Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học bệnh dại và dịch tễ học phân tử vi rút dại - đề xuất chủng vi rút dại để sản xuất vắc xin
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật thuộc danh mục bệnh động vật phải công bố dịch, đồng thời thuộc danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người. Bệnh dại gây tử vong cho người, nhưng có thể kiểm soát và loại trừ được bằng cách tiêm phòng vắc-xin
Bệnh dại gây tổn thất lớn đến tính mạng con người. Từ năm 2005 đến tháng 11 năm 2016 trên cả nước có 1.055 người bị chết do bệnh dại, trung bình mỗi năm có trên dưới 100 người bị tử vong, chiếm tỷ lệ cao nhất so với các bệnh truyền nhiễm gây dịch ở nước ta hiện nay. Tỷ lệ chết của bệnh dại trên người lên tới 100% khi đã lên cơn dại. Trong giai đoạn 2011- 2015, 48 tỉnh đã có người chết vì bệnh dại. Bệnh dại có nguy cơ lan rộng nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời và đồng bộ. Bệnh dại gây thiệt hại về kinh tế. Theo kết quả đánh giá của Đối tác Một sức khỏe - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về gánh nặng kinh tế của bệnh dại (khoảng hơn 4 triệu người bị chó mèo cắn phải điều trị dự phòng bệnh dại trong 10 năm, từ năm 2005-2014) cho thấy thiệt hại kinh tế lên tới 14.608 tỷ đồng (tương đương 664 triệu đô la Mỹ) do phải chi trả cho việc tiêm vắc-xin, kháng huyết thanh dại, tiền viện phí, số ngày công lao động của người đi tiêm (chưa bao gồm chi phí cấp cứu hay phải phẫu thuâṭ thẩm mỹ sau tổn thương lớn). Việt Nam là nước có tổng đàn chó lớn, ước tính khoảng 7,7 triệu con trong năm 2016, chó nuôi thả rông nhiều. WHO đánh giá Việt Nam là một trong các quốc gia đang có bệnh dại lưu hành và có nguy cơ cao lây truyền bệnh dại từ động vật sang người. Điều này đã tác động đến tâm lý của du khách từ nước ngoài đến Việt Nam và gây thiệt hại không nhỏ cho ngành du lịch của Việt Nam trong thời gian qua.
Xuất phát từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Y dược Hải Phòng do PGS.TS. Nguyễn Văn Khải dẫn đầu đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học bệnh dại và dịch tễ học phân tử vi rút dại - đề xuất chủng vi rút dại để sản xuất vắc xin” từ năm 2019 đến năm 2020. Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu: xác định đặc điểm dịch tễ học bệnh dại và dịch tễ học phân tử vi rút dại; và đề xuất được chủng vi rút dại để sản xuất vắc xin.
Dưới đây là một số kết quả nổi bật của đề tài nghiên cứu:
Kết quả thống kê 11 năm cho thấy, khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có số ca tử vong do bệnh dại cao nhất, bệnh có diễn biến không theo quy luật. Năm 2019, cả nước có 81 ca tử vong do bệnh dại, trong đó 80 ca tử vong dại do không đi tiêm vắc xin phòng dại. Toàn bộ 81 người tử vong đều bị phơi nhiễm từ chó, trong đó 90,12% bị chó cắn trực tiếp, 8,64% là phơi nhiễm qua tiếp xúc và 1,23% không rõ phơi nhiễm. Toàn bộ số chó gây phơi nhiễm cho người đều không được tiêm phòng. Người có 1 vết cắn chiếm 56,4%, có 2 vết là 30,8% và 12,8% có ≥3 vết cắn. Vết thương độ I chiếm 15,4%, độ II là 59,0% và 25,6% là vết thương độ III.
Nghiên cứu đã giải trình tự và xây dựng được cây phát sinh loài dựa trên toàn bộ vùng gen G của 14 chủng và 27 chủng vi rút dại phân lập tại Việt Nam.
Đề tài đã lựa chọn được chủng vi rút dại PV là chủng vi rút dại có hiệu quả tốt nhất trong hai dòng chủng virut dại PV và PM cho sản xuất vắc xin phòng bệnh dại tại Việt Nam. Chủng vi rút dại PV luôn tạo được hiệu giá vi rút cao, kéo dài trong quá trình nuôi cấy rất thích hợp trong qui trình công nghệ sản xuất vắc xin.
Nhóm nghiên cứu đã xây dựng và tối ưu hóa được qui trình sản xuất vắc xin dại ở qui mô phòng thí nghiệm với các bước chính như nuôi cấy tế bào vero, gây nhiễm và thu hoạch vi rút, tinh sạch và tinh chế vi rút cũng như tối ưu hóa được qui trình pha bán thành phẩm và thành phẩm vắc xin Dại ở qui mô phòng thí nghiệm. Đã xây dựng được bảng tiêu chuẩn cơ sở cho vắc xin dại trên nuôi cấy tế bào Vero.
Kết quả đề tài đã sản xuất được loạt vắc xin dại thành phẩm qui mô 3000 liều vắc xin đạt tiêu chuẩn chất lượng cơ sở. Vắc xin được phối trộn với chất hấp phụ là nhôm phosphate và đóng gói dạng lỏng với liều 1ml/lọ.
Tuy nhiên, do hệ thống giám sát phòng thí nghiệm bệnh dại động vật và người chưa được thực hiện một cách đồng bộ và bài bản cho nên chưa nhìn thấy rõ được toàn cảnh nguồn gốc và sự lan truyền của vi rút dại lưu hành tại Việt Nam. Do vậy, cần triển khai hệ thống giám sát vi rút dại chặt chẽ để có những bằng chứng khoa học và bức tranh tổng thể về các biến thể vi rút tồn tại trong ổ chứa, lưu hành và gây dịch ở Việt Nam, đồng thời phát hiện kịp thời các biến thể vi rút xâm nhập để phục vụ cho công tác phòng chống bệnh dại hiệu quả hơn cũng như đánh giá hiệu quả của chương trình phòng chống bệnh dại.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19202/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/