Xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt 53,01 tỷ USD với 6 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỷ USD, gồm: rau quả, gạo, tôm, hạt điều, cà-phê, gỗ và sản phẩm gỗ. Tuy nhiên, 80% sản lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có lô-gô, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Gạo “Cơm ViệtNam Rice” lên kệ chuỗi siêu thị của tập đoàn phân phối bán lẻ hàng đầu nước Pháp E.leclerc và hệ thống phân phối Carrefour. (Ảnh MINH AN)
Chủ trương xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam đã được cụ thể hóa trong các nghị quyết, chiến lược ở cấp quốc gia và chương trình, đề án ở cấp bộ, ngành nhưng thực tế triển khai vẫn còn những vướng mắc và bất cập.
Chính sách nhiều, hiệu quả chưa cao
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bên cạnh một số chiến lược, chương trình liên quan đến xây dựng, phát triển thương hiệu nói chung được Chính phủ ban hành, thì đối với xây dựng thương hiệu nông sản, hiện đã có một số sản phẩm chủ lực được quan tâm xây dựng thương hiệu ở cấp quốc gia.
Cụ thể như sản phẩm gạo, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 nhằm định vị giá trị, hình ảnh sản phẩm gạo Việt Nam, nâng cao nhận biết của các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm gạo Việt Nam. Sản phẩm cà-phê đã được phê duyệt là sản phẩm quốc gia theo Quyết định số 787/QĐ-TTg ngày 5/6/2017 thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020. Theo đó, sẽ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận quốc gia “Cà-phê Việt Nam chất lượng cao” làm cơ sở để xây dựng thương hiệu cho ngành cà-phê Việt Nam.
Chủ trương xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam đã được cụ thể hóa trong các nghị quyết, chiến lược ở cấp quốc gia và chương trình, đề án ở cấp bộ, ngành nhưng thực tế triển khai vẫn còn những vướng mắc và bất cập/
Ngoài chủ trương, chính sách ở cấp quốc gia, xây dựng thương hiệu nông sản đã được đưa vào các chủ trương, chính sách, chương trình, đề án ở cấp bộ, ngành. Bộ Công thương đã xây dựng “Đề án phát triển thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, tập trung vào 9 phân ngành tiên phong, gồm: Lương thực, thủy sản, điều, chè, cà-phê, tiêu, rau quả, dừa, mật ong. Xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chú trọng, quan tâm, lồng ghép trong hầu hết các chính sách về phát triển nông nghiệp nông thôn hiện nay.
Viện trưởng Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Trần Công Thắng cho biết: Vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản quốc gia mặc dù được đề cập trong hầu hết các chính sách hiện nay về phát triển nông nghiệp nông thôn, nhưng nội dung còn khá chung chung, thiếu kế hoạch, thiếu chiến lược tổng thể thực hiện. Hiện mới chỉ có 2 sản phẩm trong tổng số 13 sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia đã được đăng ký bảo hộ, là: nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” và nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Việt Nam”. Các sản phẩm còn lại như cà-phê, tôm, cá tra... mới đang trong quá trình xây dựng.
“Tuy nhiên, ngay cả đối với sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ thì việc áp dụng vào thực tế cũng còn nhiều vướng mắc. Từ tháng 10/2021, nhãn hiệu chứng nhận Gạo Việt Nam/VIETNAM RICE đã được bảo hộ tại 22 quốc gia; trong đó 3 quốc gia bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận và 19 quốc gia bảo hộ nhãn hiệu thông thường. Mặc dù đã được bảo hộ trong nước và một số quốc gia khác nhưng cho đến nay nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Việt Nam” lại chưa được cấp cho bất cứ doanh nghiệp nào sử dụng trong sản xuất và thương mại sản phẩm vì còn vướng mắc về cơ sở pháp lý quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Trong khi đó, việc đăng ký/gia hạn bảo hộ ra nước ngoài gặp khó khăn do thiếu kinh phí đăng ký và duy trì” - ông Trần Công Thắng thông tin thêm.
Cơ chế hỗ trợ phát triển thương hiệu nông sản
Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, thương hiệu nông sản Việt Nam đang dần chứng minh vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Việt Nam đã là thành viên của Thỏa ước và Nghị định thư Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu, giúp doanh nghiệp có thể bảo hộ nhãn hiệu ở hơn 100 nước thành viên thuận lợi và hiệu quả.
Thời gian qua, cũng đã hình thành được các doanh nghiệp, tập đoàn có năng lực quản trị, tài chính, có kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và gìn giữ thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế, như: TH True Milk, Vinamilk, Trung Nguyên... Nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã tích cực, chủ động đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu nông sản. Tuy nhiên, việc phát triển các thương hiệu mạnh ở cả 3 nhóm sản phẩm quốc gia, vùng và địa phương đều còn hạn chế. Vì vậy, việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thương hiệu nông sản bảo đảm phù hợp với các chủ trương, chính sách, cơ sở pháp lý liên quan là điều rất cần thiết.
Theo kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp khuyến khích phát triển tài sản trí tuệ và thương hiệu cho các sản phẩm, nông sản trong cả nước; Xây dựng hành lang pháp lý quy định cụ thể về việc sử dụng và quản lý tên quốc gia (“Việt Nam” hoặc tương đương). Đặc biệt, có cơ chế hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ ở trong và ngoài nước đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của địa phương và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP. Các đơn vị liên quan cần xây dựng, triển khai hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể gắn với đăng ký mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng và xác thực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ.
Về lâu dài, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, phải có nghị định đủ cơ sở pháp lý để quản lý thương hiệu. Do đó, Bộ sẽ chỉ đạo và phối hợp với các đơn vị chức năng đề xuất với Chính phủ xây dựng Nghị định về Thương hiệu nông sản, trong đó tập trung vào xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển thương hiệu nông sản, như: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu ở trong và ngoài nước; Chính sách hỗ trợ các hoạt động truyền thông, quảng bá thương hiệu nông sản; Hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các hiệp hội trong việc xây dựng, quản trị và bảo vệ thương hiệu nông sản quốc gia; Hỗ trợ kinh phí thực hiện các chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 3/2024, đã có 137 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam, trong đó có 124 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 13 chỉ dẫn địa lý nước ngoài. Nước mắm Phú Quốc là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ tại Liên minh châu Âu (EU). Hiện có 39 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ theo cơ chế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); 3 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Thái Lan (chè Shan Tuyết Mộc Châu, cà-phê Buôn Ma Thuột, quế Văn Yên) và 2 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại thị trường Nhật Bản (vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận).
https://nhandan.vn/