ tại viện, trường đại học
Theo số liệu thống kê hằng năm của Cục Sở hữu trí tuệ, mặc dù đơn đăng ký sáng chế của người Việt Nam vẫn chiếm tỉ lệ thấp so với tổng số đơn đăng ký sáng chế nộp tại Việt Nam nhưng số lượng đơn đăng ký sáng chế của các trường đại học, viện nghiên cứu có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Đây là một dấu hiệu đáng mừng, phần nào thể hiện sự cải thiện về giá trị của các kết quả nghiên cứu từ các trường đại học, viện nghiên cứu. Có căn cứ xác lập quyền sở hữu trí tuệ thì các kết quả nghiên cứu này mới có thể được thương mại hóa một cách hiệu quả, từ đó tái đầu tư cho nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng còn tồn tại những bất cập trong một số quy định hiện hành, trong đó có quy định về sở hữu trí tuệ là rào cản cho việc thương mại hóa các tài sản trí tuệ của trường đại học, viện nghiên cứu. Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã thông tin về về việc hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của trường đại học, viện nghiên cứu.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã có những đề xuất điều chỉnh quy định nhằm khuyến khích tạo ra, khai thác tài sản trí tuệ do Nhà nước đầu tư. Xin ông chia sẻ về đề xuất được nêu ra trong Dự thảo về vấn đề này và ý kiến của các đại biểu quốc hội về phương án đề xuất?
Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua năm 2005 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006, đã được sửa đổi, bổ sung hai lần vào năm 2009 và năm 2019, là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến loại tài sản đặc biệt - tài sản trí tuệ.
Qua thực tiễn hơn 16 năm thi hành, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác, sử dụng và thụ hưởng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời tạo môi trường lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, Luật Sở hữu trí tuệ còn là nền tảng đưa hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ của Việt Nam đạt chuẩn mực theo Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền SHTT (TRIPS) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như đáp ứng các nghĩa vụ theo cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới gần đây.
Tuy nhiên, với xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng thông qua việc gia nhập các điều ước quốc tế, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Việt Nam phải thực hiện các nghĩa vụ mà mình cam kết khi gia nhập, trong đó có những nghĩa vụ về sở hữu trí tuệ. Luật Sở hữu trí tuệ cần phải có những sửa đổi phù hợp là điều tất yếu. Trong số bảy nhóm chính sách trong lần sửa đổi này, có một chính sách liên quan trực tiếp tới các trường đại học, viện nghiên cứu, cụ thể là chính sách “Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách Nhà nước”.
Nội dung sửa đổi để thực hiện chính sách này được thể hiện theo hai phương án:
- Phương án 1 là sửa đổi Điều 86, bổ sung các Điều 86a, 133a, 136a và khoản 6 Điều 139 để quy định cụ thể về việc quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước được trao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, đồng thời quy định bảo lưu quyền của Nhà nước trong một số trường hợp cũng như nghĩa vụ của tổ chức chủ trì.
Phương án này được đưa ra nhằm mục đích: (i) tạo động lực khuyến khích các đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước đăng ký xác lập quyền SHCN đối với phần kết quả nghiên cứu có khả năng bảo hộ SHCN, và thúc đẩy thương mại hóa đối tượng quyền SHCN đó; (ii) vẫn bảo đảm được sự quản lý của Nhà nước đối với kết quả nghiên cứu KHCN được bảo hộ SHCN có sử dụng ngân sách.
Quy định tương tự đã được nhiều quốc gia thực hiện nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu KH&CN, thương mại hóa kết quả nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể đi đầu là Hoa Kỳ, tiếp đó là các nước như Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Áo, Đan Mạch, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Phần Lan, Nga,…; các quốc gia châu Á như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Phillipines và châu lục khác như Brazil, Chile, Mexico, Argentina, Nam Phi, Úc... cũng đã có quy định tương tự. Trong số 50 quốc gia dẫn đầu về tổng số đơn đăng ký sáng chế của công dân năm 2019, có 24 quốc gia có quy định pháp luật tương tự Luật Bayh-Dole của Hoa Kỳ. Ngay trong ASEAN, có 4 quốc gia đã có quy định tương tự. Đặc biệt, Luật Tiến bộ KH&CN Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 2007 cũng đã quy định trao quyền đăng ký sáng chế, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ KH&CN.
