Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Sở hữu trí tuệ

Ngày đăng: 15-02-2023

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Lạng Sơn” cho sản phẩm thạch đen

Ngày 09/02/2023, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 500 /QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00127 cho sản phẩm thạch đen “Lạng Sơn”. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lạng Sơn là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Thạch đen là một sản phẩm nổi tiếng của tỉnh Lạng Sơn. Không có tài liệu nào xác định nguồn gốc của cây thạch đen Lạng Sơn, nhưng từ những năm 70 của thế kỷ trước, cây thạch đen đã được người dân Lạng Sơn nhân rộng từ tự nhiên và phát triển tại ba huyện Tràng Định, huyện Văn Lãng và huyện Bình Gia; và cây thạch đen được coi là cây bản địa, truyền thống, có giá trị kinh tế của địa phương.

Thạch đen Lạng Sơn được thương mại trên từ Bắc tới Nam bằng các loại sản phẩm như thạch đen cây khô, thạch đen ăn liền và bột thạch đen. Ngoài tiêu thụ ở thị trường nội địa, thạch đen cây khô và hoặc bột thạch đen Lạng Sơn còn được xuất khẩu tới nhiều quốc gia bao gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Lào, Malaysia, Ấn Độ, Mỹ và Hàn Quốc.

Theo đánh giá của những người thu gom, cơ sở mua bán và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thạch đen cây khô, thạch đen Lạng Sơn được người thu mua/phân phối thích hơn vì chất lượng khác biệt so với địa phương khác. Đó là hàm lượng trương thạch trong thạch đen Lạng Sơn lớn, tỉ lệ lá trên thành cành cao.

Thạch đen cây khô Lạng Sơn có số lượng lá trên thân cành lớn, độ nhớt lớn khi ngâm. Tỉ lệ lá trên thân cành cao đảm bảo sản phẩm thạch đen ăn liền Lạng Sơn có mùi thơm đặc trưng và vị giòn, dai, tách nước ít. Hàm lượng Pectin trong thạch đen cây khô Lạng Sơn từ 27,86% - 31,06%, trong thạch đen ăn liền Lạng Sơn từ 15,45% - 17,31%. Bột thạch đen Lạng Sơn có hàm lượng Pectin từ 39,75% - 40,60%.

Những tính chất, chất lượng đặc thù của thạch đen Lạng Sơn có được là do mối liên  hệ với điều kiện địa lý tự nhiên và phương pháp sản xuất truyền thống của người dân nơi đây.

Tại Lạng Sơn, cây thạch đen được trồng trên đất có tỷ trọng cát là 53,17 ± 9,95%. Do chứa hàm lượng cát cao nên đất trồng cây thạch đen tại Lạng Sơn có độ xốp lớn, kích cỡ khe hở lớn, giúp đất thấm nước nhanh, thoát nước tốt, độ thoáng khí cao, phù hợp với đặc điểm sinh học của cây thạch đen là cây ưa ẩm, nhưng rất nhạy cảm với úng nước do đặc tính rễ chùm. Hàm lượng Pectin trong cây thạch đen có ảnh hưởng tương quan thuận với hàm lượng canxi (Ca2+) có trong đất. Hàm lượng Ca2+ trong đất trồng thạch đen tại Lạng Sơn là 12,52 ± 4,97 cmol/kg, cao hơn so với Hậu Giang và Lâm Đồng đã lí giải vì sao hàm lượng Pectin trong thạch đen Lạng Sơn cao hơn.

Ngoài điều kiện địa lý tự nhiên đặc thù, tính chất, chất lượng đặc thù của thạch đen Lạng Sơn còn bị ảnh hưởng bởi kỹ năng sản xuất của người dân nơi đây.

Theo đó, với cây thạch đen, tùy điều kiện địa hình mà người dân sử dụng phương pháp canh tác linh hoạt. Cụ thể: với đất nương, người dân trồng thạch ở khu vực ven suối, độ dốc thoải (<25°) do đất ở đây giữ ẩm và thoát nước tốt. Ở ruộng, cây thạch đen được trồng ở khu vực có độ rộng mặt luống khoảng từ 1,0 - 1,5m vì theo kinh nghiệm của người dân, luống rộng hơn khiến cây dễ bị chết, nếu hẹp hơn sẽ tốn công, mất diện tích. Khi đất ruộng bị khô, tiến hành dẫn nước một cách từ từ vào trong ruộng, nước chỉ vừa ngập mặt luống và lưu trong ruộng khoảng từ 2 - 3 tiếng và tháo ngay sau đó vì nếu để lâu hơn, độ ẩm trong đất quá cao, khiến cây bị thối rễ.

