Nghiên cứu khung chính sách phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo khu vực nông nghiệp
Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (“nông nghiệp”) có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, đóng góp 14,68% GDP, sử dụng 37,7% lực lượng lao động, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia (2018). Nông nghiệp vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng đều đặn trong một thập niên gần đây. Tăng trưởng nông nghiệp có đóng góp đáng kể của khoa học và công nghệ vào nâng cao năng suất, chất lượng nông sản thông qua áp dụng giống, tiến bộ kỹ thuật mới, cơ giới hóa, quản lý sản xuất. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức, bao gồm duy trì tăng trưởng; nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của hàng nông sản; cải thiện năng lực cạnh tranh quốc tế; đáp ứng nhu cầu, thị hiếu cũng như các tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; kiểm soát dịch bệnh; dự báo giá cả thị trường; cải thiện thu nhập, điều kiện sống của người dân nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng; giảm tỷ lệ nghèo; hạn chế ô nhiễm môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu.
Một hệ thống ĐMST ngành nông nghiệp hiệu quả sẽ sẽ tạo ra môi trường thuận lợi đẩy nhanh tốc độ thương mại hóa tri thức, công nghệ vào SXKD, vốn được thừa nhận rộng rãi trên thế giới là nguồn gốc của nâng cao năng suất, cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, cải thiện thu nhập, giảm nghèo và phát triển bền vững. Vì vậy, thực tiễn cho thấy nghiên cứu khung chính sách phát triển hệ thống ĐMST trong ngành nông nghiệp là rất cần thiết.
Các công trình nghiên cứu về hệ thống ĐMST đã bắt đầu từ mô hình hệ thống ĐMST quốc gia mà các tác giả tiêu biểu là (Friedrich, 1841), (Freeman, 1987), (Lundvall B., 1992), (Lundvall B.-A., Innovation as an interactive process: from user-producer interaction to the national system of innovation, 1988), (Nelson, 1993), (Edquist, 1997). Ngân hàng Thế giới cũng đã phát triển một khung lý thuyết về xây dựng hệ thống ĐMST nông nghiệp (World Bank, 2012). Khung lý thuyết về xây dựng hệ thống ĐMST nông nghiệp này được xây dựng dựa trên các lý luận về hệ thống ĐMST kết hợp với các bằng chứng thực tế cho phát triển hệ thống ĐMST nông nghiệp ở nhiều nước. Ở trong nước cũng đã có nhiều nghiên cứu về hệ thống đổi mới (đa phần là hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia). Tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu về hệ thống ĐMST ngành nông nghiệp. Thêm nữa, các nghiên cứu mới tập trung vào một vài khía cạnh của hệ thống đổi mới, chưa tổng hợp được một cách có hệ thống khung lý thuyết về hệ thống ĐMST nông nghiệp, cũng như chưa đề cập 9 đến sự khác biệt giữa hệ thống ĐMST nông nghiệp và hệ thống KHCN nông nghiệp ở Việt Nam.
Xuất phát từ thực tiễn đó, Cơ quan chủ trì Viện chiến lược và Chính sách KH&CN cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Trung Kiên thực hiện “Nghiên cứu khung chính sách phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo khu vực nông nghiệp” với mục tiêu: Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của hệ thống đổi mới sáng tạo (ĐMST) ngành nông nghiệp; Nhận dạng, phân tích thực trạng hệ thống ĐMST trong ngành hàng nông nghiệp lựa chọn ở Việt Nam (cà phê); Đề xuất khung chính sách phát triển hệ thống ĐMST trong ngành nông nghiệp ở Việt Nam.
