Nghiên cứu giải pháp nắm bắt và quản lý dư luận trên mạng xã hội
Dư luận xã hội (DLXH) là một trong những phương thức thể hiện tâm tư, ý chí và nguyện vọng của người dân trước các vấn đề nảy sinh trong xã hội. Việc theo dõi, nắm bắt DLXH giúp nhà nước điều chỉnh các chính sách phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của các nhóm xã hội. Việc bỏ qua, không quan tâm đến DLXH có thể gây nên sự mất ổn định xã hội, thậm chí là mâu thuẫn, xung đột xã hội. Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nắm bắt DLXH “Điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH là công việc quan trọng và rất cần thiết nhằm nắm bắt, tập hợp kịp thời, sát thực tâm tư, tình cảm, ý chí, nguyện vọng của nhân dân về những vấn đề, sự kiện có tính thời sự trong nước và thế giới, đặc biệt là đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; giúp các cơ quan lãnh đạo, quản lý có thêm thông tin tham khảo trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước” (Ban Tuyên giáo Trung ương, 2020:15-16).
Mạng xã hội (MXH) đang ngày càng trở nên phổ biến và đang có những tác động sâu rộng đến mọi tầng lớp, mọi lĩnh vực trong xã hội, đặc biệt là Facebook - mạng xã hội có lượng người dùng lớn nhất thế giới. Tính đến quý 4/2019, số lượng người dùng Facebook hàng tháng trên toàn cầu là hơn 2,5 tỷ người (Clement, 2020). Ở Việt Nam, MXH hiện nay đang được xác định là một kênh nắm bắt DLXH rất quan trọng bởi xu thế phổ biến của nó (VOV, 2018). Số lượng người sử dụng MXH đang tăng lên trong những năm gần đây. Năm 2017, số lượng người sử dụng mạng xã hội là 43,8 triệu người và tăng lên 48 triệu người vào năm 2019 và ước tính số lượng người sử dụng mạng xã hội trong năm 2020 là 49,6 triệu người, năm 2023 là 52,8 triệu người (Statista, 2020a). Facebook là mạng xã hội được nhiều người yêu thích và sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam với 45,3 triệu người năm 2019 (Statista, 2020b).
Mạng xã hội đã giúp người sử dụng Internet thuận lợi hơn trong việc kết nối, tiếp cận và chia sẻ thông tin nhanh với chi phí thấp. Nó cũng là một phương tiện để chính phủ nắm bắt được các tâm tư, nguyện vọng của người dân để từ đó thực thi và điều chỉnh các chính sách phù hợp với thực tế đời sống.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Viện xã hội học cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Tuấn Minh thực hiện “Nghiên cứu giải pháp nắm bắt và quản lý dư luận trên mạng xã hội” với mục tiêu: Từ việc nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của dư luận trên mạng xã hội, nhận diện thực trạng nắm bắt và quản lý dư luận trên mạng xã hội, từ đó đề xuất giải pháp nắm bắt và quản lý phù hợp.
Kinh nghiệm một số nước trong việc quản lý thông tin trên mạng xã hội và Internet cho thấy có 3 mô hình nổi bật:
1/ Mô hình quản lý cực đoan kiểu Trung Quốc;
2/ Mô hình quản lý thông tin trên mạng xã hội theo phong cách dân chủ xã hội của khối các nước thuộc liên minh châu Âu và Úc;
3/ Mô hình quản lý thông tin theo phong cách tự do kiểu Mỹ.
Trong mô hình quản lý cực đoan kiểu Trung Quốc, nhà nước luôn cố gắng ngăn chặn và kiểm soát mọi luồng thông tin, ngăn cản bất kỳ nỗ lực nào của công chúng nếu có ý định kết nối mạng với bên ngoài. Chính sách này không phải là chính sách được ưa dùng của các quốc gia theo mô hình dân chủ, tự do. Các quốc gia khác lựa chọn hướng đi đối thoại, tương tác nhiều hơn với người dân, lắng nghe các phản hồi của công chúng và điều chỉnh để phù hợp với mong đợi của các nhóm xã hội. Với cách quản lý thông tin trên mạng xã hội theo đường lối tăng cường tương tác tích cực, người dùng cải thiện các năng lực tham gia trên không gian mạng, và chủ động để loại bỏ tin tức giả mạo, tin sai lệch, hoặc phát ngôn gây thù nghịch. Những quy định về kiểm soát như mô hình của Trung Quốc có nguy cơ đẩy một bộ phân dân cư vào nhóm đối nghịch nếu như một danh sách các quy định về các từ cấm sử dụng trở nên dài hơn. Vấn đề quản lý thông tin trên mạng xã hội cũng đặt ra những thách thức về bảo mật quyền riêng tư, bảo mật thông tin người dùng, trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ và ranh giới quyền lực của nhà nước có thể can thiệp đến đâu mà vẫn tôn trọng, đảm bảo các quyền con người mà họ đã cam kết xây dựng.
Facebook đang là một lĩnh vực/không gian công cộng kỹ thuật số, giúp làm tăng sự tham gia của công chúng trong việc bày tỏ ý kiến, quan điểm cá nhân thông qua các sự kiện xã hội, vụ việc của đời sống xã hội trên mạng xã hội để hình thành DLXH.
Công tác về dư luận xã hội ở Việt Nam được thực hiện thông qua mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội của ban Tuyên giáo Trung ương kết hợp với hoạt động “Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội” của các đơn vị, tổ chức trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền Thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng giúp tạo nên một hệ thống chỉnh thể cho việc nắm bắt và định hướng dư luận xã hội trong toàn xã hội. Nhìn chung, hệ thống này có đủ khả năng để kiểm soát thông tin/dư luận trên MXH.
Các giải pháp nắm bắt và quản lý dư luận trên MXH được xây dựng xoay quanh việc phát triển dư luận trên MXH. Đó là các giải pháp từ vấn đề nhận thức về việc sử dụng mạng xã hội; việc xây dựng một xã hội cởi mở, tôn trọng và biết lắng nghe lẫn nhau; cho đến các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật; phương pháp kết hợp phần mềm phân tích dữ liệu từ MXH và khảo sát truyền thống trong nghiên cứu để nắm bắt dư luận trên MXH; và cuối cùng là việc xây dựng công cụ để đánh giá sự phát triển của dư luận trên MXH. Hai giải pháp cuối cùng cũng mở ra hướng nghiên cứu mới trong tương lai ở Việt Nam.
Thông điệp cuối cùng mà báo cáo này muốn đưa ra đó là quản lý dư luận trên MXH không thiên về hướng kiểm soát MXH, truy tìm và cô lập nguồn tin mà là tìm cách để nâng cao năng lực người dùng mạng xã hội về việc chọn lọc thông tin và nâng cao các ứng xử văn minh trên mạng xã hội. Biện pháp này hướng đến xây dựng xã hội học tập, đối thoại và hợp tác thông qua sự chia sẻ ý kiến và cùng học hỏi lẫn nhau. Câu nói của Bác Hồ "Dân chủ là làm sao cho dân mở miệng, đừng để dân sợ không dám mở miệng, nhưng còn nguy hại hơn là khi người dân không thiết mở miệng nữa" cần luôn được lưu ý trong hoạt động nắm bắt và quản lý dư luận trên mạng xã hội.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18591/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/