Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ - Cổng thông tin

Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

Thứ Sáu ngày 24/01/2025

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 06-03-2023

Nghiên cứu nâng cao năng suất và sử dụng có hiệu quả nguồn gen lợn Cỏ và lợn Mẹo

Trên thế giới nói chung và các nước trong khu vực Đông Nam Á nói riêng, công tác bảo tồn và phát triển các giống gia súc bản địa rất được quan tâm. Đặc biệt, sau những đại dịch như Dịch tả lợn Châu Phi, Dịch Covid-19… thì các ưu điểm của tập đoàn giống lợn bản địa như sức chống chịu bệnh tật tốt, khả năng chịu đựng kham khổ cao càng thể hiện rõ. Khi người chăn nuôi gặp khó khăn về kinh tế, không đủ kinh phí mua thức ăn hỗn hợp thì nguồn thức ăn rau, củ, quả tại địa phương đã thể hiện vai trò to lớn trong chăn nuôi lợn bản địa. Lợn Cỏ và lợn Mẹo là 2 nguồn gen bản địa hiện đang được nuôi phổ biến trong các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại một số huyện vùng cao giáp ranh biên giới Việt - Lào của các tỉnh Nghệ An như Kỳ Sơn, Tương Dương; Hà Tĩnh như Nghi Xuân, Con Cuông; Thừa Thiên Huế như A. Lưới, Quảng Điền, Nam Đông...

Đây là những giống lợn dễ nuôi và rất phù hợp với tập quán chăn nuôi tại các nông hộ vùng sâu vùng xa của các huyện miền núi tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và các khu vực lân cận. Hiện tại, lợn Cỏ và lợn Mẹo đang trở thành vật nuôi chính trong gia đình của người dân địa phương nơi đây. Tuy nhiên, năng suất chưa cao, chất lượng 2 giống lợn này còn nhiều hạn chế nên chưa phát huy hết tiềm năng và chưa đưa lại hiệu quả chăn nuôi cao cho người chăn nuôi 2 giống lợn này.

Cho đến nay, chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu về chọn lọc, nhân giống và áp dụng các giải pháp kỹ thuật phù hợp về chế độ dinh dưỡng, chăm sóc nuôi dưỡng để nâng cao năng suất sinh sản, sinh trưởng và chất lượng thịt của 2 giống lợn này. Vì vậy, nghiên cứu để có những đánh giá sâu hơn về đặc điểm sinh học, khả năng sinh trưởng và sinh sản của 2 giống lợn Cỏ và lợn Mẹo, từ đó xây dựng và củng cố các đàn hạt nhân, đàn nhân giống, đưa ra các quy trình kỹ thuật chọn lọc, nhân giống, chế độ chăm sóc nuôi dưỡng phù hợp nhằm nâng cao năng suất chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc sinh sống dọc theo dãy Trường Sơn của Tổ quốc là hết sức cần thiết.

Từ yêu cầu của thực tế, nhằm tạo được đàn hạt nhân lợn Cỏ và lợn Mẹo với quy mô mỗi giống 60 nái và 6 đực; tạo được đàn nhân giống lợn Cỏ và lợn Mẹo với quy mô mỗi giống 150 nái và 20 đực, gồm 04 mô hình liên hộ (từ 30-50 nái/mô hình); xây dựng được quy trình chọn đàn hạt nhân, quy trình chăn nuôi lợn Cỏ và lợn Mẹo sinh sản; xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở đàn hạt nhân, đàn nhân giống lợn Cỏ và lợn Mẹo, nhóm nghiên cứu từ Viện Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do TS. Hoàng Thị Phi Phượng đứng đầu đã đề xuất thực hiện đề tài: “Nghiên cứu nâng cao năng suất và sử dụng có hiệu quả nguồn gen lợn Cỏ và lợn Mẹo”.

Sau 3 năm triển khai thực hiện (từ 09/2017 đến 08/2020), đề tài đã hoàn thành thực hiện đầy đủ các nội dung, khối lượng, số lượng, chủng loại sản phẩm. Chất lượng các sản phẩm đạt, một số vượt trổi hơn so với yêu cầu trong thuyết minh được phê duyệt và hợp đồng được ký kết. Cụ thể:

1/ Đã xây dựng được đàn hạt nhân lợn Cỏ và lợn Mẹo với quy mô 6 lợn đực và 60 lợn nái cho mỗi giống tại Thừa Thiên Huế (lợn Cỏ) và Nghệ An (lợn Mẹo). Lợn có đặc điểm ngoại hình tương đối đặc trưng của giống. Năng suất sinh sản và sinh trưởng của đàn hạt nhân như sau: Tuổi động dục lần đầu (TĐDLĐ); Tuổi phối giống lần đầu (TPGLĐ) và Tuổi đẻ lứa đầu (TĐLĐ) của đàn nái hạt nhân theo thứ tự là 213,24; 241,28; 355,65 ngày (lợn Cỏ) và 210,28; 241,15 và 356,21 ngày (lợn Mẹo).

Khối lượng phối giống lần đầu đạt 41,64 kg (lợn Cỏ) và 43,42 kg (lợn Mẹo). Số con sơ sinh/ổ; Số con sơ sinh sống/ổ và Số con cai sữa/ổ theo thứ tự là 8,13; 7,84; 7,38 con (lợn Cỏ) và 8,21; 7,88; 7,41 con (lợn Mẹo).

