Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Sở hữu trí tuệ

Ngày đăng: 21-09-2023

Xâm phạm bản quyền trên môi trường số: Thách thức lớn với sản phẩm báo chí

Ngoài những thiệt hại về vật chất và uy tín đối với những đơn vị làm báo chân chính, tình trạng xâm phạm bản quyền của các tác phẩm báo chí ngày càng tăng còn thể hiện sự xuống cấp về văn hóa và đạo đức báo chí.

VTVcab từng bị cắt sóng các giải bóng đá lớn do không thể bảo vệ bản quyền. Nguồn: kinhtedothi.vn

VTVcab từng bị cắt sóng các giải bóng đá lớn do không thể bảo vệ bản quyền. Nguồn: kinhtedothi.vn
 

So với các loại hình tác phẩm khác như phim ảnh, âm nhạc…, vấn đề xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực báo chí dường như ít được dư luận quan tâm dù báo chí là "món ăn tinh thần" hằng ngày.

Việc công chúng ít để ý đến bản quyền báo chí bắt nguồn từ thực trạng trước đây, hành vi xâm phạm bản quyền đối với tác phẩm báo chí thường diễn ra giữa những người trong ngành. “Cách đây hai thập kỷ, tình trạng xâm phạm bản quyền báo chí, nếu có, thường diễn ra giữa các cơ quan báo chí với nhau, từ phía ngoài rất ít”, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh cho biết. Tại hội thảo “Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số” do Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam và báo Đại biểu Nhân dân phối hợp tổ chức vào ngày 13/9 vừa qua. Do trước đây chủ yếu phát hành báo giấy, các tờ báo ra sau chỉ có thể sao chép của các tờ báo giấy đã phát hành trước đó rồi nên thiệt hại không đáng kể. Có lẽ vì vậy, nên cách đây mười năm, khi một số tờ báo lớn như của Việt Nam ngồi lại với nhau bàn việc thành lập liên minh, tuyên bố không cho phép các báo lấy lại thông tin đã đăng tải trên các phương tiện của mình. Ông Hiển nhận định: “Chỉ dừng lại ở việc không cho báo khác lấy, có nghĩa là mười năm về trước, việc các báo lấy lại của nhau là điều hiển nhiên”.

Hành vi này không chỉ sai trái về mặt pháp luật, mà còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp. “Xâm phạm bản quyền báo chí giữa những người làm báo thể hiện sự xuống cấp về đạo đức và văn hóa. Bởi lẽ, giá trị cốt lõi của nhà báo và tòa soạn báo chí chính là tính trung thực, chính trực, sự tôn trọng khách quan, sự thật và quyền sở hữu trí tuệ”, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Hội Nhà báo Việt Nam nói.

“Nở rộ” xâm phạm bản quyền báo chí

Sự phát triển của công nghệ thông tin đã thúc đẩy nạn xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực báo chí, không chỉ giới hạn giữa những người trong ngành. Dưới dạng điện tử, các tác phẩm báo chí bị đánh cắp dễ dàng hơn bao giờ hết. “Chỉ cần một tác phẩm báo chí có chất lượng được xuất bản, ngay sau đó, không khó để tìm kiếm các bài viết y hệt về nội dung, hình ảnh trên nhiều trang tin điện tử”, ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập báo Hà Nội Mới, cho biết. Đặc biệt, các đối tượng và hình thức xâm phạm tác phẩm báo chí trên môi trường số rất đa dạng. Một trong những loại hình phổ biến nhất là các tài khoản ảo trên các nền tảng như Facebook, YouTube, TikTok, hoặc các trang tin không có cơ quan chủ quản, không có người chịu trách nhiệm và không có giấy phép hoạt động, thường lấy lại toàn bộ hoặc cắt ghép các bài báo với số lượng lớn, nhằm mục đích thu hút lượng truy cập cao, từ đó đặt quảng cáo thu lợi.

Dù chưa có thống kê chính thức song theo ước tính sơ bộ của các cơ quan chức năng, doanh thu bất hợp pháp từ việc ăn cắp bản quyền có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh những tổn thất về vật chất, hành vi xâm phạm bản quyền còn ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của đơn vị làm báo. “Có những đối tác khi thấy chúng tôi không đảm bảo vấn đề bản quyền thì sẵn sàng cắt sóng của chúng tôi”, ông Nguyễn Thanh Vân, Phó trưởng Ban Kiểm tra, Đài Truyền hình Việt Nam cho biết. Câu chuyện tương tự đã diễn ra cách đây sáu năm, khi giải bóng đá UEFA Champions League (UCL) và UEFA Europa League (UEL) chiếu trên VTVcab đến bán kết thì bỗng dưng bị ngừng. Khán giả Việt Nam không thể xem trận chung kết vì trước đó, nhiều bên đã đăng tải trái phép các clip cắt ghép về các trận đấu thuộc hai giải trên. Những vụ xâm phạm bản quyền như vậy còn khiến Việt Nam bị “mất điểm” trong mắt các đối tác quốc tế, dẫn đến khó khăn trong hợp tác hoặc mua lại bản quyền các tác phẩm để phát hành tại Việt Nam.

