Kinh tế Việt Nam 2001-2020
Giai đoạn đoạn 2001 - 2020, là giai đoạn nền kinh tế có độ mở lên tới 200% GDP và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Các quan hệ kinh tế so với các giai đoạn trước đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều và có sự gắn bó chặt chẽ với không gian kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh phát triển mới, khi kinh tế Việt Nam đã “mở cửa” để “ra khơi” sẽ cần nhiều “tàu to” để vượt “sóng lớn” những khó khăn và thách thức đặt ra cho nền kinh tế cũng vì thế mà tăng lên gấp bội.
Do vậy, bức tranh toàn cảnh kinh tế Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử cần được nghiên cứu và phân tích trên nhiều góc độ, đặc biệt là ở việc nền kinh tế đã thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Dưới “góc nhìn” của lịch sử kinh tế sẽ giúp làm rõ sự phát triển kinh tế của Việt Nam theo trình tự thời gian, những ảnh hưởng của bối cảnh quốc tế và trong nước, cũng như những cải cách về thể chế kinh tế tác động như thế nào đến sự phát triển kinh tế. Từ đó, tìm ra các xu hướng có tính quy luật của quá trình chuyển đổi thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Bên cạnh đó, năm 2020 cũng là quãng thời gian chuẩn bị các Văn kiện Đại hội Đảng cho các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm tiếp theo (2021- 2025) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030). Một công trình tổng kết lịch sử kinh tế Việt Nam trong quãng thời gian 20 năm, đặt trong những bối cảnh và yêu cầu kể trên, sẽ là những đóng góp có giá trị cho việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng đại nói trên. Từ thực tế trên, năm 2020, nhóm nghiên cứu tại Viện kinh tế Việt Nam do TS. Phạm Sỹ An dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Kinh tế Việt Nam 2001-2020”.
Mục tiêu của đề tài nhằm phác họa bức tranh tổng thể về sự phát triển, đánh giá những nhân tố tác động những thành công và những hạn chế của kinh tế Việt Nam trong quãng thời gian 20 năm (2001 - 2020).
Kinh tế Việt Nam giai đoạn 2001 - 2020 là quãng thời gian Việt Nam đi tìm lời giải hữu hiệu cho bài toán hội nhập sâu rộng và phục hồi sau khủng hoảng. Sau giai đoạn cất cánh nền kinh tế đã phải đối mặt với những khó khăn thách thức của của một nền kinh tế chưa có “bề dầy về phát triển kinh tế thị trường” ngày càng bộc lộ các mặt hạn chế khi độ mở của nền kinh tế ngày càng cao. Việt Nam đã phải nỗ lực rất nhiều để có được những giải pháp ứng phó linh hoạt và kịp thời, vượt qua được những thách thức do khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và khủng hoảng nợ công châu Âu năm 2010 mang lại... Việt Nam đã khá thành công trong việc giải quyết được các bài toán kinh tế và vượt qua được nhiều thách thức trong ngắn hạn. Tuy nhiên, để kinh tế Việt Nam vươn cao và bay xa hơn để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình trong tương lai, để chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành công, để phát triển ổn định, bền vững cần phải có những quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị mà cốt lõi chính là sự phối hợp chặt chẽ giữa ba chủ thể chính trong nền kinh tế thị trường là Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Khép lại chặng đường gần 20 năm hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tiếp theo một nhịp phát triển mới với ý chí và quyết tâm của cả dân tộc, các thế hệ cha anh đi trước có quyền hi vọng vào những thế hệ mai sau có thể mang lại những thành công và thực hiện được ước mơ một nước Việt Nam hùng cường, có một vị thế quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Việc nghiên cứu công trình: “Kinh tế Việt Nam 2001 - 2020” là điều cần thiết cả về mặt lý luận và thực tiễn.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18815/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/