Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Sở hữu trí tuệ

Ngày đăng: 10-04-2024

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP địa phương

Đến hết tháng 12/2023, đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; trong đó nhiều sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao, 5 sao… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế, giải pháp hỗ trợ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; đặc biệt là cho các nhóm chủ thể doanh nghiệp và nhóm sản phẩm chủ lực, đặc thù, sản phẩm OCOP địa phương.

Ảnh minh họa. Nguồn: TL 

Bảo hộ SHTT sản phẩm OCOP còn gặp khó khăn

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, sở hữu trí tuệ (SHTT) đang ngày càng đóng vai trò quan trọng, bảo đảm môi trường đầu tư, duy trì lợi thế cạnh tranh và bảo vệ lợi ích quốc gia, địa phương.

Thời gian qua nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến thúc đẩy việc tạo dựng, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) cũng đã được Đảng, Chính phủ ban hành. Các chủ trương của Đảng và các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý nhằm khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy việc tạo ra tài sản trí tuệ, quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển cơ bản đầy đủ từ trung ương tới địa phương.

Theo báo cáo của Cục SHTT, tính đến tháng 2/2023, có 137 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam, bao gồm 13 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài, 124 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.

Ngoài ra, tính đến hết tháng 12/2023, đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Theo đó, đã có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 2.189 sản phẩm so với tháng 12/2022), trong đó 68,9% sản phẩm 3 sao, 29,9% sản phẩm 4 sao, 42 sản phẩm 5 sao, còn lại là tiềm năng 5 sao.

Thống kê cũng cho thấy có 5.724 chủ thể OCOP, trong đó có 37,5% là HTX, 24,4% là doanh nghiệp, 35,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

Đặc biệt, thống kê từ 27 địa phương có công văn gửi Cục SHTT cho thấy, có 978 sản phẩm được công nhận 4 sao, trong đó 62% sản phẩm đã được bảo hộ quyền SHTT, các sản phẩm còn lại đều đã nộp đơn đăng ký tại Cục.

Mặc dù đạt kết quả nhất định, tuy nhiên theo ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng Cục SHTT, hiện Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm chế biến được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, chủ yếu là sản phẩm hoa quả, chiếm 35% tổng số chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, thủy sản 14%, dược liệu 10%, sản phẩm từ cây công nghiệp 10%, gạo 9%. Quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ, chủ yếu là địa danh và khu vực địa lý cấp huyện, xã, chiếm khoảng 65% chỉ dẫn địa lý được bảo hộ..

TS. Đào Đức Huấn, Trưởng phòng Quản lý OCOP và Du lịch nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cũng cho biết, hiện nay việc bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm OCOP vẫn còn gặp khó khăn như: Nhận thức, sự quan tâm và năng lực của chủ thể OCOP về sở hữu trí tuệ vẫn còn hạn chế; thời gian đăng ký nhãn hiệu còn dài, khó khăn cho các chủ thể trong việc nâng hạng sản phẩm OCOP; việc phát triển sản phẩm OCOP chưa được quan tâm, lồng ghép gắn với các nhiệm vụ, đề tài về hỗ trợ phát triển sở hữu trí tuệ… Ngoài ra, các cán bộ quản lý tham gia hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP chưa đáp ứng được hết các yêu cầu của thực tiễn, dẫn đến dễ dàng trong chứng nhận các sản phẩm OCOP 4 sao...

Để triển khai tốt các hoạt động trên, ông Lê Huy Anh cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, giải pháp hỗ trợ thúc đẩy tạo ra tài sản trí tuệ, đặc biệt là cho các nhóm chủ thể doanh nghiệp và nhóm sản phẩm chủ lực, đặc thù, sản phẩm OCOP địa phương; tăng cường hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm chủ lực ra nước ngoài; nghiên cứu xây dựng mô hình sàn giao dịch, đầu tư tài chính khai thác và phát triển tài sản trí tuệ.

