Nghiên cứu chính sách, mô hình Quỹ Chất lượng Dịch vụ (QSF) của UPU và đề xuất khai thác hiệu quả cho Việt Nam
Đại hội UPU lần thứ 22 tổ chức tại Bắc Kinh năm 1999 đã thông qua việc thành lập Quỹ hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ (Quality Service Fund - QSF). Quỹ này do các nước phát triển (ICs) đóng góp một phần tiền thanh toán cước đầu cuối mà các nước này trả cho các nước kém phát triển (LDCs) và đang phát triển (DCs) (tỷ lệ này được thay đổi qua các kỳ Đại hội). Quỹ QSF đi vào hoạt động từ năm 2001 và đã mang lại hiệu quả nhất định cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nhiều đề án sử dụng quỹ này đã giúp các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển cải thiện chất lượng dịch vụ và phát triển mạng lưới.
Sau hơn 15 năm hoạt động của Quỹ QSF từ 2001-2016, Văn phòng Quốc tế UPU đã có tổng kết và đánh giá về hiệu quả triển khai các dự án QSF của các nước thành viên. Nhằm tối ưu hóa, đơn giản hóa các quy trình thủ tục, các quy định của Quỹ QSF, cũng như hỗ trợ việc xây dựng, giám sát và đánh giá hiệu quả triển khai các dự án QSF, tại Đại hội UPU lần thứ 26 năm 2016 UPU đã thông qua nghị quyết Đại hội số C9/2016 về Quỹ Chất lượng Dịch vụ gia hạn thêm hoạt động của Quỹ này tới năm 2028, đảm bảo nguồn kinh phí cho các hoạt động của Quỹ trong thời gian tới phù hợp với các mục tiêu của Chiến lược Bưu chính Thế giới Istanbul, thành lập một quỹ mới (Common Fund) nhằm tập trung kinh phí cho phát triển các dự án khu vực và toàn cầu và một số dự án quốc gia trọng điểm nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài chính hiện có của QSF. Trong thời gian qua, UPU đã cho rà soát đánh giá các ảnh hưởng cũng như đề xuất một quy chế hoạt động mới của QSF trên tinh thần Nghị quyết C9/2016 của Đại hội.
Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác được hưởng thụ số tiền của Quỹ QSF tính theo phần trăm thanh toán cước đầu cuối trên cơ sở lưu lượng trao đổi với các nước phát triển (theo các bản kế toán CN 61/64 và CN 64bis). Số tiền được hưởng phải sử dụng vào mục đích nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính với các tiêu chí do UPU đặt ra và phải thông qua việc xây dựng các đề xuất dự án trình Hội đồng Giám hộ Quỹ phê duyệt. Trường hợp không xây dựng đề án hoặc đề án không phù hợp với mục tiêu của UPU thì sẽ không được duyệt và điều 8 này có nghĩa là số tiền mà mình được quyền thụ hưởng sẽ do UPU sử dụng cho các mục đích khác và đưa vào để sử dụng cho các đề xuất dự án khu vực và toàn cầu. Tổng công ty Bưu điện Việt Nam - doanh nghiệp bưu chính được chỉ định duy nhất của Việt Nam trong UPU là cơ quan được thụ hưởng trực tiếp từ nguồn quỹ QSF.
Trong giai đoạn 2017-2020 và tới năm 2028 khi Quỹ này dừng hoạt động Việt Nam cần xem xét, rà soát và sử dụng hiệu quả nhất nguồn thụ hưởng của Việt Nam trong Quỹ này để xây dựng các đề xuất dự án quốc gia và tham gia vào các dự án quốc tế và khu vực. Vì vậy, việc nghiên cứu các báo cáo đánh giá hoạt động của UPU về Quỹ QSF trong giai đoạn 15 năm qua từ năm 2001 - 2016, nội dung các quy định và chính sách mới của UPU về QSF trong giai đoạn 2017-2020, rà soát, đánh giá việc triển khai các dự án QSF của Việt Nam trong giai đoạn qua là rất cần thiết và có tính thực tiễn cao. Trên cơ sở đó, đề xuất các hoạt động và hướng xây dựng các đề án QSF của Việt Nam trong giai đoạn 2017-2020 để triển khai hiệu quả nguồn thụ hưởng của Việt Nam từ Quỹ QSF của UPU.
