Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Sở hữu trí tuệ

Ngày đăng: 30-01-2024

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm Hoàng mai (mai vàng)

Ngày 18/01/2024, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 10/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00134 cho sản phẩm Hoàng mai “Huế”. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Hoàng mai Huế đã có nguồn gốc từ hàng trăm năm và được ghi nhận trong nhiều tài liệu ghi chép về lịch sử. Trong Đại Nam nhất thống chí, phần Loại hoa (Thổ sản) ở Kinh sư (Huế) viết: Hoa Hoàng mai, tục gọi là bông mai vàng, bản thảo chép là Lạp mai. Sự tích về hoa mai đã được thêu dệt từ thời Thái Tổ Nguyễn Hoàng vào Ô Châu ác địa năm 1558, còn thú thưởng ngoạn mai vàng có thể đã xuất hiện ở Huế hơn 700 năm cùng lúc với sự ra đời của Thuận Hóa. Cuốn “Trang trí trên áo lễ phục cung đình của Triều Nguyễn giai đoạn 1802-1945” đã ghi nhận hình ảnh mai vàng năm cánh là họa tiết trang trí phổ biến trên áo lễ phục cung đình. Bên cạnh đó, Hoàng mai Huế còn được ghi nhận bằng hình ảnh trên các công trình kiến trúc tại Huế, gắn với các địa danh lịch sử tâm linh. Với cốt cách cao sang, Hoàng mai giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa Huế. 

Hoàng mai Huế đều có có đặc thù là lộc xanh, cành lộc (dăm chi) dày, hoa có cuống ngắn, 05 cánh hoa màu vàng đậm, viền cánh lượn sóng, mặt phẳng, các cánh xếp khít, chồng lên nhau và có mùi thơm dịu nhẹ đặc trưng.

Hoàng mai Huế có được đặc thù và danh tiếng như vậy là nhờ điều kiện địa lý tự nhiên và kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc của người dân địa phương. 

Nằm trong vành đai nhiệt đới bắc bán cầu, được thừa hưởng một chế độ bức xạ dồi dào nên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có một nền nhiệt độ cao, phù hợp cho cây Hoàng mai sinh trưởng và phát triển. Nếu như vào các tháng 6, 7, 8 (các tháng hình thành mầm hoa mai) ở khu vực phía Bắc (Yên Tử) và khu vực phía Nam (Vĩnh Long) là thời kỳ mưa, thì ở Thừa Thiên Huế lại là một thời kỳ khô nóng. Nắng nhiều, nhiệt độ cao giúp quá trình chuyển hóa hydrat cacbon diễn ra mạnh mẽ nên cây rất dễ phân hóa mầm hoa. Khi gặp những cơn mưa đầu mùa, quá trình tăng trưởng mầm hoa để hình thành nụ hoa diễn ra thuận lợi. 

Tại khu vực địa lý, cây mai vàng được trồng trên đất có thành phần cơ giới nhẹ, cấp hạt cát chiếm ưu thế nên đất dễ thoát nước, phù hợp với đặc điểm sinh học của cây mai vàng là cây nhạy cảm với úng nước, cần đất tơi xốp. Đất trồng mai rất giàu mùn do người dân lấy đất phù sa từ các lưu vực sông trong tỉnh và đất được phối trộn hoặc bón với hàm lượng phân hữu cơ cao. Hàm lượng mùn cao giúp cải thiện độ thoát nước của đất và giữ nước cho cây, đồng thời cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cây, đặc biệt là sự phát triển của cành lộc, làm cho cành lộc dày hơn (dăm chi dày). So với đất trồng mai vàng của tỉnh Vĩnh Long, hàm lượng Kali dễ tiêu trong trồng Hoàng mai Huế cao hơn, nhờ đó chất lượng hoa Hoàng mai Huế được đảm bảo duy trì các đặc thù về màu sắc và hương thơm. Bên cạnh đó, khi so sánh với tỉnh Bình Định và tỉnh Vĩnh Long, hàm lượng sắt trong đất trồng mai tại Thừa Thiên Huế thấp hơn. Lưu huỳnh có ý nghĩa trong việc tăng mùi thơm cho hoa nên Hoàng mai Huế khi được trồng trên đất Huế có hương thơm dịu nhẹ đặc trưng.