Nếu xâm phạm bản quyền trong các loại hình khác chủ yếu ảnh hưởng đến tác giả/chủ sở hữu tác phẩm thì đáng lo ngại hơn, với lĩnh vực báo chí, độc giả và khán giả tiếp nhận thông tin có thể đối mặt với những rủi ro khó lường. Với mục đích thu hút tương tác, các đối tượng xâm phạm thường xào xáo, cắt ghép sao cho thu hút nhiều tương tác, bất chấp sai lệch thông tin. “Trên YouTube hiện nay có rất nhiều trang giả mạo Đài Truyền hình Việt Nam, khán giả rất khó phân biệt. Ngoài việc vi phạm bản quyền, các trang này đã đưa rất nhiều thông tin sai lệch”, ông Nguyễn Thanh Vân kể lại. Thậm chí, “có chương trình của chúng tôi bị họ bắn banner quảng cáo thuốc chữa bệnh xương khớp, khiến bác sĩ trong chương trình đó bị nhiều người hiểu lầm là quảng cáo thuốc vớ vẩn”. Không ít người đã bị lừa, bỏ tiền mua phải những loại thuốc chất lượng kém, dẫn đến “tiền mất tật mang”.

Tích hợp các giải pháp

Trước tình trạng này, liệu các cơ quan báo chí có thể làm gì để tự bảo vệ mình? Có thể thấy, chúng ta có khá đầy đủ các công cụ pháp lý, từ chế tài hành chính, dân sự cho đến hình sự. Khi bị xâm phạm quyền, các tác giả cũng như đơn vị báo chí có thể vận dụng các biện pháp này để yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm và nhận bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, “việc chứng minh có hành vi xâm phạm bản quyền tác giả và đưa ra các căn cứ để yêu cầu bồi thường không hề đơn giản”, bà Trần Thị Khánh Hương, Công ty luật TNHH Pháp lý - Truyền thông Hà Nội, cho biết. Nhất là trên môi trường số, nhiều trang web và tài khoản ảo không có thông tin liên hệ, nên rất khó theo dấu các đối tượng này cũng có thể nhanh chóng trở lại. Mặt khác, “Mức phạt hiện nay chỉ dao động ở khoảng vài chục triệu đồng, quá thấp khiến cho người bị xâm phạm bản quyền thấy không đáng để kiện, bản thân chúng ta thấy không quá nghiêm trọng, lâu dần cách hành xử phạm luật như vậy được coi là bình thường”, ông Nguyễn Đức Hiển nói.

Do vậy, nhiều đơn vị đã chủ động ngăn chặn xâm phạm bản quyền báo chí bằng các biện pháp công nghệ. “Chúng tôi đã đầu tư các hệ thống công nghệ rà quét để biết được bài báo của mình bị những trang nào lấy. Đồng thời, hệ thống này cũng nhận dạng nội dung mà chúng tôi sử dụng có vi phạm bản quyền của bên khác không, vì trước đây, có lần phóng viên của chúng tôi đã sử dụng ảnh không đúng bản quyền. Khi đăng tải lên, một số tờ báo lớn có hệ thống tương tự của chúng tôi sẽ quét và gửi thư cảnh báo tự động, giúp chúng tôi phát hiện ra vi phạm bản quyền ngay chính trong cơ quan của mình”, ông Nguyễn Văn Bá, Tổng Biên tập báo VietNamNet chia sẻ.

Trên thực tế, không phải đơn vị nào cũng đủ nguồn lực để đầu tư một hệ thống như vậy. Để khắc phục vấn đề này, Hội Truyền thông số Việt Nam đã đề xuất giải pháp trục bản quyền số. “Đây là một hệ thống hỗ trợ từ đăng kí bản quyền, phát hiện và cảnh báo vi phạm cho các chủ sở hữu nội dung số”, ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số (Hội Truyền thông số Việt Nam) cho biết. Nếu muốn tham gia trục bản quyền số, các đơn vị chỉ cần đăng ký tài khoản tại banquyenso.org.vn, sau đó có thể lựa chọn các gói dịch vụ hỗ trợ theo nhu cầu. Bao gồm dịch vụ đăng kí bản quyền giúp hỗ trợ chuẩn hóa tài liệu hồ sơ trong quá trình đăng kí; kiểm duyệt nội dung tự động; lưu trữ nội dung số lâu dài, tránh rủi ro bảo mật cũng như mất mát trong quá trình sở hữu bản quyền; ứng dụng công nghệ trong bảo vệ và phát hiện vi phạm; phân phối nội dung số tự động; truyền thông nội dung số; hỗ trợ tư vấn pháp lý từ đăng kí đến hoạt động bảo vệ và tranh chấp bản quyền; báo cáo vi phạm bản quyền”.

Một giải pháp khác mà chúng ta nên quan tâm là việc chặn dòng tiền quảng cáo của các đơn vị xâm phạm bản quyền. “Tôi nghĩ chúng ta nên quan tâm đến khía cạnh kinh tế”, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông cho biết. “Thứ nhất, nguồn nuôi những trang vi phạm bản quyền là quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo cho các dịch vụ phi pháp. Do vậy, cách tốt nhất là cắt dòng tiền quảng cáo. Chúng ta có thể lập danh mục các nhà quảng cáo, trang quảng cáo nào dùng nhiều sản phẩm vi phạm bản quyền để theo dõi và ngăn chặn. Ở khía cạnh thứ hai về mặt kinh tế, tôi nghĩ các cơ quan báo chí cần sử dụng các thiết chế tập thể để đại diện cho quyền lợi của mình, tương tự như các tổ chức đại diện tập thể trong lĩnh vực âm nhạc. Điều này sẽ giúp tiết kiệm thời gian, công sức lại hiệu quả hơn so với việc các đơn vị báo chí tự làm một cách riêng lẻ”.

https://khoahocphattrien.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 18
Hôm nay: 20206
Tổng lượt truy cập: 3.599.803
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!