Vào thời kì thu hoạch (khoảng từ 110 - 130 ngày sau khi trồng), người dân chỉ tiến hành thu hoạch khi lá ngọn bắt đầu cuốn, tuyệt đối không thu hoạch khi cây đã ra hoa. Khi thu hoạch, người dân sử dụng dao, liềm sắc cắt sát gốc. Thân và lá thạch được rải đều phơi nắng một ngày rồi phủ bạt ủ thành đống từ 1 - 2 ngày. Khi lá thạch chuyển sang màu đen, tiếp tục phơi thêm 1 - 2 ngày nắng cho đến khi khô. Cách thu hoạch này đảm bảo chất lượng của thạch đen cây khô, là nguyên liệu quan trong khi sản xuất thạch đen ăn liền và bột thạch đen, ở mức tốt nhất.   

Quá trình chế biến thạch đen ăn liền được chia làm 2 công đoạn. Trước tiên là chế biến dịch thạch đen nguyên chất bằng cách nấu thạch đen cây khô được thu hoạch tại khu vực địa lý với nước trong khoảng từ 4 - 5 tiếng theo tỷ lệ khoảng 1/12. Sau khi thu được dịch thạch đen nguyên chất, tiếp tục nấu dịch thạch này với phụ gia (đường, bột gạo hoặc bột năng) và nước theo tỷ lệ dịch thạch đen khoảng từ 70 - 80% và phụ gia khoảng từ 20 - 30%, lượng nước sạch khoảng từ 15 - 20 lít. Nấu cho đến khi thạch sánh, dễ rót, màu chuyển màu cánh gián khi nhìn dưới ánh sáng. Kỹ thuật này giúp người nấu thạch tại Lạng Sơn thu được tối đa dịch thạch nguyên chất và tỉ lệ dịch thạch/phụ gia phù hợp sẽ làm cho thạch đông chắc, giòn, dai, tách nước ít, có mùi thơm đặc trưng, vị thanh mát.

Với sản phẩm bột thạch đen, bên cạnh việc đảm bảo nguyên liệu đầu vào là  thạch đen cây khô Lạng Sơn, trong quá trình chế biến, kỹ thuật trích ly lọc bỏ bã để thu hồi dịch thạch (trương thạch) là kỹ thuật quan trọng. Theo đó, tỷ lệ thạch đen cây khô (kg)/nước (lít) khi trích ly là khoảng 1/20. Kinh nghiệm thực tế của người sản xuất cho thấy, khi tăng nước, cấu trúc thạch bở hơn, hình dạng dễ bị biến đổi, màu nhạt, mùi vị giảm và làm hàm lượng pectin trong thạch thấp, không đủ để tạo độ đông, độ giòn và dai; còn khi giảm nước, thạch lại bị tăng độ đắng. Ngoài ra, trong quá trình trích ly, dựa trên kinh nghiệm của những người nấu thạch lâu năm hoặc thiết bị có gắn sẵn trong nồi, nhiệt độ được kiểm soát ở khoảng từ 110 - 115oC là mức nhiệt độ tối ưu. Nhiệt độ cao hơn nhiệt độ tối ưu sẽ làm Pectin bị biến tính, dung dịch trở nên lỏng hơn và giảm độ nhớt. Việc kiểm soát thời gian trích ly (khoảng từ 8 - 10 tiếng) cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng thạch. Kinh nghiệm của người sản xuất bột thạch cho thấy, nếu tăng thêm thời gian trích ly sẽ làm giảm hiệu suất trích ly. Điều này là bởi với điều kiện nhiệt độ cao và thời gian dài, Pectin sẽ bị phân hủy.

Khu vực địa lý: Xã Cao Minh, xã Đoàn Kết, xã Khánh Long, xã Tân Yên, xã Vĩnh Tiến, xã Chi Lăng, xã Đề Thám, xã Đại Đồng, xã Hùng Sơn, xã Kháng Chiến, xã Chí Minh, xã Tân Tiến, xã Kim Đồng, xã Tri Phương, xã Quốc Khánh, xã Đội Cấn, xã Tân Minh, xã Trung Thành, xã Đào Viên, xã Quốc Việt, xã Hùng Việt và thị trấn Thất Khê thuộc huyện Tràng Định; Xã Bắc Hùng, xã Bắc Việt, xã Bắc La, xã Gia Miễn, xã Hoàng Việt, xã Hội Hoan, xã Hồng Thái, xã Thụy Hùng, xã Trùng Khánh, xã Tân Tác, xã Thành Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, xã Tân Mỹ, xã Tân Thanh, xã Thanh Long, xã Nhạc Kỳ và thị trấn Na Sầm thuộc huyện Văn Lãng; Xã Hoàng Văn Thụ, xã Tân Văn, xã Minh Khai, xã Hồng Phong, xã Hồng Thái, xã Bình La, xã Hoa Thám, xã Quý Hòa, xã Vĩnh Yên, xã Hưng Đạo, xã Quang Trung, xã Mông Ân, xã Thiện Thuật, xã Hòa Bình, xã Yên Lỗ, xã Thiện Hòa, xã Tân Hòa, xã Thiện Long và thị trấn Bình Gia thuộc huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn.

https://ipvietnam.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 11
Hôm nay: 1235
Tổng lượt truy cập: 4.057.456
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!