Nhân rộng áp dụng hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 31000 cho các doanh nghiệp Việt Nam
Trong thế giới kinh doanh ngày nay, quản lý rủi ro là yếu tố phù hợp nhất và đáng lo ngại nhất đối với các doanh nghiệp. Nói chung, rủi ro có thể là động lực của các quyết định chiến lược, hoặc nó có thể là nguyên nhân của sự không chắc chắn trong các doanh nghiệp, hoặc đơn giản là kết quả của các hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, phương pháp quản lý rủi ro trên toàn doanh nghiệp đòi hỏi doanh nghiệp phải xem xét các tác động tiềm ẩn của tất cả các rủi ro đối với các quy trình, hoạt động, sản phẩm và dịch vụ. ISO 31000 là tiêu chuẩn về hệ thống quản lý rủi ro nêu các nguyên tắc và hướng dẫn chung về quản lý rủi ro, cung cấp quy định hỗ trợ doanh nghiệp hiểu được cách thức phát triển, thực hiện và duy trì việc quản lý rủi ro một cách hiệu quả, thống nhất. Lợi ích của ISO 31000:2018 là giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng nhận biết nguy cơ và cơ hội, tối thiểu hóa những tổn thất có thể xảy ra và tăng xác xuất đạt mục tiêu đã đề ra.
Việt Nam hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp không chỉ cạnh tranh ở thị trường trong nước mà còn phải cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu, đồng thời phải đối mặt với các khó khăn chung từ nền kinh tế như: lạm phát, suy thoái, công nghệ thay đổi... Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp đã nhận thấy tầm quan trọng của quản trị rủi ro cũng như mối quan hệ giữa quản trị rủi ro và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Quản trị rủi ro tốt đồng nghĩa với việc doanh nghiệp kiểm soát tốt các tác động và khả năng xảy ra của các rủi ro, ít bị ảnh hưởng bởi các tác động không lường trước và có khả năng triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do rủi ro gây ra. Theo khảo sát tại các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, ngân hàng, viễn thông, hóa chất, dệt may... cho thấy các công ty cổ phần, đặc biệt là lĩnh vực tài chính ngân hàng đã và đang tham gia tích cực vào việc xây dựng hệ thống quản trị rủi ro doanh nghiệp theo thông lệ tốt, trong khi đó phần lớn các doanh nghiệp Nhà nước chưa xây dựng hệ thống quản trị rủi ro doanh nghiệp. Nguyên nhân do hệ thống các văn bản pháp lý của Việt Nam chưa có những quy định hay hướng dẫn cụ thể về quản trị rủi ro doanh nghiệp, trừ lĩnh vực tín dụng và ngân hàng, mới dừng lại ở những yêu cầu quản lý, giám sát một số rủi ro thuộc nhóm rủi ro tài chính (bảo toàn vốn, thanh khoản, đầu tư…) và nhóm rủi ro tuân thủ. Ở tầm vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 712/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020" nhằm hỗ trợ: Nghị định 96/2015/NĐ-CP đã giao nhiệm vụ cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm trong việc xây dựng Hệ thống quản lý rủi ro và giám sát hoạt động doanh nghiệp tại địa phương. Tuy nhiên, đến nay các địa phương vẫn còn đang lúng túng trong việc triển khai và chưa xác định rõ sự cần thiết và yêu cầu thực tiễn của vấn đề này.
Cho đến nay các nhiệm vụ nghiên cứu triển khai áp dụng hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 31000 cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn khá khiêm tốn, năm 2013-2014, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng áp dụng hệ thống quản lý rủi ro cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiệm vụ này đã được thực hiện và mới chỉ áp dụng thí điểm cho 03 doanh nghiệp. Nghiên cứu này thành công bước đầu là đã xây dựng được các tài liệu đào tạo, hướng dẫn cho doanh nghiệp theo tiêu chuẩn ISO 31000:2009, đã mang lại hiệu quả rõ rệt khi áp dụng. Tuy nhiên, nghiên cứu, triển khai các hoạt động quản lý rủi ro trước đây không còn đủ để đối phó với các mối đe dọa ngày nay và chúng cần có sự tiến triển.