- Phương án 2 là giữ nguyên quy định pháp luật hiện hành. Tuy nhiên phương án này không giải quyết được những tồn tại sau đây:
Pháp luật hiện hành (Điều 86 Luật SHTT, Điều 9 Nghị định 103/2006/NĐ-CP) quy định quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký này
Tuy nhiên tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư thực hiện quyền đăng ký và trở thành chủ văn bằng bảo hộ thì cũng không có khả năng thương mại hóa đối tượng được bảo hộ do không có chức năng cũng như khả năng kinh doanh.
Trong trường hợp để tổ chức chủ trì có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thì các cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện việc giao quyền đăng ký kết quả nhiệm vụ KH&CN. Do tính chất phức tạp của tài sản trí tuệ, đặc biệt các quy định về định giá các đối tượng này mà hiện nay việc giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy việc giữ nguyên quy định hiện hành sẽ không thể giải quyết được các bất cập hiện nay do không đủ căn cứ pháp lý cho tổ chức chủ trì thực hiện đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước trong một số trường hợp; không thúc đẩy việc khai thác, thương mại hóa các đối tượng này, làm cho giá trị đầu tư của nhà nước trở nên kém hiệu quả và quan trọng nhất là không thể “cởi trói” để thúc đẩy nguồn lực đổi mới sáng tạo của cả nền kinh tế. Đồng thời, quy định này chưa tính đến đặc thù của tài sản trí tuệ cũng như kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã thành công trong việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là định hướng phát triển nền kinh tế tri thức của Việt Nam hiện nay.
Trong tổng số 85 ý kiến góp ý về vấn đề này có 82 ý kiến tán thành Phương án 1, trong số đó nhiều ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả như quy định của Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Hội nghị TW 6 khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đồng thời đề nghị mở rộng giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì trong lĩnh vực giống cây trồng và một số đối tượng của quyền tác giả; sửa đổi các văn bản luật có liên quan để thống nhất với nội dung sửa đổi nêu trên của Luật Sở hữu trí tuệ.
Sau khi tiếp nhận được các ý kiến của Đại biểu quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo đang tích cực nghiên cứu để giải trình và tiếp thu nhằm hoàn thiện quy định theo phương án thứ nhất là phương án được đa số đại biểu quan tâm.
Liên quan đến ý kiến cần có phương án cụ thể hơn về phân chia lợi ích, cơ quan chủ trì soạn thảo đang nghiên cứu để đưa ra đề xuất về phân chia lợi ích phù hợp với Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 mà vẫn bảo đảm mục tiêu của chính sách này.
Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để nghiên cứu, rà soát và đánh giá thực trạng việc khai thác thương mại các kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và giống cây trồng. Cho đến nay, trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đánh giá của chúng tôi thì chúng tôi dự kiến sẽ đề xuất với Chính phủ cho phép mở rộng đối tượng áp dụng cơ chế giao quyền đăng ký đối với kết quả nghiên cứu là đối tượng được bảo hộ giống cây trồng.
Ngoài ra, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chúng tôi cũng đang nghiên cứu để sửa lại đề xuất liên quan đến vấn đề kiểm soát việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng được giao quyền theo hướng đơn giản hóa yêu cầu để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc thúc đẩy thương mại hóa các đối tượng này.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang rà soát thêm để đề xuất sửa đổi các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, ví dụ như Luật Khoa học và Công nghệ,...
Trường hợp dự thảo Luật được thông qua theo phương án cơ quan soạn thảo đề xuất, theo ông, phương án đó được kỳ vọng mang tới những thay đổi gì cho hoạt động đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ của Việt Nam nói chung và hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ được tạo ra trong trường đại học, viện nghiên cứu nói riêng?
Xu hướng trao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ KHCN thực hiện bằng ngân sách nhà nước đã được nhiều quốc gia áp dụng và đem lại hiệu quả cao, đặc biệt là tạo thuận lợi và nhanh chóng cho việc thương mại hóa các quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, năng lực quản trị và thương mại hóa tài sản trí tuệ nói chung và quyền sở hữu trí tuệ nói riêng là cả một thách thức lớn đối với cả các nhà khoa học, trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp. Mỗi chủ thể với vai trò khác nhau trong từng nhiệm vụ khác nhau sẽ cần có những chiến lược riêng, mà không có một công thức chung.