Tính chất, chất lượng đặc thù của Hoàng mai Huế ngoài ảnh hưởng của điều kiện địa lý tự nhiên, còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố kĩ thuật có tính ổn định. Để đảm bảo đặc thù của Hoàng mai Huế, người trồng mai tại khu vực địa lý lựa chọn cây giống Hoàng mai thuần chủng từ cây mai mẹ có sức sống tốt, nhân giống bằng hạt được diễn ra tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Người trồng Hoàng mai Huế rất cẩn trọng trong việc chuẩn bị đất trồng mai. Theo đó, Hoàng mai Huế dù trồng vườn hay trồng chậu đều phải giữ khoảng cách với các giống mai khác (nếu có) để tránh hiện tượng thụ phấn chéo tự nhiên làm ảnh hưởng các đặc tính của Hoàng mai Huế.

Với các cây Hoàng mai trồng chậu, điểm đặc biệt ở Thừa Thiên Huế là tỉ lệ phối trộn khác biệt hoàn toàn với tỉ lệ cát được phối trộn rất lớn (30% cát). Đây là do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của khu vực địa lý với lượng mưa nhiều gấp khoảng 3 lần lượng mưa của Vĩnh Long và gấp khoảng 2 lần lượng mưa của Yên Tử nên người trồng mai phải trộn cát nhiều để giúp thoát nước tốt.

Hoàng mai Huế thường có tốc độ phát triển chậm hơn so với mai vàng của các địa phương khác (Bình Định, Vĩnh Long) (cây Hoàng mai Huế 5 năm tuổi thường chỉ bằng cây mai vàng 5 cánh 02 tuổi của các địa phương khác). Chính vì thế, việc cắt tỉa cành của người trồng mai ở Huế chỉ ở mức cắt tỉa những phần vượt dáng thế đã tạo so với việc cắt tỉa từ 1/3 đến 1/2 số cành tán của người trồng mai vàng Vĩnh Long và Bình Định. Biện pháp cắt tỉa này một mặt để giữ dáng thế của Hoàng mai Huế, mặt khác cũng đảm bảo các đặc tính về hoa của Hoàng mai Huế và dăm chi nhiều. 

Khác với các địa phương khác, việc sử dụng phân NPK vô cơ khá phổ biến thì ở tỉnh Thừa Thiên Huế, người trồng mai hạn chế sử dụng phân vô cơ để giữ gìn cây và giữ gìn đất. Người trồng và kinh doanh Hoàng mai Huế thường sử dụng phân hữu cơ để bón cho mai, đặc biệt là giai đoạn cây bắt đầu hình thành mầm hoa và ra nụ (từ tháng 6 đến tháng 9 âm lịch). Tại khu vực địa lý, có 3 giai đoạn cây mai vàng cần chú trọng bón phân, cụ thể: lần 1 vào khoảng đầu tháng 2 âm lịch với phân hữu cơ có hàm lượng đạm cao; lần 2 khoảng tháng 6 - 7 âm lịch với phân hữu có có hàm lượng lượng lân cao; lần 3 khoảng tháng 9-10 âm lịch với phân hữu cơ có hàm lượng kali cao. 

Việc điều tiết nở hoa theo ý muốn của người Huế chỉ thực hiện theo kỹ thuật thủ công không dùng các loại thuốc kích thích ra hoa. Theo đó, tiến hành tuốt/vặt toàn bộ lá trong 01-03 ngày vào khoảng thời gian từ 30 đến 45 ngày trước Tết âm lịch tùy theo quan sát thời tiết (nắng, mưa, ấm, lạnh) và tình trạng cây mai (cây có nụ chưa căng dầy thì vặt sớm hơn vài ngày, nếu nụ hoa căng cứng muốn bung vỏ lụa thì vặt chậm lại vài ngày) để Hoàng mai nở hoa đồng đều đúng dịp Tết và đảm bảo các đặc thù sản phẩm. Thời gian tuốt/vặt lá của người trồng mai Huế cũng khác với các địa phương khác như Vĩnh Long, Bình Định, thường vặt lá trước 20 ngày.

Sự kết hợp giữa các yếu tố tự nhiên và phương thức sản xuất lâu đời đã tạo nên danh tiếng, đặc thù của Hoàng mai Huế. 

Khu vực địa lý bao gồm: Thành phố Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, huyện A Lưới, huyện Nam Đông, huyện Phong Điền, huyện Phú Lộc, huyện Phú Vang, huyện Quảng Điền thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.

https://most.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 10
Hôm nay: 437
Tổng lượt truy cập: 3.950.456
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!