Đổi mới sáng tạo (ĐMST) là một hiện tượng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong lịch sử loài người để nâng cao năng suất sử dụng nguồn lực, nâng cao năng lực sản xuất, và cuối cùng nâng cao mức sống của con người. ĐMST hoàn toàn không phải là một hiện tượng mới xuất hiện. Nó là nguồn gốc của cách thức tạo ra và duy trì ngọn lửa, sử dụng hạt giống để trồng trọt, thuần hóa động vật hoang dã để chăn nuôi, sáng tạo ra bánh xe cho đến động cơ hơi nước (cuộc cách mạng công nghiệp lần 1), điện thoại, bóng đèn, đĩa hát, động cơ đốt trong (cuộc cách mạng công nghiệp lần 2), máy tính cá nhân, internet, công nghệ thông tin, mạng xã hội (cuộc cách mạng công nghiệp lần 3), và robot, trí thông minh nhân tạo, công nghệ nano, công nghệ sinh học, internet vạn vật (IoT), in 3D, xe tự lái của cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 trong thời hiện đại.
Đổi mới sáng tạo là quá trình hiện thực hóa ý tưởng thành sản phẩm hoặc dịch vụ hữu ích và đưa chúng ra thị trường. Các nghiên cứu về đổi mới sáng tạo đã cho thấy đổi mới sáng tạo không đơn thuần là một quá trình tuyến tính theo hai mô hình khoa học đẩy (science push) và/hoặc thị trường kéo (market pull). Đổi mới sáng tạo là một quá trình tương tác học hỏi và kết nối giữa các cá nhân, tổ chức trong một hệ thống gọi là hệ thống đổi mới sáng tạo. Hệ thống đổi mới sáng tạo là một hệ thống mở, tiến hóa, và phức tạp. Mô hình hệ thống đổi mới sáng tạo không chấp nhận giả thuyết của mô hình tuyến tính rằng đầu tư cho nghiên cứu khoa học sẽ tự động đưa đến đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế. Mô hình hệ thống đổi mới sáng tạo cũng cho rằng đổi mới sáng tạo là kết quả của một quá trình tương tác học hỏi (interactive learning), kết nối (networking), và phản hồi (feedback) giữa các bên trong một hệ thống chứ không đơn giản là nỗ lực đơn lẻ của một cá nhân, tổ chức. Mô hình hệ thống đổi mới sáng tạo cũng thừa nhận rằng đổi mới sáng tạo có nguồn gốc không chỉ từ học học dựa trên nghiên cứu khoa học (sience-based learning) mà còn đến từ học hỏi dựa trên kinh nghiệm thực tiễn (experience-based learning) vốn diễn ra hàng ngày trong hệ thống sản xuất.
Nghiên cứu này tập trung vào hệ thống đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và đề xuất khung chính sách phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo cho nông nghiệp Việt Nam. Tổng kết kinh nghiệm quốc tế của các nước, trong đó nghiên cứu tình huống Thái Lan, Nhật Bản, Israel, cho thấy hệ thống đổi mới sáng tạo nông nghiệp thành công phải tạo tương tác, liên kết, mạng lưới giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp ở cả khu vực công và tư; thúc dẩy hoạt động chia sẻ thông tin và tương tác học hỏi trong thực tế sản xuất; và khuyến khích ứng dụng và/hoặc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất.
Nghiên cứu đã đánh giá thực trạng và chính sách đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp Việt Nam, trong đó nghiên cứu tình huống thực trạng và chính sách đổi mới sáng tạo chuỗi giá trị ngành cà phê. Hệ thống đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp vẫn cần nỗ lực hơn nữa để đáp ứng được nhu cầu thị trường. Hệ thống nghiên cứu, khuyến nông, và giáo dục đào tạo nông nghiệp cần phải tích hợp vào hệ thống sản xuất nông nghiệp. Các doanh nghiệp nông nghiệp cần hợp tác nhiều hơn nữa với các cơ sở nghiên cứu, khuyến nông, giáo dục đào tạo. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật không có văn bản nào quy định về hỗ trợ hay phát triển “hệ thống đổi mới sáng tạo”. Hệ thống đổi mới sáng tạo vẫn còn là một khái niệm phổ biến trong học thuật hơn là trong chính sách công. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không có chính sách cho hệ thống đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp. Các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân trong hệ thống đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp vẫn hoạt động, chịu sự điều chỉnh, và được hưởng ưu đãi chính sách của các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với mỗi nội dung và hoạt động cụ thể.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18572/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/