Nghiên cứu xây dựng phương án quy hoạch không gian biển Vịnh Bắc Bộ
Vịnh Bắc Bộ (VBB) là một trong năm vùng biển lớn của Việt Nam. VBB có tầm quan trọng đặc biệt đối với đảm bảo quốc phòng và an ninh đất nước. Vịnh có tài nguyên phong phú và đa dạng cho phép phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng như cảng - hàng hải, thủy sản, dầu khí và khoáng sản, du lịch và dịch vụ, các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển.
Các hoạt động kinh tế khai thác tài nguyên và sử dụng không gian vịnh trên biển và ven bờ ngày càng phát triển mạnh mẽ đã và đang tạo ra những thách thức lớn về an ninh tài nguyên, mâu thuẫn và xung đột lợi ích, suy thoái môi trường và tổn thương các hệ sinh thái, suy giảm đa dạng sinh học. Trong tương lai, các thách thức ấy càng lớn hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) và dâng cao mực biển, những áp lực môi trường từ trên lưu vực, những tác động xuyên biên giới và những bất ổn chính trị ngày càng tăng trên Biển Đông.
Quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường vùng biển VBB theo định hướng phát triển bền vững (PTBV) trở thành vấn đề tất yếu và cấp bách, đòi hỏi phải xây dựng và thực hiện quy hoạch không gian biển tiếp cận dựa vào hệ sinh thái. Xuất phát từ lý do trên, GS. TS. Trần Đức Thạnh cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Tài nguyên và Môi trường biển đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng phương án quy hoạch không gian biển Vịnh Bắc Bộ” từ năm 2017 đến năm 2020.
Dưới đây là một số kết quả nghiên cứu nổi bật của đề tài:
- QHKGB (Quy hoạch không gian biển) VBB là quy hoạch cấp vùng biển nằm trong hệ thống QGKGB ba cấp (quốc gia, vùng và địa phương). Phương án QHKGB VBB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được xây dựng dựa trên hệ thống quan điểm và nguyên tắc, các mục tiêu, tiêu chí và chức năng quy hoạch. Từ đó, đã xác định khung chương trình hoạt động của phương án quy hoạch với 10 nhiệm vụ cơ bản, các nhiệm vụ ưu tiên trong không gian quy hoạch, được đặt trong một chu kỳ quy hoạch 5 bước.
- QHKGB VBB trên nền bản đồ tỷ lệ 1:500.000 đã phân bổ các phân vị không gian cho 8 loại hình sử dụng biển: 1. Du lịch và dịch vụ biển; 2. Cảng và hàng hải; 3. Khai thác dầu khí và khoáng sản; 4. Đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; 5. Kinh tế, đô thị và công nghiệp ven biển; 6. Năng lượng tái tạo và ngành kinh tế mới; 7. Bảo tồn và bảo vệ tự nhiên biển; 8. Sử dụng đặc biệt. Các hoạt động này được đặt trên 5 vùng chức năng khác nhau. QHKGB vùng biển Móng Cái - Đồ Sơn ở bản đồ tỷ lệ tỷ lệ 1:250.000 với 7 phân vị sử dụng đặt trên nền 3 khu vực chức năng (Khu vực bảo tồn; Khu vực chuyển tiếp và Khu vực phát triển). QHKGB hai khu vực biển đảo Bạch Long Vĩ và Cồn Cỏ trên nền bản đồ tỷ lệ 1: 25.000 phân bổ không gian cho 7 loại/phụ loại hình sử dụng biển đặt trên khung 4 khu chức năng: Khu bảo tồn nghiêm ngặt; Khu đệm; Khu sử dụng hợp lý; Khu phát triển bền vững. Mỗi vùng, khu vực và khu chức năng đều được xác định tính chất quản lý và các hoạt động ưu tiên; được phép; có điều kiện và không được phép.
- Việc quản lý thực hiện QHKGB VBB nằm trong hệ thống tổ chức QHKGB ở Việt Nam, gồm Ban chỉ đạo và Ban điều hành Quốc gia; phân cấp xuống có các Ban điều hành cấp vùng và cấp tỉnh. QHKGB cấp quốc gia và vùng do Bộ Tài nguyên và Môi trường, còn cấp địa phương do UBND cấp tỉnh tổ chức lập và thực hiện. Chính phủ phê duyệt quy hoạch tất cả các cấp, trừ cấp huyện do UBND cấp tỉnh phê duyệt. Ngoài các trường hợp Chính phủ cấp phép theo luật định, về nguyên tắc cơ quan tổ chức lập và thực hiện quy hoạch có trách nhiệm cấp phép sử dụng biển trong phạm vi quản lý biển của mình.
- QHKGB VBB đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, có thời khoảng mỗi chu kỳ 10 năm đối với quy hoạch cấp vùng và 5 năm đối với cấp địa phương. Có 6 chương trình, gồm các đề án, nhiệm vụ khác nhau được đề xuất thực hiện nhằm hỗ trợ xây dựng, phát triển và thực hiện quy hoạch. Cùng với quá trình quản lý thực hiện, QHKGB VBB cần có sự giám sát và đánh giá: giám sát suốt quá trình để có cơ sở điều chỉnh và bước sang một chu kỳ mới.
- QHKGB VBB cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Hoàn thiện và tăng cường luật pháp, chính sách; Hoàn thiện hệ thống tổ chức; Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực; Nguồn tài chính bền vững; Đẩy mạnh áp dụng khoa học và công nghệ và quản lý, bảo vệ môi trường; Kết hợp giữa kinh tế với bảo tồn và quốc phòng, an ninh; Tuyên truyền và nâng cao nhận thức; Hợp tác quốc tế. Đồng thời, cần phát huy mạnh mẽ vai trò của các công cụ kỹ thuật và công cụ kinh tế xã hội (KTXH). Để đảm bảo hiệu quả và minh bạch, QHKGB cần có sự tham gia thực chất của các bên liên quan cả khi thành lập, giám sát và đánh giá quy hoạch
Đề tài đã xây dựng được một bộ tư liệu khoa học có giá trị, có tính hệ thống và tổng hợp cao về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, KTXH, môi trường VBB, không chỉ phần biển thuộc Việt Nam, mà cả phần Trung Quốc. Đề tài đã góp phần phát triển phương pháp luận và hệ phương pháp xây dựng QHKGB, kế thừa các kinh nghiệm quốc tế và áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam. Trên cơ sở đó, đã xây dựng thành công phương án QHKGB VBB.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18268/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/