Nếu như phương án mà cơ quan soạn thảo đề xuất được Quốc hội thông qua, thì có thể thấy chính sách này sẽ giúp cho các trường đại học, viện nghiên cứu có thể chủ động trong thương mại hóa tài sản trí tuệ được tạo ra từ các nhiệm vụ KHCN do mình chủ trì thực hiện. Nhưng bên cạnh đó để tận dụng tối đa chính sách này, trước tiên là các trường đại học, viện nghiên cứu cần thiết lập một cơ chế đảm bảo quản lý hiệu quả các tài sản trí tuệ của mình, cần có các chuyên gia am hiểu cả về thị trường và pháp lý để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của mình được đảm bảo cả về mặt pháp lý và giá trị thương mại. Đồng thời, kết hợp sự năng động và thậm chí là mạo hiểm của các doanh nghiệp khi quyết định đương đầu với nhưng thử thách, rủi ro trong đầu tư khai thác những tài sản trí tuệ mới không phải do doanh nghiệp mình tự tạo ra.
Kết hợp tốt các yếu tố trên thì chính sách này sẽ cho thấy được giá trị đích thực của nó. Chúng tôi mong muốn các đơn vị chủ trì nhiệm vụ được chủ động và linh hoạt hơn thì giá trị của các tài sản trí tuệ được tạo ra đó phải gia tăng tỷ lệ thuận, các kết quả đề tài nghiên cứu không chỉ dừng ở việc công bố hoặc thể hiện dưới dạng bài báo khoa học mà cần trở thành những sản phẩm hữu hình. Lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu sẽ quay vòng vốn đầu tư lại cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo thì số lượng và chất lượng kết quả hoạt động khoa học công nghệ của Việt Nam sẽ có những cải thiện đáng kể. Tôi cho rằng chỉ khi thành quả khoa học lại đem lại được nguồn vốn để tái đầu tư cho khoa học và nuôi dưỡng tạo ra được thành tựu mới thì chính sách này mới được đúng như kỳ vọng.
Trường đại học, viện nghiên cứu có thể chưa mạnh hoặc chưa đủ năng lực để tự khai thác, thương mại hóa thì lúc này rất cần sự góp sức của các doanh nghiệp. Bên cạnh những doanh nghiệp đã có thì việc hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp từ hoạt động khai thác tài sản trí tuệ tại trường đại học, viện nghiên cứu cũng là một trong những hướng đi hiệu quả. Đây cũng chính là một trong những chủ đề được Techfest năm 2021 lựa chọn để đưa vào chuỗi hội thảo chính để cùng thảo luận, đưa ra những giải pháp hiệu quả cho việc thương mại hóa tài sản trí tuệ tạo ra từ kết quả nghiên cứu trong các trường đại học, viện nghiên cứu.
Những giải pháp cần thiết hiện nay đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp?
Một trong những giải pháp cần thiết hiện nay đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp là kết nối, khai thác các tài sản trí tuệ từ các trường đại học, viện nghiên cứu. Trường đại học, viện nghiên cứu chính là cái nôi sáng tạo ra tri thức và công nghệ mới. Trong Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đều đề cập đến việc kết nối giữa doanh nghiệp và các trường đại học, viện nghiên cứu. Theo đó, các nhiệm vụ được đặt ra là thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đặt hàng, liên kết, hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để khai thác, phát triển tài sản trí tuệ. Việc hợp tác, khai thác tài sản trí tuệ từ các trường đại học, viện nghiên cứu một mặt sẽ rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh. Từ đó, giúp các doanh nghiệp giảm bớt thời gian, chi phí đầu tư nghiên cứu để tập trung phát triển sản phẩm, thị trường. Mặt khác, việc hợp tác này tạo cơ hội cho các trường đại học, viện nghiên cứu thương mại hóa, lan tỏa kết quả nghiên cứu phục vụ đời sống kinh tế, xã hội, qua đó, tạo động lực thúc đẩy hoạt động nghiên cứu tại các cơ sở này.
Với số lượng đơn đăng ký sáng chế của các trường đại học, viện nghiên cứu có xu hướng ngày càng tăng trong những năm gần đây, chắc chắn rằng sự kết hợp giữa trường, viện và doanh nghiệp hoặc hình thành mới các doanh nghiệp từ tài sản trí tuệ của trường đại học, viện nghiên cứu sẽ đem lại những kết quả tích cực.
Xin cảm ơn ông!
https://most.gov.vn/