Khối lượng sơ sinh /ổ và khối lượng cai sữa/ổ lần lượt là 3,99 và 43,17 kg (lợn Cỏ); 4,02 và 43,42 kg (lợn Mẹo). Số lứa đẻ/nái/năm của lợn nái Cỏ và nái Mẹo đạt từ 1,69 - 1,73 lứa. Tăng khối lượng (TKL) giai đoạn 2 - 8 tháng tuổi trung bình là 203,42 g/ngày (lợn Cỏ) và 220,05 g/ngày (lợn Mẹo). Độ dày mỡ lưng 8 tháng tuổi của lợn Cỏ trung bình là 13,10 mm; Ở lợn Mẹo là 12,86 mm. Tiêu tốn thức ăn/kg TKL giai đoạn 2 - 8 tháng tuổi ở lợn Cỏ là 4,89 kg và 4,96 kg ở lợn Mẹo. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu như SCSS/ổ, SCSSS/ổ và KLSS/con có hệ số biến thiên còn rất lớn.

2/ Đã chọn lọc và xây dựng được đàn nhân giống lợn Cỏ và lợn Mẹo với quy mô 20 lợn đực và 150 lợn nái cho mỗi giống tại 4 mô hình liên hộ ở Thừa Thiên Huế (lợn Cỏ) và 4 mô hình liên hộ ở Nghệ An (lợn Mẹo). Năng suất sinh sản và sinh trưởng của đàn nhân giống như sau: TĐDLĐ; TPGLĐ và TĐLĐ theo thứ tự là 220,04; 248,65; 358,72 ngày (lợn Cỏ) 141 và 210,76; 242,33; 354,47 ngày (lợn Mẹo). Khối lượng phối giống lần đầu đạt 41,63 kg (lợn Cỏ) và 42,81 kg (lợn Mẹo). SCSS/ổ; SCSSS/ổ và SCCS/ổ theo thứ tự là 8,05; 7,52; 6,85 con (lợn Cỏ) và 8,02; 7,53; 7,06 con (lợn Mẹo). KLSS/ổ và KLCS/ổ lần lượt là 3,76 và 39,79 kg (lợn Cỏ); 3,77 và 42,47 kg (lợn Mẹo). TKL giai đoạn 2 - 8 tháng tuổi của lợn hậu bị (đực, cái) năm 2020 trung bình là 199,75 g/ngày (lợn Cỏ) và 212,06 g/ngày (lợn Mẹo). Độ dày mỡ lưng lúc 8 tháng tuổi của lợn Cỏ là 12,34 mm, của lợn Mẹo là 12,49 mm. Tiêu tốn thức ăn/kg TKL giai đoạn 2 - 8 tháng tuổi ở lợn Cỏ là 4,70 kg và 4,68 kg ở lợn Mẹo.

3/ Đã xây dựng thành công 4 mô hình liên hộ chăn nuôi lợn Cỏ tại Thừa Thiên Huế với 20 lợn đực và 152 lợn nái. Xây dựng thành công 4 mô hình liên hộ chăn nuôi lợn Mẹo tại Nghệ An với 20 lợn đực và 157 lợn nái. Cung cấp được 2.166 lợn Cỏ giống và 2.209 lợn Mẹo giống các loại cho sản xuất. Năng suất sinh sản của đàn lợn nhân giống trong các mô hình cao hơn từ 10,18 - 19,57%, lợi nhuận cho người chăn nuôi trong mô hình năm 2019 thu được từ 1,73 - 1,87 triệu đồng/nái, tăng từ 32,21 - 40,03% so với trước khi tham gia mô hình.

4/ Đã xây dựng được "Quy trình chọn đàn hạt nhân lợn Cỏ", "Quy trình chọn đàn hạt nhân lợn Mẹo", "Quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn Cỏ sinh sản" và "Quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn Mẹo sinh sản". Các quy trình này đã được Hội đồng KH&CN Viện Chăn nuôi nghiệm thu và được áp dụng thử nghiệm tại các mô hình nuôi lợn Cỏ, Mẹo nhân giống, cho năng suất sinh sản cao hơn từ 17,24 - 19,49% so với chăn nuôi theo quy trình cũ.

5/ Đã xây dựng được "Tiêu chuẩn cơ sở đàn hạt nhân lợn Cỏ"; "Tiêu chuẩn cơ sở đàn hạt nhân lợn Mẹo", "Tiêu chuẩn cơ sở đàn nhân giống lợn Cỏ" và "Tiêu chuẩn cơ sở đàn nhân giống lợn Mẹo". Các Tiêu chuẩn này đã được Hội đồng KH&CN Viện Chăn nuôi nghiệm thu.

Tuy đàn hạt nhân lợn Cỏ và lợn Mẹo đã được chọn lọc là khá ổn định, song một số chỉ tiêu như SCSS/ổ, SCSSS/ổ và KLSS/con có hệ số biến thiên còn rất lớn nên tiềm năng có thể còn chọn lọc nâng cao hơn nữa. Mặt khác, quy trình chăn nuôi cũng cần hoàn thiện thêm về hàm lượng năng lượng, protein thích hợp cho lợn nái chửa, nuôi con và lợn đực giống. Đề nghị cho phát triển các kết quả đề tài thành Dự án Sản xuất thử nghiệm Hoàn thiện Quy trình kỹ thuật và xây dựng mô hình chăn nuôi lợn Cỏ, lợn Mẹo tại một số tỉnh Bắc Trung bộ.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18085/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 2
Hôm nay: 5036
Tổng lượt truy cập: 4.063.802
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!