Với lý do trên, Cơ quan chủ trì Vụ Hợp tác Quốc tế cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Đặng Thị Thùy thực hiện “Nghiên cứu chính sách, mô hình Quỹ Chất lượng Dịch vụ (QSF) của UPU và đề xuất khai thác hiệu quả cho Việt Nam” với mục tiêu: Nghiên cứu tổng quan về Quỹ Chất lượng Dịch vụ (QSF) của UPU, cơ sở pháp lý và quy chế hoạt động; Nghiên cứu, báo cáo đánh giá của UPU về các hoạt động của QSF trong giai đoạn 2001-2016; Nghiên cứu chính sách của UPU về QSF trong giai đoạn 2017-2020 và các quy định mới của UPU về Quỹ Chung QSF; Nghiên cứu, khảo sát và đánh giá việc triển khai các dự án QSF của Việt Nam đã và đang triển khai trong thời gian qua; Đề xuất các hoạt động và hướng xây dựng các đề xuất dự án QSF của Việt Nam trong giai đoạn 2017-2020 để triển khai hiệu quả hỗ trợ của UPU cho Việt Nam.
Mục đích của Quỹ QSF là nhằm nâng cao và cải thiện chất lượng dịch vụ bưu chính quốc tế ở các nước đang phát triển và kém phát triển trong giai đoạn chuyển tiếp cho tới khi Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) quyết định áp dụng thống nhất một hệ thống cước đầu cuối mới dựa trên chi phí thực tế của bưu chính mỗi nước trong quá trình xử lý và chuyển phát bưu phẩm chiều đến. Đây là một sáng kiến của UPU nhằm mang lại lợi ích không chỉ cho các nước đang phát triển mà cả các nước phát triển và có tác động rất lớn nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính toàn cầu.
Nguồn chính của Quỹ QSF là khoản đóng góp theo tỷ lệ phần theo quy định của mức cước đầu cuối mà các nước phát triển - ICs trả cho các nước đang phát triển - DCs, kém phát triển - LDCs; các nước phát triển - ICs, các nước NCC và các nước đang phát triển - DCs trả cho các nước kém phát triển - LDCs. Quỹ QSF ra đời chính là một nguồn hỗ trợ về tài chính giúp các nước đang phát triển và kém phát triển hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của mình và nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính.
Quỹ QSF được sử dụng để cung cấp tài chính cho các dự án QSF thuộc 6 lĩnh vực sau (giai đoạn từ 2001-2016): Tiếp cận dịch vụ; Tốc độ và sự tin cậy; An toàn; Trách nhiệm và việc xử lý các khiếu nại; Hài lòng khách hàng; Xây dựng và thực hiện hệ thống tính toán chí phí và giá thành. Mục đích chính của Quỹ QSF trong giai đoạn 2001-2016 là nâng cao chất lượng dịch vụ bưu phẩm, tuy nhiên các dự án cũng có thể bao gồm các loại khác của bưu phẩm quốc tế nằm trong trách nhiệm dịch vụ phổ cập. Trong các giai đoạn tiếp theo từ 1/1/2018 về sau các tiêu chí xây dựng dự án được mở rộng thêm đối với chuỗi cung ứng, thương mại điện 12 tử và tập trung cho các dự án ở cấp khu vực và toàn cầu (theo quyết định tại Đại hội UPU 2016).
Quỹ Chất lượng Dịch vụ là một hoạt động có ý nghĩa rất thiết thực, không chỉ là cơ hội cho các nước đang phát triển xây dựng các dự án làm tăng cao tính hiệu quả của mạng lưới bưu chính toàn cầu mà cũng mang lại nhiều lợi ích cho các nước phát triển trong việc cải thiện dịch vụ bưu chính quốc tế gửi tới các nước đang phát triển. Đồng thời, Quỹ này còn mang lại lợi ích cho những khách hàng sử dụng dịch vụ bưu chính. Trong bối cảnh mới, với mong muốn mang lại những thay đổi thực chất, rút ngắn khoảng cách về sự phát triển và chất lượng dịch vụ giữa các nước thành viên, UPU đổi mới Quỹ QSF và thành lập Quỹ QSF chung, tập trung cho những dự án mang tính toàn cầu, có tác động mạnh mẽ tới chuỗi cung ứng và thương mại điện tử. Đây là một đòi hỏi mà các nước thụ hưởng như Việt Nam cũng cần phải cập nhật và xây dựng các đề án phù hợp.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17503/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/