Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Sở hữu trí tuệ

Ngày đăng: 11-12-2023

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm quả chôm chôm

Ngày 28/11/2023, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 1172/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00131 cho sản phẩm quả chôm chôm“Bến Tre”. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Bến Tre là tỉnh có thế mạnh phát triển nhiều loại trái cây đặc sản, vì thế từ năm 2001, tỉnh Bến Tre đã tổ chức lễ hội đặc sản trái cây và tổ chức thường niên 1 lần/năm. Một trong những sản phẩm chủ lực góp phần tạo nên thành công của lễ hội là quả chôm chôm Bến Tre.

Lịch sử cây chôm chôm tại Bến Tre là một quá trình lâu dài. Từ năm 1912-1975, quận Chợ Lách tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) đã trồng khoảng 300 ha cây chôm chôm. Từ năm 1987, tỉnh Bến Tre phát triển mạnh diện tích trồng cây chôm chôm với giống chủ lực là giống Java.

So với các loại chôm chôm giống Java trên thị trường Việt Nam (Chôm chôm Long Khánh - Đồng Nai, chôm chôm Cai Lậy - Tiền Giang), chôm chôm Bến Tre được các tác nhân thương mại phân biệt bởi các đặc thù cảm quan là cùi (thịt) quả mỏng (độ dày cùi quả từ 5,73 - 7,35 mm), quả ngọt đậm và có vị mặn nhẹ (tỉ lệ Sodium (Na) từ 0,58 - 1,02 %).

 Đặc thù sản phẩm này có mối quan hệ với điều kiện địa lý. Cụ thể là khác với vùng Đông Nam Bộ trồng chôm chôm trên đất đỏ bazan, cây chôm chôm của tỉnh Bến Tre được trồng trên đất phù sa bồi đắp bị nhiễm mặn nhẹ do ảnh hưởng của hệ thống sông Mekong lấn ra biển hàng năm và đồng thời chịu ảnh hưởng của hiện tượng nước mặn xâm nhập. Từ năm 2019, Bến Tre đã xây dựng một số công trình ngăn mặn nhưng về cơ bản đất trồng chôm chôm Bến Tre vẫn bị nhiễm mặn nhẹ. Đặc điểm địa lý này đã đem lại đặc thù cùi quả chôm chôm Bến Tre mỏng hơn, vị quả ngọt đậm và mặn nhẹ.

Tính chất, chất lượng đặc thù của chôm chôm Bến Tre ngoài chịu ảnh hưởng của đặc thù về điều kiện địa lý tự nhiên, còn chịu ảnh hưởng của phương pháp sản xuất.

Tỉnh Bến Tre vốn được mệnh danh là “Vương quốc trái cây”, là nơi lai tạo và sản xuất ra được những giống cây ăn trái nổi tiếng của Việt Nam như: chôm chôm, bưởi da xanh, xoài tứ quý…Việc chủ động được nguồn giống (giống chôm chôm Java) và là tỉnh đầu tiên xử lý được ra hoa trái vụ đã giúp những người nông dân trồng chôm chôm tại Bến Tre có nhiều cơ hội lựa chọn giống tốt và thuần thục trong kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ, nhờ đó chất lượng sản phẩm luôn ổn định, cây cho trái quanh năm.

Khu vực địa lý gồm:

- Các xã: Phú Phụng, Vĩnh Bình, Sơn Định, Hòa Nghĩa, Long Thới, Vĩnh Thành thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre;

- Các xã: Tân Phú, Tiên Long, Tiên Thủy, Phú Đức, Phú Túc, Thành Triệu thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. 

https://ipvietnam.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 24
Hôm nay: 1894
Tổng lượt truy cập: 4.055.814
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!