Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Sở hữu trí tuệ

Ngày đăng: 17-11-2022

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Văn Chấn” cho sản phẩm quả cam

Ngày 04/11/2022, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 5345 /QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00121 “Văn Chấn” cho sản phẩm quả cam. Ủy ban nhân dân huyện Văn Chấn là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Lịch sử trồng cam tại Văn Chấn bắt đầu từ khoảng năm 1990[1],[2]. Thị trấn Nông trường Trần Phú là nơi đầu tiên trồng cam tại huyện Văn Chấn và về sau phát triển rộng khắp các xã lân cận. Để đáp ứng nhu cầu cũng như thị hiếu của người tiêu dùng, từ giống cam Sành được trồng đầu tiên tại Văn Chấn[3], người sản xuất cam Văn Chấn đã đa dạng hóa các giống cam chín sớm, chín muộn, thời vụ thu hoạch dài để phục vụ nhu cầu của thị trường. Đến nay, giống cam Sành, cam Đường, cam CS1 và cam V2 đã và đang được trồng tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Về cảm quan, cam sành có vị ngọt, cam đường có vị ngọt mát. Cam CS1 và cam V2 có vị ngọt đậm.

Về chất lượng: Cam sành có độ Brix từ 9,91 - 10,73oBx, hàm lượng đường tổng số từ 7,83 - 8,72%. Cam đường có độ Brix từ 7,70 - 10,90oBx, hàm lượng đường tổng số từ 6,31 - 7,12%, hàm lượng nước từ 87,15 - 91,12%. Cam CS1 có độ Brix từ 12,80 - 13,35oBx, hàm lượng đường tổng số từ 7,39 - 7,55%. Cam V2 có độ Brix từ 10,05 - 11,52oBx, hàm lượng đường tổng số từ 8,90 - 9,20%, hàm lượng Vitamin C từ 34,50 - 38,75 mg/100g.

Hình 1: Quả cam sành Văn Chấn

Hình 2: Quả cam đường Văn Chấn

Hình 3. Quả cam CS1 Văn Chấn

Hình 4. Quả cam V2 Văn Chấn

Vùng trồng cam Văn Chấn nằm ở độ cao trung bình 400m so với mực nước biển. Phần lớn vùng trồng cam Văn Chấn có độ dốc từ 15 - 25o, nhiều sông suối. Độ dốc lớn khiến đất dễ bị rửa trôi. Để khắc phục điều kiện không thuận lợi này, người trồng cam vùng Văn Chấn đã thiết kế vườn trồng cam theo đường đồng mức, vừa giúp tầng mặt vườn trồng thoát nước dễ dàng, cây không bị ngập úng, đồng thời cây cam vẫn thường xuyên được cung cấp đủ nước trong quá trình sinh trưởng và phát triển.

 Ngoài điều kiện địa hình, tính chất, chất lượng đặc thù của cam Văn Chấn còn do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và bàn tay chăm sóc của những người nông dân trong khu vực địa lý. Khu vực địa lý có nhiệt độ trung bình năm từ 22 - 26oC, biên độ nhiệt độ ngày và đêm lớn (trung bình khoảng 8 - 9oC), lượng mưa tương đối lớn (trung bình năm từ 1.200 - 1.800 mm/năm), độ ẩm trung bình năm từ 83%  - 87%. Thổ nhưỡng của khu vực địa lý là đất đỏ vàng trên đá sét và biến chất, tầng đất canh tác dày trên 1m, hàm lượng mùn trong đất ở mức trung bình khá (hàm lượng mùn tổng số trung bình trên 1,8%).  Kỹ thuật sử dụng phần lớn phân hữu cơ, tỉa cành, tạo tán sau mỗi vụ thu hoạch, bố trí mật độ cây hợp lý để giúp vườn cam có được ánh sáng tán xạ phù hợp, giúp cho cây cam sinh trưởng và phát triển tốt, nâng cao chất lượng quả.

 Khu vực địa lý: Xã Cát Thịnh, xã Tân Thịnh, xã Đại Lịch, xã Chấn Thịnh, xã Bình Thuận, xã Thượng Bằng La, xã Nghĩa Tâm, xã Minh An, thị trấn Sơn Thịnh, thị trấn Nông Trường Trần Phú thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

 

[1] https://yenbai.gov.vn/noidung/tintuc/Pages/chi-tiet-tin-tuc.aspx?ItemID=61&l=DacsanYenBai

[2] https://vnexpress.net/thoi-su/vung-dat-thu-phu-cua-cam-duong-van-chan-3528962.html

[3] http://baoyenbai.com.vn/12/70399/thuong_hieu_cam_van_chan_.htm

https://ipvietnam.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 9
Hôm nay: 1513
Tổng lượt truy cập: 4.057.734
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!