Nhằm cung cấp hướng dẫn rõ ràng hơn, ngắn hơn và tinh gọn hơn giúp cho các tổ chức sử dụng các nguyên tắc quản lý rủi ro để cải thiện công tác hoạch định và ra các quyết định tốt hơn, nhóm thực hiện đề tài, Trung tâm Thông tin Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (nay là Trung tâm Thông tin - Truyền thông Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, do ThS. Ngô Văn Mạc làm chủ nhiệm đã đề xuất thực hiện đề tài: “Nhân rộng áp dụng hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 31000 cho các doanh nghiệp Việt Nam”.
Đề tài đã mang lại ý nghĩa khoa học và kết quả thực tiễn như sau:
1/ Ý nghĩa của nghiên cứu
Hướng nghiên cứu, triển khai áp dụng hệ thống quản lý rủi ro ISO 31000 cho các doanh nghiệp là vấn đề thời sự mà các doanh nghiệp đang quan tâm trong bối cảnh diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh và các rủi ro về pháp lý, thị trường, giá cả, công nghệ, vật liệu, con người...
Quản lý rủi ro sẽ cho thấy được cái nhìn bao quát toàn diện để có thể chỉ ra và loại bỏ những điều bất lợi, thừa thải không cần thiết trong doanh nghiệp để giảm tối đa chi phí đầu tư. Đồng thời quản lý rủi ro cũng có thể chỉ ra những chi phí phát sinh trong quá trình đầu tư và phát triển doanh nghiệp.
Quản lý rủi ro chính là cơ sở để xử lý các rủi ro chính trong doanh nghiệp để có thể tối ưu hóa nguồn lực doanh nghiệp, tối ưu hóa mối quan hệ rủi ro và lợi nhuận đồng thời giám sát một cách hiệu quả nhất các hoạt động của doanh nghiệp thông qua chỉ số rủi ro chính… Chủ động phát hiện các cơ hội và nguy cơ có khả năng xảy ra làm tác động đến mục tiêu doanh nghiệp, từ đó thực hiện giải pháp phù hợp nhằm làm tăng khả năng của cơ hội và giảm tác động của nguy cơ.
Nghiên cứu này góp phần làm sáng tỏ thực trạng đánh giá rủi ro, kiểm soát rủi ro, giảm thiểu rủi ro của doanh nghiệp, đặc điểm và giá trị tiên lượng của doanh nghiệp khi phải đối mặt với các thách thức.
2/ Ý nghĩa thực tiễn
Kết quả nghiên cứu, triển khai áp dụng hệ thống quản lý rủi ro ISO 31000 sẽ giúp các doanh nghiệp quan tâm hơn đến việc phát hiện các rủi ro và rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để ứng phó sớm các rủi ro nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hạn chế thấp nhất thiệt hại khi rủi ro xảy ra thông qua việc triển khai các giải pháp ứng phó đã được chuẩn bị trước.
Nhận dạng rủi ro là một quá trình thường xuyên vì nguy cơ rủi ro sẽ thay đổi theo thời gian và theo tính chất công việc. Các bộ phận của doanh nghiệp sẽ tự nhận diện rủi ro của mình và thông tin cho bộ phận quản lý rủi ro trên bảng đăng ký rủi ro (Risk register). Điều này giúp ban Giám đốc có cái nhìn toàn diện về các rủi ro mà doanh nghiệp phải đối mặt thông qua bảng đăng ký rủi ro này. Tiết kiệm chi phí và thời gian thực hiện ngay từ giai đoạn lập kế hoạch. Việc xác định được rủi ro ngay từ đầu sẽ giúp phát hiện sớm các sự cố, có giải pháp dự phòng và làm giảm chi phí, và thời gian cho doanh nghiệp.
Ý nghĩa thứ hai của việc này chính là loại bỏ các thông tin không chắc chắn và vì thế việc ước tính sẽ chính xác hơn và khoản chi phí dự phòng sẽ ít đi, điều này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, đề tài đã xây dựng được sổ tay hướng dẫn thực hành áp dụng ISO 31000 cho 4 nhóm ngành điện - điện tử, cơ khí chế tạo; chế biến thực phẩm; sản xuất nông nghiệp theo đặc trưng của từng ngành; đã hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro lồng ghép với kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm. Việc thực hiện nhân rộng áp dụng hệ thống quản lý rủi ro ISO 31000 cho các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng; các sản phẩm của nhiệm vụ đầy đủ đáp ứng yêu cầu về chất lượng.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18497/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/