Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 15-08-2023

Nghiên cứu giám định các loài giổi ăn hạt (Michelia spp.) ở Việt Nam hạt bằng phương pháp hình thái, phân tử và sinh thái

Từ năm 2017 đến năm 2020, nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Lâm nghiệp do PGS.TS. Vũ Quang Nam dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu giám định các loài giổi ăn hạt (Michelia spp.) ở Việt Nam hạt bằng phương pháp hình thái, phân tử và sinh thái”.

Mục tiêu của đề tài là nhằm xác định được chính xác tên khoa học của các loài giổi ăn hạt tại Việt Nam bằng phương pháp hình thái, sinh học phân tử và sinh thái; xác định được vị trí phân loại hợp lý của các loài giổi ăn hạt tại Việt Nam trong hệ thống phân loại chung của Việt Nam và trên Thế giới; và nâng cao được năng lực nghiên cứu cho cán bộ, học viên cao học; xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu về các loài giổi ăn hạt ở Việt Nam.

Đề tài đã thu được các kết quả như sau:

1. Có 2 loài giổi có hạt dùng làm gia vị và làm thuốc tại Việt Nam, đó là: Giổi ăn hạt (Michelia tonkinensis) và Giổi xanh quả to (Michelia citrata). Loài Giổi xanh (Michelia mediocris) có đặc điểm hình thái khác biệt so với loài Giổi ăn hạt và Giổi xanh quả to bởi có bộ nhụy dạng trụ dài, với nhiều lá noãn rời, quả dạng trứng, không có cuống quả và không có eo thắt dạng “củ lạc”. Khóa tra phân loại cho 3 loài M. tonkinensis, M. citrata và M. mediocris được xây dựng.

2. Tên khoa học của loài giổi ăn hạt thông dụng ở Việt Nam được xác định - Michelia tonkinensis A. Chev. Các tên đồng nghĩa (synonym) của loài này được xác định là Talauma gioi A. Chev., Michelia gioi (A. Chev.) Sima & Hong Yu, Michelia hypolampra Dandy, Magnolia hypolampra (Dandy) Figlar và Michelia hedyosperma Y.W. Law.

3. Đã xác định được những vị trí phân loại của chi Michelia trong hệ thống học họ Ngọc lan. Trong đó, chi Michelia khác biệt với các chi khác (Magnolia, Manglietia, Alcimandra, Kmeria…) bởi các đặc điểm hình thái của vị trí hoa, hình thái quả.

4. Đã nhân bản và xác định được trình tự gen atpB - rbcL, trnH-psbA, trnL intron và trnL - trnF của 5 mẫu Giổi ăn hạt ở Việt Nam thuộc hai loài (Michelia tonkinensis và Michelia citrata), kích thước của đoạn gen atpB - rbcL là 399 bp, trnH-psbA là 332 bp, trnL intron là 525 bp và trnL - trnF là 916bp.

5. Trình tự nucleotide của gen trnH-psbA rất đặc trưng cho loài, có sự khác biệt giữa các loài trong chi Michelia; Từ kết quả nghiên cứu có thể sử dụng trình tự gen trnH-psbA làm chỉ thị để giám định các loài Giổi ăn hạt ở Việt Nam.

6. Xây dựng cây phát sinh chủng loại dựa trên kết quả phân tích 4 đoạn gen atpBrbcL, trnH-psbA, trnL intron và trnL-trnF, thể hiện được mối quan hệ của 2 loài Giổi ăn hạt ở Việt Nam (Michelia tonkinensis và Michelia citrata) với một số loài thuộc chi Michelia và Magnolia công bố trên ngân hàng gen NCBI.

Từ kết quả nghiên cứu phân loại các loài Giổi ăn hạt bằng chỉ thị hình thái và phân tử, bước đầu đã cung cấp cơ sở dữ liệu khoa học phục vụ cho công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài cây này ở Việt Nam. Bộ cơ sở dữ liệu các loài giổi ăn hạt ở Việt Nam, bao gồm trên 500 kiểu ảnh và trên 100 tiêu bản khô về các loài giổi được lưu giữ.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18686/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/vi

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 7
Hôm nay: 61
Tổng lượt truy cập: 4.029.062
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!