Luận cứ Khoa học cho việc hình thành và phát triển Thị trường mua bán nợ của doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng của Việt Nam
Việt Nam đã cơ bản hình thành các loại thị trường tài chính như thị trường tiền tệ, thị trường vốn, thị trường chứng khoán. Tuy vậy các thị trường này mới trong những bước phát triển ban đầu, thể hiện ở: (i) khung pháp lý cho việc quản lý, tổ chức và giám sát chưa hoàn thiện; (ii) hàng hóa chưa đa dạng, (iii) cơ sở hạ tầng tài chính cho vận hành thông suốt các thị trường này đang trong quá trình hình thành, và (iv) Còn thiếu vắng hoặc đã có nhưng đang ở trong giai đoạn sơ khởi ban đầu, điển hình là thị trường mua bán nợ, thị trường chứng khoán phái sinh.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc phát triển các loại hình thị trường này, trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2019, nhóm nghiên cứu tại Học viện Chính sách và Phát triển do PGS. TS. Đào Văn Hùng dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Luận cứ Khoa học cho việc hình thành và phát triển Thị trường mua bán nợ của doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng của Việt Nam”.
Mục tiêu của đề tài nhằm phân tích, đánh giá thực trạng và các nhân tố ảnh hưởng tới sự hình thành và phát triển của thị trường mua bán nợ Việt Nam và sẽ đề xuất các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Từ số liệu thực tế về thực trạng nợ của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng trong những năm qua tại Việt Nam, nhóm tác giả đã tiến hành xây dựng và kiểm định một số mô hình phân tích tác động và rủi ro của việc hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ tới tăng trưởng kinh tế của nước ta. Các mô hình đều có kết quả tương tự nhau, khẳng định ảnh hưởng tích cực của sự phát triển thị trường trái phiếu đến tăng trưởng kinh tế khi tính đến sự tồn tại và ảnh hưởng của thị trường chứng khoán và hệ thống ngân hàng.
Như vậy có thể thấy, xu thế hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ của doanh nghiệp và TCTD của Việt Nam là một tất yếu khách quan. Trong khi đó, hoạt động của thị trường mua bán nợ của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng còn bộc lộ rất nhiều hạn chế, còn một khoảng cách khá xa so với các thông lệ quốc tế. Một số hạn chế có thể kể đến như việc thiếu một khung pháp lý cũng như một cơ quan chuyên trách quản lý, tổ chức và giám sát thị trường; Hàng hóa trên thị trường còn chưa đa dạng; Thiếu vắng sự tham gia của các tổ chức trung gian trên thị trường và Cơ sở hạ tầng tài chính cho vận hành thông suốt các thị trường còn nhiều thiếu sót.
Để phát triển thị trường mua bán nợ ở Việt nam trên cơ sở khoa học, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2035, Chính phủ cần có quan điểm, định hướng rõ ràng và lộ trình phát triển thị trường trong từng giai đoạn, hệ thống giải pháp và điều kiện thực hiện giải pháp đó. Trong đó cần đặc biệt chú trọng đến những giải pháp như hoàn thiện khung pháp lý về quản lý, giám sát thị trường, phát triển hàng hóa đa dạng cho thị trường, hoàn thiện cấu trúc thị trường, khuyến khích sự tham gia cúa các tổ chức trung gian hỗ trợ thị trường cũng như có những biện pháp để nhận diện và kiểm soát những rủi ro tiềm ẩn với hoạt động của thị trường mua bán nợ. Có như vậy, thị trường mua bán nợ mới thật sự góp phần hữu hiệu vào sự tăng trưởng và phát triển của thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nước ta nói chung.
Đề tài sẽ cung cấp cho các cơ quan Đảng, Chính Phủ các quan điểm và định hướng phát triển thị trường mua bán nợ ở Việt nam trên cơ sở khoa học, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2035.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17627/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/