Nghiên cứu xác định các tiêu chí đánh giá chất lượng của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam
Chất lượng của hệ thống sở hữu trí tuệ (SHTT) được coi là một yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy sáng tạo và đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và phổ biến tri thức, phát triển kinh tế và góp phần gia tăng sự thịnh vượng xã hội. Chất lượng của hệ thống SHTT dường như đã trở thành tiêu chuẩn bắt buộc tối thiểu đối với nhiều quốc gia kể từ khi ra đời Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ hơn 20 năm trước và được nhiều học giả quan tâm nghiên cứu từ hơn một thập kỷ trước với công trình nghiên cứu của Zhao (2006) và gần đây nhất của các tác giả Papageorgiadis và Frank (2019). Ở Việt Nam, khi đánh giá về chất lượng của hệ thống SHTT, nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý, doanh nhân, chuyên gia... cho rằng đó là hệ thống khá đầy đủ nhưng chưa thực sự hiệu quả, hoặc là hệ thống có chất lượng pháp luật tốt nhưng chất lượng thi hành pháp luật chưa tốt. Những đánh giá đó, mặc dù có những cơ sở thực tiễn nhất định, nhưng cơ bản là những đánh giá dựa trên sự trải nghiệm, cảm nhận, hoặc một vài số liệu thống kê thứ cấp về các khía cạnh khác nhau của hệ thống SHTT. Trong khi đó, một số tổ chức quốc tế lại công bố những đánh giá của mình liên quan đến chất lượng của hệ thống SHTT ở Việt Nam, chẳng hạn các báo cáo hàng năm của Liên minh Sở hữu trí tuệ Quốc tế (IIPA), Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Liên minh Phần mềm kinh doanh (BSA)….
Tất cả những điều đó đặt ra yêu cầu đối với chúng ta về tính khách quan và độ tin cậy của những đánh giá này, cũng như khả năng tự kiểm chứng những kết quả đó. Điều quan trọng hơn cả là mục tiêu đạt được một hệ thống SHTT có chất lượng mà Việt Nam đang hướng tới trong tương lai gần. Để đạt được lợi ích lớn lao mà một hệ thống như vậy mang lại trong bối cảnh đang diễn ra sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế ở nước ta, trước hết cần phải xác định rõ khái niệm thế nào một hệ thống SHTT? thế nào là chất lượng của một hệ thống SHTT? muốn đánh giá chất lượng của hệ thống đó cần dựa vào những tiêu chí nào? cơ sở khoa học và thực tiễn của các tiêu chí đó là gì? các tiêu chí đó được đánh giá như thế nào? Việc trả lời những câu hỏi ban đầu và quan trọng đó có ý nghĩa thực tiễn lớn để xác định hệ thống SHTT mà chúng ta đang vận hành thực sự có chất lượng ở mức độ nào? có đúng như những gì chúng ta và một số tổ chức quốc tế nhận định hay không? Và 4 quan trọng hơn cả là cần phải làm gì để khắc phục những khiếm khuyết của một hệ thống có chất lượng chưa tốt và chưa phát huy được vai trò của nó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Trên thế giới, đã có khoảng 40 công trình nghiên cứu về chủ đề đánh giá chất lượng của hệ thống SHTT quốc gia. Những đánh giá đó dựa trên những tiêu chí khác nhau, được đo lường theo những cách thức khác nhau, theo những đối tượng SHTT khác nhau. Những nghiên cứu này cũng đa phần được thực hiện trong bối cảnh đánh giá tác động của hệ thống SHTT tới chuyển giao tri thức và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp (chẳng hạn nghiên cứu của Berry (2015), tạo dựng tri thức trong bối cảnh các tập đoàn đa quốc gia (Berry, 2014), điều hành liên minh nghiên cứu và triển khai (Kwon et al., 2016), hoạt động nghiên cứu và triển khai ở nước ngoài (Nandkumar and Srikanth, 2016), tính đa dạng về sản phẩm xuất khẩu (Ivus, 2015), sự phát triển khoa học và công nghệ nội tại (Anand et al., 2016), quyết định sản xuất ở địa phương (Bilir, 2014), hoạt động đổi mới sáng tạo (WIPO, 2018)... với các cách tiếp cận khác nhau. Ở Việt Nam, dường như chủ đề nghiên cứu này chưa được xem xét; có rất nhiều đánh giá khác nhau về chất lượng của hệ thống SHTT theo những góc nhìn, tiêu chí và cơ sở khác nhau. Những khó khăn trong việc làm rõ lý luận và thực tiễn, các tiêu chí, tính đầy đủ và tin cậy của dữ liệu, cách thức thu thập và xử lý dữ liệu... là những rào cản chính để đưa ra đánh giá về vấn đề này.
Trong bối cảnh xây dựng và thực hiện Chiến lược về SHTT đến năm 2030 ở Việt Nam, nhóm thực hiện đề tài, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, do TS. Nguyễn Hữu Cẩn làm chủ nhiệm đã đề xuất và được giao thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xác định các tiêu chí đánh giá chất lượng của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam” nhằm làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về các tiêu chí đánh giá chất lượng của hệ thống SHTT của quốc gia, trên cơ sở đó đề xuất những tiêu chí đánh giá chất lượng của hệ thống SHTT ở Việt Nam phù hợp với nguyên tắc chung của quốc tế.
Sau một thời gian thực hiện, đề tài thu được một số kết quả như sau:
1. Cơ sở lý luận về hệ thống SHTT và chất lượng của hệ thống SHTT: làm rõ khái niệm, cấu trúc, nguyên tắc vận hành của hệ thống SHTT quốc gia; đòi hỏi về nâng cao chất lượng của hệ thống SHTT quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu nội tại và hội nhập quốc tế; khái niệm, vai trò và nguyên tắc đánh giá chất lượng của hệ thống SHTT quốc gia.
2. Cơ sở thực tiễn về các tiêu chí đánh giá chất lượng của hệ thống SHTT: khái quát các tiêu chí đánh giá chất lượng của hệ thống SHTT đã được áp dụng trên thế giới; các tiêu chí và thang đo chất lượng của hệ thống pháp luật về SHTT; các tiêu chí và thang đo chất lượng của hệ thống thi hành pháp luật về SHTT; thực trạng về đánh giá chất lượng của hệ thống SHTT ở Việt Nam trong thời gian qua.
3. Đề xuất các tiêu chí đánh giá chất lượng của hệ thống SHTT ở Việt Nam và một số gợi ý chính sách: những đòi hỏi nội tại và yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế về chất lượng của hệ thống SHTT; đề xuất các tiêu chí đánh giá chất lượng của hệ thống SHTT ở Việt Nam phù hợp với nguyên tắc chung của quốc tế; áp dụng các tiêu chí để đánh giá chất lượng một cấu phần của hệ thống SHTT ở Việt Nam (hệ thống pháp luật hoặc thi hành pháp luật); một số khuyến nghị liên quan tới đánh giá chất lượng của hệ thống SHTT ở Việt Nam trong thời gian tới.
Kết quả đề tài góp phần giúp cho hệ thống SHTT ở Việt Nam đến năm 2030 đạt được mức độ đầy đủ và hiệu quả tương ứng với mức chung của các cường quốc trên thế giới với mọi cấu phần và nội dung cần thiết tương hợp với hoạt động có tính chất quốc tế của hệ thống SHTT toàn cầu hoá.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18484/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/