Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 16-11-2022

Ứng dụng kỹ thuật tiên tiến (Scan ảnh rễ) trong nghiên cứu bón phân tối ưu cho rừng trồng Keo tại Việt Nam

Keo là loài cây trồng phổ biến tại nhiều vùng, tỉnh trên cả nước. Rừng trồng Keo đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng rừng, góp phần vào phát triển kinh tế địa phương. Từ thực tế đó, đề tài chọn đối tượng nghiên cứu là cây Keo.

 

Nhằm góp phần hoàn thiện cơ sở khoa học trong trồng rừng công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao tại Việt Nam, cụ thể là xác định được thời điểm bón phân tối ưu và chu trình dinh dưỡng rừng trồng keo và xác định được loại phân và lượng phân bón thích hợp cho rừng trồng keo, nhóm nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Lâm sinh Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam do TS. Trần Văn Đô làm chủ nhiệm đã thực hiện đề tài: “Ứng dụng kỹ thuật tiên tiến (Scan ảnh rễ) trong nghiên cứu bón phân tối ưu cho rừng trồng Keo tại Việt Nam”.

Nghiên cứu được thực hiện ở khu rừng trồng tại Trạm thực nghiệm Lâm nghiệp, thuộc Trường Cao đẳng Nông Lâm Đông Bắc, địa chỉ Khu 1, Phường Bắc Sơn, Thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Thí nghiệm được bố trí trên 2 đối tượng rừng: (i) Rừng đã trồng sẵn và (ii) Rừng trồng mới. Rừng trồng áp dụng mật độ 1.100 cây/ha (3x3m).

Sau một thời gian triển khai, đề tài đưa ra các đánh giá kết quả nghiên cứu như sau:

- Xác định thời điểm bón phân cho rừng trồng thông qua quan sát ảnh rễ cám bằng kỹ thuật scan ảnh rễ thực hiện trong nghiên cứu này là kết quả mới trong nghiên cứu bón phân rừng trồng. Bằng phương pháp này, với lượng phân bón như nhau cho sinh khối rừng trồng cao hơn 43% so với phương pháp bón phân truyền thống vào mùa Xuân.

- Phương pháp mới có giá trị thực tiễn đối với trồng rừng công nghiệp tại Việt Nam. Các chủ rừng có thể áp dụng kỹ thuật này, với chi phí đầu tư thấp có thể giảm được lượng phân cần bón, giảm ô nhiễm môi trường do phân bón bị xói mòn rửa trôi mà vẫn làm tăng sinh khối của rừng trồng.

- Đối với rừng trồng keo trên lập địa tốt và trung bình, việc bón phân Kali và đạm là không cần thiết, do nhu cầu của keo đối với 2 loại phân này là không cao và keo có thể tự cố định đạm theo nhu cầu. Từ thực tế đó, không nên dùng phân tổng hợp NPK bón cho rừng trồng keo, tránh lãng phí giảm hiệu quả kinh tế của trồng rừng. Do nhu cầu lân của keo lớn, vì vậy rừng trồng keo trên bất kỳ điều kiện lập địa nào (đất tốt, xấu, trung bình) thì việc bón lân là rất cần thiết nhằm thúc đẩy quá trình sinh trưởng và chu trình dinh dưỡng.

Kết quả nghiên cứu về phương pháp xác định thời điểm bón phân tối ưu nên được áp dụng vào thực tiễn trồng rừng sản xuất tại Việt Nam. Để kết quả đến được với người trồng rừng, cần có sự hỗ trợ kinh phí để triển khai các lớp tập huấn cho các chủ rừng, đơn vị kinh doanh rừng trồng. Mặc dù trang thiết bị để xác định thời điểm bón phân tối ưu cho rừng trồng không tốn kém. Tuy nhiên, bước đầu cần có sự hỗ trợ về kinh phí mua sắm thiết bị cho các đơn vị/chủ hộ kinh doanh trồng rừng để kết quả dễ đi vào thực tiễn sản xuất. Rừng trồng đối với keo có chu kỳ kinh doanh ngắn nhất trong các loài cây rừng, tuy nhiên chu kì tối thiểu đòi hỏi 5-6 năm đối với kinh doanh gỗ nhỏ và trên 10 năm đối với kinh doanh gỗ lớn. Nghiên cứu này mới được thực hiện trong thời gian 3 năm. Vì vậy, cần tiếp tục có sự hỗ trợ về kinh phí để theo dõi đánh giá mô hình cho đủ ít nhất 1 chu kì kinh doanh. Từ đó có những kết luận tốt hơn cho thực tiễn sản xuất.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17593/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 6
Hôm nay: 1641
Tổng lượt truy cập: 4.038.443
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!