Đặc biệt, cần tập trung vào các việc hỗ trợ đăng ký bảo hộ trong nước cho 267 sản phẩm 3 sao để làm căn cứ lập hồ sơ đăng ký, xét phân hạng 4 sao cấp tỉnh; hỗ trợ đăng ký bảo hộ ở nước ngoài cho 135 sản phẩm đã được công nhận 4 và 5 sao, là các sản phẩm đã và đang được xuất khẩu ra nước ngoài, các quốc gia đề nghị đăng ký bảo hộ nhiều nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu.

Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp có ý nghĩa quan trọng tại địa phương

Theo ông Nguyễn Quốc Hà, Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội, Hà Nội xác định triển khai công tác quản lý nhà nước về SHTT phải đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Tính đến nay, Hà Nội đã có 198/307 sản phẩm OCOP của cộng đồng được hỗ trợ bảo hộ, đạt 64,5% (mục tiêu đề ra là 40%). Thành phố đã triển khai 73 nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ (1 nhiệm vụ chỉ dẫn địa lý, 12 nhiệm vụ nhãn hiệu chứng nhận và 60 nhiệm vụ đăng ký nhãn hiệu tập thể).

Năm 2023, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tại Hà Nội là 17.539. Số lượng chứng nhận sở hữu công nghiệp đã được cấp là 9.338.

Nhờ sự năng động và tích cực đó, năm 2023, Hà Nội được đánh giá là địa phương đi đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo, trong đó dẫn đầu 3/7 trụ cột đổi mới sáng tạo địa phương, gồm: Vốn con người, trình độ phát triển thị trường, sản phẩm tri thức sáng tạo.

Ông Nguyễn Quốc Hà cũng đề nghị Bộ KH&CN tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn và xây dựng cơ chế, chính sách về định giá tài sản trí tuệ, bởi đây là một những yếu tố quan trọng của quá trình thương mại hóa và chuyển giao công nghệ, tài sản trí tuệ. Đồng thời tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp, tăng cường phối hợp với địa phương trong xử lý xâm phạm quyền SHTT...

Ảnh minh họa. Nguồn: TL 

Từ thực tiễn địa phương, đại diện Sở KH&CN tỉnh Bình Định cho biết, thời gian qua tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều Nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch… để thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh.

Đáng chú ý, tỉnh Bình Định vừa xác lập thành công chỉ dẫn địa lý “Bình Định” cho sản phẩm mai vàng của tỉnh và đã có 66 nhãn hiệu cộng đồng gắn với chỉ dẫn địa danh được đăng ký bảo hộ (35 nhãn hiệu chứng nhận và 31 nhãn hiệu tập thể).

Tính đến nay toàn tỉnh có 33 đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích (chiếm 1,3% tổng số đơn nộp), đã được cấp 03 bằng độc quyền sáng chế và 03 bằng độc quyền giải pháp hữu ích; có 85 đơn đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp (chiếm 3,3% tổng số đơn nộp), đã được cấp 46 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp; có 2460 đơn đăng ký nhãn hiệu (chiếm 95,4% tổng số đơn nộp), đã được cấp 1470 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Điều đó cho thấy công tác xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng được chú trọng. Các tổ chức, cá nhân có sự quan tâm đến việc bảo hộ các thành quả lao động sáng tạo do mình tạo ra qua việc đăng ký bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích.

Để tăng cường có hiệu quả của công tác thực thi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở KH&CN sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án về sở hữu trí tuệ từ Trung ương đến địa phương để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng về tôn trọng quyền SHCN, chấp hành quy định của Luật sở hữu trí tuệ.

Đồng thời, tăng cường hoạt động phối hợp, trao đổi, chia sẻ, cung cấp thông tin trong hệ thống thực thi quyền SHCN. Trong đó, bên cạnh việc tăng cường phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền thực thi quyền, thì việc tăng cường sự phối hợp giữa chủ thể quyền với cơ quan thực thi, các tổ chức quản lý tập thể, tổ chức nghề nghiệp, hiệp hội, người tiêu dùng là yêu cầu cần thiết./.

https://dangcongsan.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 18
Hôm nay: 13453
Tổng lượt truy cập: 3.593.049
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!